Công cụ hữu hiệu để loại bỏ "sân sau," chống tham nhũng
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nếu để vợ
hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp sẽ bị
cách chức, nếu việc này gây hậu quả nghiêm trọng có thể phải chịu trách nhiệm
hình sự.
Những quy định này vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị định
59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng,
chống tham nhũng, trở thành công cụ quan trọng để xử lý tình trạng tham nhũng
ngày càng tinh vi, phức tạp.
Lãnh đạo dùng "sân sau" để trục lợi
Khái niệm doanh nghiệp "sân sau" không còn xa lạ với
dư luận trong nhiều năm qua. Đây là hình thức để các quan chức trong bộ máy nhà
nước trục lợi, thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu hoặc có quan
hệ chi phối, tác động hỗ trợ để được chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm "moi" tiền ngân sách...
Đa số người đứng đầu những doanh nghiệp này là người thân,
ruột thịt của người đứng đầu địa phương, cơ quan, doanh nghiệp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa là một ví dụ
điển hình trong việc lợi dụng chức quyền nhằm trục lợi cá nhân thông qua việc
thành lập công ty để người thân quản lý.
Theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tại Kỳ họp thứ
15, vị lãnh đạo này đã có các vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong việc thực
hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh
nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật trong thời gian
giữ các chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn
Điện Quang.
Bà Thoa cũng được xác định thực hiện mua cổ phần vượt mức
quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định theo Điều lệ của Công ty;
chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư
và Thương mại Điện Quang (nơi gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ tới gần 35% vốn
điều lệ doanh nghiệp) mà không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu, vi phạm quy định
về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Với những sai phạm trên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết
định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương; Thủ tướng Chính
phủ đã miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Tương tự trường hợp bà Thoa, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng
Nai Phan Thị Mỹ Thanh cũng đã bị cách hết chức vụ trong Đảng vì tạo điều kiện
cho công ty do chồng là cổ đông sáng lập.
Trong thời gian là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương, Bí
thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty Trách
nhiệm hữu hạn Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng
thành viên.
Hành vi của bà Thanh là vi phạm Luật Phòng, chống tham
nhũng. Đến khi trở thành Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh
Đồng Nai, bà Thanh tiếp tục có vi phạm khi ký các văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh
chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng (Công ty Cường Hưng) đầu
tư dự án Khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật Phòng, chống tham
nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm.
Không chỉ vậy, vị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai còn ký các văn bản
của Ủy ban Nhân dân tỉnh không thuộc lĩnh vực mình phụ trách để cấp phép và gia
hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi
phạm quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Tại Kỳ họp thứ 22, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận:
"Những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng,
gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của
tổ chức Đảng và cá nhân bà Thanh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư
xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh."
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban
Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức:
"Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo
thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà
Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật."
Trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, bà Hồ Thị Kim Thoa chỉ
là những câu chuyện đã vượt quá mức bình thường, cũng giống như căn bệnh nan y
đã đến giai đoạn cuối, không thể giấu diếm.
Trên thực tế, tình trạng này vẫn đang "âm thầm" tồn
tại, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, khiến xã hội bức xúc.
Việc bổ nhiệm người thân giữ chức vụ quan trọng dưới sự quản
lý của mình, hay thành lập doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý
trực tiếp đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong cạnh tranh
giữa các doanh nghiệp, bởi “doanh nghiệp sân sau” đương nhiên được hưởng sự ưu
ái về cả thương quyền, chính sách từ phía nhà nước hơn các doanh nghiệp thông
thường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 về chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN. |
Công cụ hữu hiệu để loại bỏ "sân sau"
Các luật sư nhận định, hình thức trục lợi trên không khác gì
hành vi tham nhũng nhưng lại "lách" được luật, nên từ trước tới nay vẫn
chưa có bản án hình sự nào dành cho các vị lãnh đạo có doanh nghiệp "sân
sau."
Theo các luật sư, Điều 37, Luật Phòng chống tham nhũng năm
2005 chỉ quy định: "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan
không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản
lý trực tiếp," chứ chưa quy định hình thức xử lý.
Để xử lý nghiêm khắc những vị lãnh đạo đang sử dụng “sân
sau” làm bình phong đục khoét ngân khố quốc gia, Nghị định 59/2019/NĐ-CP đã quy
định rõ tại Điều 83:"Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh,
chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ
quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch
vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức
cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn
vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực
hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong
phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước."
Như vậy, cuộc chiến chống tham nhũng tiếp tục được trang bị
thêm công cụ để nhận diện từng hành vi tham nhũng và qua đó có các biện pháp xử
lý nghiêm minh, kịp thời.
Điều đó cũng khẳng định rằng, cuộc chiến chống tham nhũng
không có "vùng cấm," không có "ngoại lệ," góp phần giữ vững
ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của cán
bộ, đảng viên và nhân dân.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Thanh tra Chính phủ), thành
viên Ban soạn thảo Nghị định 59 Nguyễn Tuấn Anh cho biết, việc ban hành Nghị định
59/2019/NĐ-CP nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Nghị định 59/2019/NĐ-CP sẽ góp phần ngăn chặn hiện tượng
"sân sau", lợi ích nhóm, đồng thời quy định rất rõ hình thức xử lý đối
với những hành vi liên quan đến góp vốn, thành lập, bố trí vợ, chồng, con cái
vào những vị trí người đứng đầu trực tiếp quản lý…
Những trường hợp như nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan
Thị Mỹ Thanh hay nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sẽ phải chịu
trách nhiệm hình sự chứ không chỉ bị xử lý về mặt Đảng như trước đây.
Đánh giá về vấn đề này, bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc
hội thành phố Hà Nội nêu ý kiến, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu
quả, từng bước loại bỏ tình trạng dùng người thân điều hành những "doanh
nghiệp sân sau" để trục lợi, cần xem xét kỹ công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh
đạo, người đứng đầu.
Cán bộ có đạo đức sẽ là nền tảng giải quyết hiệu quả nhất
tình trạng tham nhũng.
Việc ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP không chỉ thể hiện quyết
tâm phòng, chống tham nhũng, mà còn tạo thêm cơ sở pháp lý, trở thành công cụ hữu
hiệu để loại bỏ các doanh nghiệp "sân sau," đem lại sự công bằng
trong hoạt động kinh doanh, tạo niềm tin trong nhân dân./.
Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)
Công cụ hữu hiệu để loại bỏ "sân sau," chống tham nhũng
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
10:00
Rating:
Không có nhận xét nào: