Pleiku và tôi
Tôi đang mộng mị với những lời ca "Phố núi cao phố núi
đầy sương", thì họa sĩ Lê Hùng rủ đi lang thang các phố để biết đâu tôi có
thêm "Một chút gì để nhớ" Pleiku. Anh lái xe đi rất chậm qua các con
phố. Giờ đây thành phố đã khác xưa sau nửa thế kỷ phát triển...
Tôi có cuộc hẹn với họa sĩ Lê Hùng (Hội Văn học Nghệ thuật
Gia Lai) để xem bức tranh mới của anh. Họa sĩ Lê Hùng dự định đưa tác phẩm này
đi triển lãm toàn quốc vào năm tới.
Tôi bồi hồi ngắm đôi mắt bé gái Tây Nguyên to tròn hiện lên
hồn nhiên ngời sáng. Cơ thể bé gái không mảnh vải trên người. Quả là táo bạo
khác hẳn với nét xù xì dữ dội trong những tác phẩm của Lê Hùng về đề tài Tây
Nguyên trước đó.
Còn một chút gì để nhớ
Thực ra họa sĩ Lê Hùng chưa đặt tên chính thức cho tác phẩm.
Cho dù trước khi vẽ, anh đã xác định đề tài với ý tưởng như cội nguồn hay mầm sống
Tây Nguyên. Họa sĩ Lê Hùng hỏi tôi nên đặt tên cho bức tranh là gì. Tôi ngạc
nhiên và ngượng nóng cả mặt. Có lẽ anh tin vào cảm xúc và trực giác của một nhà
thơ như tôi chăng?
Họa sĩ Lê Hùng bên tác phẩm mới. |
Tất nhiên, tôi phải khất anh vì cần dành thời gian ngắm kỹ bức
tranh và suy ngẫm về nó. Chung quanh bé gái là những hình tượng khác gắn kết với
dụng ý sâu xa của họa sĩ. Thật không dễ gì. Bất ngờ, Lê Hùng rủ tôi đi cà phê
và nói "Cái tên bức tranh hãy từ từ nghĩ sau, chả vội gì".
Anh dẫn tôi ra quán cà phê Thu Hà trên đường Nguyễn Thái Học.
Đây là một trong những cửa hàng cà phê lâu năm nhất ở Pleiku (khai trương vào
năm 1969). Tất nhiên cà phê ở đây được khách hàng đánh giá vào loại ngon hơn cả.
Hàng trăm khách hàng trở nên thân quen. Cho dù bàn ghế ở đây toàn loại đồ nhựa
rẻ tiền, nhưng sáng nào cũng nườm nượp khách đến uống.
Tiêu chí "Slogan" cửa hàng treo trên tường với
dòng chữ rất gợi: "Còn một chút gì để nhớ". Tôi bỗng nhớ đó là tên
bài thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định (1942-1981) đã được Phạm Duy phổ nhạc. Lúc này họa
sĩ Lê Hùng mới kể, đây là bài hát được phổ biến ở khắp nơi từ đầu thập niên 70,
cùng thời ra đời của cửa hàng cà phê Thu Hà.
Những ký ức về "Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn"
bỗng ùa về trong tâm trí họa sĩ Lê Hùng. Anh nhớ lại câu chuyện cách đây nửa thế
kỷ, khi Vũ Hữu Định phạm tội trốn lính nên đã bị đầy lên Gia Lai lao động quân
dịch tại các đồn trú Tây Nguyên.
Bài thơ "Còn một chút gì để nhớ" đã được Vũ Hữu Định
sáng tác tại phố núi mù mịt này. Bài thơ nhanh chóng được truyền đi khắp nơi.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã lên tận Pleiku tìm tác giả và xin phép phổ nhạc. Ông sáng
tác ngay tại một quán cà phê ca nhạc trên đường Hùng Vương, trước mặt thi sĩ Vũ
Hữu Định. Nhiều người còn nhớ buổi tối hôm đó, thi sĩ trẻ Vũ Hữu Định vẫn còn mặc
chiếc áo có in bốn chữ LCĐB (Lao công đào binh). Phổ xong Phạm Duy nhờ ngay ban
nhạc của quán cà phê chơi thử. Người hát ca khúc chính là nhạc sĩ Phạm
Duy.
Từ đó ấn tượng của bài hát đã gây sự tò mò và hấp dẫn cho những
du khách mỗi khi đặt chân đến Pleiku. Giai điệu buồn man mác nhưng rất thơ mộng
với những lời ca: "Em Pleiku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm
mùa đông. Nên mắt em ướt. Da em mềm như mây chiều trong. Xin cảm ơn thành phố
có em. Xin cảm ơn một mái tóc mềm. Mai xa lắc trên đồn biên giời. Còn một chút
gì để nhớ để quên".
Bài hát có sức truyền cảm và lan tỏa mạnh đến nỗi, hầu hết
những ca sĩ hải ngoại nổi tiếng đều biểu diễn. Mỗi người một màu sắc khác nhau.
Nhưng theo họa sĩ Lê Hùng, người hát đúng nỗi buồn Pleiku và tâm trạng thi sĩ
Vũ Hữu Định nhất là danh ca Sĩ Phú.
Một phố núi nhỏ xinh đi năm phút đã về chốn cũ với nẻo đường
đầy sương bay. Dân ở đây ví von, nhà thơ Vũ Hữu Định và nhạc sĩ Phạm Duy đã
"đội vương miện" cho Pleiku. Có thể nói đây là bài hát phổ thơ đầu
tiên viết về phố núi Tây Nguyên với nét đẹp dịu buồn, dễ thương nhất cho đến
nay.
Lang thang dốc phố
Tôi đang mộng mị với những lời ca "Phố núi cao phố núi
đầy sương", thì họa sĩ Lê Hùng rủ đi lang thang các phố để biết đâu tôi có
thêm "Một chút gì để nhớ" Pleiku. Anh lái xe đi rất chậm qua các con
phố. Giờ đây thành phố đã khác xưa sau nửa thế kỷ phát triển.
Pleiku không còn là "Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn"
như Vũ Hữu Định viết nữa. Nhà phố mọc cao vút bên những con đường rộng mở trải
nhựa phẳng lì. Nhưng đặc biệt riêng các con dốc không hề thay đổi. Họa sĩ Lê
Hùng đã bốn mươi năm đi qua những con dốc phố. Anh nói, thành phố Pleiku nhiều
dốc lắm đèo hơn thành phố Buôn Mê Thuột, thậm chí còn đẹp hơn cả những con dốc ở
thành phố Đà Lạt.
Tôi có dịp đọc thơ của một số tác giả viết về Pleiku. Họ thường
cũng nhắc đến những con dốc. Xưa Pleiku nhỏ toàn đường đất. Nhà phố thưa thớt,
chỉ dốc nối dốc. Thị xã vắng hoe đến nỗi thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn đã kêu lên:
"Phố núi kia ơi, phố có con đường. Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu.
Không có bạn làm sao tôi uống rượu. Tôi làm sao sống nổi một ngày
đây".
Một thời Pleiku là khu đồn trú của giặc Pháp nên có nhiều trại
lính. Sinh sống tại đây chủ yếu người Jrai đầy hoang dã. Phố xá lèo tèo buồn rũ
người. Thi sĩ Nguyên Đỗ cũng mô tả: "Con phố ngày xưa lũng dốc cao. Hàng
thông xanh ngát ngả nghiêng chào…".
Thật thú vị, tôi được họa sĩ Lê Hùng cho đi dạo những con phố
nằm trên đường dốc cao vút, nhìn xa ngỡ leo ngược lên núi. Con dốc cao nhất
chúng tôi được "leo" chính là một đoạn đường dài vượt lên như chạm tới
mây trời, trên đại lộ Nguyễn Tất Thành. Những ngôi nhà đầu dốc nhìn từ đường Phạm
Văn Đồng hướng tới chắc phải ở độ cao chừng vài trăm mét. Đây là con đường quốc
lộ chính nằm trên đường Hồ Chí Minh chạy qua thành phố Pleiku. Phần này được mở
rộng chia mỗi bên ba làn đường song song. Gió miên man thổi dọc con đường từ
trên cao đổ xuống dốc.
Một góc Biển Hồ. |
Con dốc thứ hai chúng tôi "leo" nằm trên đường
Hùng Vương hướng về Ban Mê Thuột và Bình Định. Còn nữa là con dốc ngắn nhưng dựng
đứng trên đường Thống Nhất. Đây là những con phố dốc cổ nhất của thành phố. Hoặc
có con dốc nối dốc như đường Hội Phú trũng sâu ở giữa đẹp tựa cánh võng. Nhìn
cũng thấy mắt đong đưa rồi.
Họa sĩ Lê Hùng kể một thời con cái anh phải hàng ngày leo dốc
Diệp Kinh để đến trường học. Đó là một con dốc cao mới chỉ nhìn đã thấy hơi thở
phập phồng. Nhiều cô cậu học sinh còn sợ dốc đường Tô Vĩnh Diện nữa. Nhất là
vào những ngày mưa rét, cứ thế ngửa cổ đi lên trời. Đột nhiên họa sĩ Lê Hùng đọc
cho tôi nghe mấy câu thơ của thi sĩ Hương Lan: "Đêm em nằm mơ về với
Pleiku. Thành phố núi sương mờ giăng kín lối. Con dốc dài làm bước chân bối rối.
Dã quỳ vàng mà ngỡ hoàng hôn rơi". Quả thật những con dốc phố Pleiku rất ấn
tượng với bất cứ ai đã lên đây. Cùng với gió và nắng, những con dốc cũng đầy
tươi mới trong từng khoảnh khắc. Cái đẹp của thiên nhiên tạo nên những không
gian kỳ ảo trên đỉnh dốc.
Đôi mắt Pleiku
Trong hàng chục bài hát về Pleiku, với phong cách âm nhạc hiện
đại, nổi bật có "Đôi mắt Pleiku" của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Đây là ca
khúc được phổ biển rộng khắp như bài "Còn một chút gì để nhớ" của Phạm
Duy vậy. Với cảm xúc nồng nhiệt, nhạc sĩ Nguyễn Cường như bắt được cái thần của
Pleiku. Anh kể khi đi sáng tác ở Gia Lai, tình cờ đã gặp đôi mắt đẹp của một cô
gái Jrai. Hai người ngồi đối diện nhau trong một bữa tiệc giao lưu.
Sau khi lơ mơ trong men say, Ánh nắng bất ngờ chiếu vào mắt
cô gái. Một vẻ đẹp huyền bí hút hồn người nhạc sĩ. Anh có cảm giác như bị nuốt
chửng bởi nhan sắc ấy. Đó là ánh mắt hoang dã và gợi tình. Cô gái lại mặc áo
vàng như có ánh hào quang tỏa lan. Đôi mắt cô gái long lanh mộng ảo làm cho
trái tim nhạc sĩ loạn nhịp.
Đó là cảm giác nghẹt thở của nhạc sĩ trước một nhan sắc
bazan hoang dã. Nguyễn Cường viết bài hát ngay tại bàn tiệc. Những lời ca cứ
bay lên cuộn trào cảm xúc. "Đôi mắt Pleiku" ra đời như duyên trời ban
cho. Hình tượng đôi mắt quyến rũ gắn liền với Biển Hồ - một biểu tượng của
Pleiku.
Bài hát của Nguyễn Cường ra đời năm 1990. "Đôi mắt
Pleiku" như một sự đánh thức cơn mê ngủ của "Còn một chút gì để nhớ"
mà Phạm Duy đã đóng đinh hình ảnh Pleiku trong tiềm thức. Nguyễn Cường rạo rực
và mơ mộng với: "Em đẹp thế Pleiku ơi. Trái tim anh muốn vỡ tan rồi. Không
dám nhìn vào đôi mắt ấy. Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy…".
Vương Tâm
(Nguồn Văn nghệ Công an online)
Pleiku và tôi
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
14:58
Rating:
Không có nhận xét nào: