Xứ hoa đào
Cao 1.500 mét so với mực nước biển, Đà Lạt nhìn xuống những
triền dốc mờ sương nhưng không thấy điều gì xuất sắc liền ngẩng đầu lên cao dõi
theo một cánh đại bàng bay từ Langbiang liệng một vòng cung rồi vút xa tít
tránh khỏi thành phố.
Thành phố Đà Lạt dưới mắt nó, phủ một màu thông xanh rì trải
ra tận hồ, các mái nhà phải cố lắm mới ngoi lên được mặt biển cây xanh rợn ngợp.
Cho đến năm 1997, màu xanh vừa dịu dàng vừa quyền lực nọ vẫn còn tồn tại, năm
đó, lần đầu Linh đến Đà Lạt.
Ảnh minh họa. Hoài Đặng. |
Đối với nhiều người, đến Đà Lạt lần đầu vào năm 20 tuổi có vẻ
đã là quá muộn, đặc biệt khi thành phố này chỉ cách Sài Gòn chừng sáu tiếng đi
xe, nếu như vào cái năm 20 tuổi Linh chưa có người yêu, chắc hẳn phải vài năm nữa
cô mới có chuyến đi Đà Lạt lần đầu. Linh nhớ khi môi hai người chạm nhau, vào
cái năm 21 tuổi đó có thứ cảm giác ghê ghê cứ ở lại, có lẽ vì là nụ hôn đầu dù
nó diễn ra ở Đà Lạt, dưới một giàn hoa vàng đượm thì môi cô vẫn cảm giác ghê
ghê, có phải vì cảm giác đó mà hai người đã chia tay sau nụ hôn đầu một tháng,
khi còn chưa trao nhau nụ hôn thứ hai.
Nhiều người bảo rằng Đà Lạt mang lời nguyền, đôi tình nhân
nào đến đó, khi trở về sẽ chia tay. Người yêu thứ hai, rồi thứ ba đều đưa cô đến
Đà Lạt, mọi chuyện cứ ứng nghiệm lời nguyền mà kết thúc, từ đó cô đến đây một
mình, thường xuyên đến nỗi cô thông thuộc mọi con đường cứ như người bản xứ, giọng
cô cũng bắt đầu thay đổi, cả cách nói nữa, đã bị tiêm nhiễm hơi lạnh cũng như
phong thái của những con người đã quanh năm sống trong sự từ tốn thuần thục, giấu
đi cái vội vàng của mình, cô quen nhiều người, nhiều đến mức chiếm quá nửa số lần
cô đến Đà Lạt là để dự đám tang của họ. Thành phố u u của những người chết mới
đến gặp những người chết cũ, từ cửa sổ của căn phòng khách sạn Linh hay trú lại
mỗi lần đến Đà Lạt có thể thấy từng mảng sương trắng bay là đà sát đất, ẩn nấp
sau những thân thông, bò dần xuống những con dốc dẫn về thành phố, men theo những
con đường mà lúc sáng Linh đã đi qua, lúc đi qua đấy Linh đã có cảm giác gì rờn
rợn, tựa hồ ai đang níu lấy tay mình, cô quay sang, nhìn xuống mà thầm thì:
"Không sao! Không sao!", rồi bước tiếp. Khi ấy đường không có ai, Đà
Lạt mùa vắng, bị ngăn trở bởi quãng đường cách quá xa Sài Gòn, đặc biệt là những
đêm trăng trong thì càng vắng, như thể con người đã yên ổn sau bốn bức tường,
an phận trong những nỗi sợ hãi mơ hồ, như Linh lúc nhìn đốm sương trắng trườn
đi trên những quả đồi. Cô thích ngắm nhìn chúng, như thể cuộc sống của cô đang
quện chặt với chúng, cũng đang chìm xuống. Lần này đến Đà Lạt cũng vậy, cô quyết
định chọn căn phòng này, nó thân thuộc hơn cả căn nhà với chiếc giường cô chia
sẻ cùng chồng ở Sài Gòn suốt 20 năm nay, lần này anh cũng đi cùng cô lên xứ hoa
đào.
Chồng cô ấy à? Hơn 40 nhưng vẫn còn phong độ, năm tháng đẽo
gọt khuôn mặt đó kỹ lưỡng hơn chứ không bỏ bê như khuôn mặt của cô. Càng ngày
cô càng già hơn chồng, điều đó không làm cô tủi thân, trái lại cô có vẻ đắc ý,
vì giờ đây, người ta không còn nhìn cô như một thiếu nữ nhỏ bé nép bên chồng để
chờ sự che chở, trái lại, cô mới chính là người chở che cho họ, chồng và đứa
con gái 18 tuổi. Mười tám tuổi mà nó đã đến Đà Lạt ba lần chứ không muộn màng
như cô, nhưng đến sớm hơn không làm nó yêu Đà Lạt hơn cô. Đà Lạt mòn dần trong
nó, thời tiết nóng hơn và con người lạnh dần đi, không gì tồn tại đủ lâu để níu
chân nó. Con gái nhỏ lớn lên, còn cô chìm xuống, chìm xuống như cái cách Sài
Gòn đang lún xuống. Cô thấy cô cũng đang chìm cùng thành phố, như thể ở lại thì
cô không thể nào thoát ra được, cô cần phải chạy đi đến một nơi nào đó cao ráo
hơn. Chính vì thế mà cô thích đi dạo dưới những hàng thông, trên những quả đồi
say ngủ, lắm khi đang dạo bước như thế, cô tưởng tượng ai đó bên khung cửa sổ ở
một khách sạn ngoài kia đang nhìn cô như nhìn đốm sương trắng từ từ dịch chuyển
xuống chân đồi và biết đâu chừng trong những lần cô đứng bên cửa sổ, trong
sương mờ kia là ai đó đang dạo bước.
Dù là kẻ dõi theo hay bị theo dõi, cô cũng chỉ một mình vì
chỉ có Đà Lạt và cô, không thêm và không ngoại lệ, nó làm hình ảnh những cặp
đôi đến Đà Lạt trong mắt cô như thể những kẻ sẽ chớm rơi vào bi kịch chia lìa.
Chính vì thế, khi Phụng - chủ quán Cơn Mơ Chiều - nhắn tin cho cô, hỏi có muốn
mua lại quán không, vì Phụng và chồng, đồng chủ quán sắp ly hôn nên quyết định
bán lại quán, cô đã không bất ngờ chút nào. Cô cũng muốn mua lại quán, muốn ở lại
đây, dĩ nhiên phải đổi tên quán, cô nghĩ vậy, cái tên này quá sến, người ta
luôn muốn biến Đà Lạt thành một nơi sến sẩm hay cố biến Đà Lạt trở thành một chốn
nào đó không Đà Lạt. Đó là lý do cô lên Đà Lạt lần này, để ở lại. Mãi mãi.
"Còn chồng chị thì sao?" - Phụng hỏi, cô đáp lại bằng
cách tảng lờ, anh không có trong kế hoạch của cô, cả con gái của hai người cũng
vậy, nó sẽ rời khỏi họ theo cái cách họ không giữ lại được, họ đã mất nó kể từ
khi sinh ra nó, trong sự chắc chắn rằng nó sẽ lớn lên, vuột khỏi vòng tay họ.
"Còn chồng chị thì sao?", đây mới là câu hỏi khó trả lời. Anh sẽ
không theo cô, chắc chắn thế, công việc của anh, cuộc sống của anh, những hội bạn
bè, tiệc nhậu và đám đông, anh thuộc về những nơi chốn ấy và cô sẽ không cố
giành anh khỏi họ - những người lạ quen thuộc trong cuộc đời anh.
Cô sẽ bỏ chồng chỉ vì cô muốn ở lại đây: Đà Lạt. Không có tờ
đơn ly dị nào được ký. Đơn giản là họ chỉ ly thân, cuộc hôn nhân này vẫn sẽ tiếp
tục dẫu cô không ở gần anh trong suốt quãng đời còn lại nữa. Cô không tìm kiếm
những nguyên cớ cho sự chia lìa này, ví dụ như anh hờ hững, anh ngoại tình hay
gì gì chăng nữa, anh là một người chồng tốt, và tồi tệ cho cô, anh còn là người
cha tốt. Nhưng cô cần phải ở đây. Nhấn mạnh thêm, dẫu có chuyện gì xảy ra đi nữa.
Đà Lạt đã không bảo vệ được cặp đôi thần tiên trong mắt cô,
cô thích cuộc sống trước đây của họ, tự do tự tại, không có gánh nặng tiền bạc,
cô tưởng họ hạnh phúc, nhưng đôi khi người ta cũng đau khổ vì quá hạnh phúc, vì
khi hạnh phúc ở cạnh quá lâu thì hạnh phúc không thật, cái cảm giác nhàm chán của
không khí bọc nhung trong những điều hạnh phúc quá mềm mại khiến ta lúc nào
cũng trong trạng thái mơ ngủ. Họ còn trẻ, họ là bông vụ, đôi khi bông vụ xoay
vòng ở một điểm, có lúc dịch chuyển, nhưng tuyệt đối không được dừng lại, bông
vụ là phải xoay. Chỉ có cô là thích hợp ở một chỗ, cô đã hoàn tất và không gì
níu được cô mạnh bằng chốn này. Cô đặt bút ký rất nhanh, rẹt, giờ đất này, quán
này là của cô, cô ký nhanh đến nỗi Phụng thôi hỏi "còn chồng chị thì
sao?" nữa mà lẳng lặng rút tờ hợp đồng lại rồi lui vào phòng. Giờ chỗ này
không còn là chỗ của Phụng.
Còn lại mình cô giữa căn phòng rộng lớn, sương lùa qua khe cửa
gí sát sàn, chầm chậm bò tới ngoạm lấy hai bàn chân. Cô co rút lại, gác hai
chân lên trên ghế, vòng tay ôm chân, đầu tựa vào gối, cô vẫn chưa quen lắm với
cái lạnh này, nhưng rồi sẽ rất nhanh thôi, cô có thể đi chân trần trong cả những
đêm sương giá nhất. Cô tưởng tượng khuôn mặt chồng và con khi nói rằng cô sẽ
không về cùng họ vào sáng mai. Chắc chắn họ sẽ ngạc nhiên, sau ngạc nhiên là gì
thì cô không rõ, vài lời can gián chiếu lệ, thậm chí cãi vã nhưng rồi họ sẽ
không nán lại Đà Lạt để thuyết phục cô về, niềm vui không vượt quá ngày chủ nhật,
thứ hai họ phải trở về cái thế giới của họ, ở dưới kia, Sài Gòn, dù có cô hay
chăng nữa. Không ai cưỡng lại được guồng quay đó kể từ lúc họ dấn thân vào.
Cô chỉ đem ít đồ đạc, cô định bỏ lại tất cả, sẽ sắm sửa mọi
thứ mới, trong một cuộc đời mới, cái đoạn đời trước của cô đã không tạo ra được
một chút kỷ niệm nào. Gia đình cô cũng thế, trừ việc cô sinh con gái đầu lòng,
cái khoảnh khắc cô ôm nó trong tay, cô biết rằng cô đang ôm một hoài niệm, bởi
nó sẽ lớn phổng phao, sẽ trượt khỏi tay cô, con cái chưa bao giờ là tương lai cả.
Cô không cầu sự thông cảm của chồng con. Họ sẽ không bao giờ hiểu cô, họ sẽ giải
thích với bạn bè với người xung quanh rằng cô có một dự án ở Đà Lạt, họ sẽ
tránh nói cô điên dù họ nghĩ là cô điên thật. Có lẽ chồng cô sẽ có một người
tình để lấp chỗ, cô không phản đối chuyện đó, con gái cô đã có người yêu, nó sẽ
có chồng và những đứa con, nó sẽ bận bịu với cuộc đời của nó. Dần dần họ sẽ
quên lãng cô, trong những câu chuyện, trong suy nghĩ, trong những giấc mơ, căn
nhà sẽ thay đổi, những món vật dời chỗ, cũ kỹ và bị vứt đi, sẽ không còn gì gợi
nhớ đến cô nữa. Sài Gòn nơi cô dành hơn 20 năm cuộc đời là thế, nó lẳng lặng chứng
kiến những cuộc biến mất, những con người trong một sớm mai khi mặt trời lên
trên sông Sài Gòn sẽ không còn ai thấy họ nữa, những con người bốc hơi, tan biến,
như cô, như chúng ta.
Cô mỉm cười vì cái cảm giác sung sướng khi cả thế gian quên
lãng mình.
Huỳnh Trọng Khang
(Nguồn Báo Người Lao động)
Xứ hoa đào
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
15:59
Rating:
Không có nhận xét nào: