Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

Avatar của nhân dân

Cách nay chừng hơn hai mươi năm, ở vào tuổi thanh niên, mới tốt nghiệp đại học, có lần ngồi xem thời sự với ba, hai cha con tôi đã phì cười khi truyền hình chiếu cảnh các ông bà nghị của Đài Loan đánh nhau ngay tại nghị trường. Trong đầu óc trẻ trung, xốc nổi của tuổi đôi mươi ngày ấy, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao lại có chuyện như thế xảy ra đối với những chính trị gia, những người mà tôi luôn mặc định rằng họ phải vô cùng đạo mạo. Chuyện nghị sỹ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay tuy là cực hiếm hoi nhưng sau này vẫn còn xảy ra, ở một vài quốc gia khác. Và tôi hiểu, chính trị gia thì cũng như người bình thường, là con người bình thường. Một khi lý lẽ không còn đủ để thuyết phục nhau nữa, nộ khí xung thiên lên thì ẩu đả cũng chẳng phải là cái gì đó quá lạ. 


Nhưng tuyệt nhiên, tôi không thể bỏ được mặc định suy nghĩ rằng đã làm chính trị thì cần nghiêm túc, chỉn chu, và hành xử phải chuẩn mực.  Bởi vậy, nhiều chính trị gia chỉ vì một cú phốt nào đó ngoài đời thường, họ đều lựa chọn từ chức như một cách thức bảo tồn danh dự và uy tín của mình. Thái độ tự trọng đó cũng chính là một thái độ làm gương mà một người đại diện cho nhân dân cần phải có.

Cách đây chừng hơn một tháng, trong buổi họp nghị viện EU, khi quốc thiều EU được cử lên, một loạt nghị sỹ EU đến từ Vương quốc Anh đã cùng quay lưng lại với lá cờ của EU. Trong video được phát lại trên mạng, tôi nhận thấy một nghị sỹ khác, có lẽ không đến từ Vương quốc Anh, đã vội vã lấy iPad quay lại cảnh tượng kỳ dị đó. Và tôi cũng chú ý tới rất nhiều bình luận của những công dân EU ở dưới video ấy. Đa số đều nhắc lại một vấn đề rất chung, một câu hỏi rất chung: “Họ có làm như thế khi nhận lương nghị sỹ hay không?”. Vâng, đó cũng chính là câu hỏi mà rất nhiều công dân ở nhiều quốc gia sẽ đặt ra cho các nghị sỹ không tròn nhiệm vụ. Với người dân, những ông bà nghị là đại diện của họ, nhận bổng lộc từ ngân sách để cất lên tiếng nói phản biện, xây dựng, đóng góp, yêu sách thay cho họ. 


Trong mối quan hệ nghị sỹ - người dân này, có một yếu tố luôn được minh định mạch lạc: người dân lựa chọn người đại diện của mình, và người đại diện ấy, thông qua lương bổng từ ngân sách, chính là người làm thuê cho người dân ở lĩnh vực tham gia vào các quốc sách từ nhỏ tới lớn. Và bây giờ, tôi muốn quay lại với câu chuyện của những đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân ở Việt Nam mình, những người đang đại diện cho tôi, cho các bạn, cho những người dân không thể trực tiếp tham gia vào việc nước. 


Thực sự tôi giật mình khi đọc tin Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét về kỳ họp Quốc hội thứ 7 vừa qua rằng: “Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, thậm chí có ngày vắng tới 100 đại biểu”.  Con số vắng tối thiểu (30 người) và tối đa (100 người) ấy so với tổng số ghế Quốc hội (484) thực sự là đáng buồn nếu tính theo tỷ lệ phần trăm (tối thiểu 6,2% và tối đa 20,7%).  Và khi mà người dân mỗi ngày mỗi quan tâm đến các phiên họp, phiên chất vấn của Quốc hội hơn (tỷ lệ người theo dõi truyền hình trực tiếp hoặc nghe phát thanh trực tiếp từ radio khá cao), chuyện các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vắng mặt ở kỳ họp mà lẽ ra họ bắt buộc phải có mặt có phải là một thái độ thiếu nghiêm túc, thậm chí có thể nói là chưa tôn trọng chính những cử tri của mình? Tất nhiên, có những ĐBQH còn nắm giữ cương vị vô cùng quan trọng trong bộ máy nhà nước và có những việc mà họ phải trực tiếp xử lý lại rơi đúng vào thời điểm họp nên bắt buộc họ phải vắng mặt, với lý do mà cử tri hoàn toàn có thể thông cảm. 


Song, nếu số lượng vắng mặt lên tới 100 người ở một phiên họp đã được hoạch định rất kỹ lưỡng từ trước thì điều đó không thể chấp nhận được. Không thể có chuyện cả 100 đại biểu cùng bận việc tối quan trọng tới mức trốn họp đúng lúc nhân dân cần họ lên tiếng thay mình nhất. Rồi hơn thế nữa, chuyện kéo dài suốt thời gian qua khiến dư luận trở nên ồn ào chính là các phát biểu của một số đại biểu. Thực tế, có nhiều phát biểu bị cắt cúp khỏi ngữ cảnh để trở nên khôi hài trong sự lạc lõng và bị hiểu nhầm nhưng cũng không ít những phát biểu đã khiến người dân phải đặt câu hỏi về năng lực phát ngôn của đại biểu. Là đại biểu, tức là đóng vai một chính trị gia chuyên nghiệp, khả năng tối thiểu cần có nhất là hùng biện. Thế nhưng không ít đại biểu nói năng thực sự chưa chuẩn, chưa xứng tầm. Vậy thì vấn đề đặt ra ở đây là khi nhân dân cần đại biểu thay mình cất lên tiếng nói mà cuối cùng tiếng nói ấy lại thiếu mạch lạc, không rõ ràng về yêu sách hay đề xuất, đóng góp của người dân, người đại biểu đó đã làm đúng và tốt việc của mình hay chưa?


Nếu nói theo ngôn ngữ của thời đại mạng xã hội này, người đại biểu quốc hội chính là avatar của nhân dân ở nghị trường. Và avatar, trong tiếng Phạn, có nghĩa là sự hiện thân cao đẹp của thánh thần, ví như sự hiện thân của Vishnu trong thân thể Krishna trong Chí tôn ca. Vậy thì nhiệm vụ của những ĐBQH là phải giữ gìn được sự hiện thân cao đẹp ấy thì mới có thể tạo ra một môi trường chính trị thu hút được niềm tin của quần chúng.  Và đó cũng chính là nhiệm vụ tối quan trọng để xây dựng thành phần Quốc hội các khoá kế tiếp sao cho những người được đề xuất để chọn lựa phải thực sự đúng nghĩa là avatar của nhân dân, chứ không phải là những người đến phiên là lại tìm cớ để khuất mặt hoặc góp mặt đó nhưng không nói tỏ được ý nguyện của cử tri đã giao phó cho mình.

Hà Quang Minh (Báo CAND)
Avatar của nhân dân Reviewed by thuydt-tvtt24.blogspot.com on 13:53 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.