Một thời đại của "ô nhiễm trắng"
Theo UNESCO, chưa đến 20% trong số khoảng 250 triệu tấn nhựa
được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm được tái chế, trong khi có đến 40% nhựa bị
loại bỏ chỉ sau một lần sử dụng.
Hiện nay, khủng hoảng nhựa đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu
khi loại vật liệu này có mặt ở khắp mọi nơi, từ trên cạn đến dưới biển, thậm
chí là ở hai cực lạnh giá và dưới khe vực sâu nhất thế giới ở Thái Bình
Dương.
UNESCO cảnh báo, tới năm 2030 sẽ có thêm hơn 100 triệu tấn
nhựa có khả năng gây ô nhiễm các hệ sinh thái của trái đất và cuộc sống của
chính loài người, nếu như thế giới không quyết liệt thay đổi tình trạng hiện thời.
Bao vây bởi nhựa
Không thể phủ nhận nhựa là một trong những phát minh lớn nhất
của nhân loại. Thế nhưng, sau hơn 100 năm xuất hiện, nhựa lại đang trở thành mối
nguy hại lớn, mang lại những hậu quả khủng khiếp đối với môi trường, hệ sinh
thái biển và hơn hết là sức khỏe con người.
Nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ, một hỗn hợp chất lỏng của hydrocacbon
cực kỳ khó phá vỡ. Phải mất từ 450 đến 1.000 năm để nhựa phân hủy, có nghĩa là
mảnh nhựa đầu tiên được tạo ra vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay.
Hiện nay, khủng hoảng nhựa đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu, đe dọa các hệ sinh thái của trái đất và cuộc sống của chính loài người. |
Thực tế cho thấy, con người đang vô tình “nạp” nhựa vào cơ
thể thông qua thực phẩm và nước uống hàng ngày. Một nghiên cứu được công bố đầu
tháng 7 vừa qua cho thấy ô nhiễm vi nhựa đã xuất hiện trong nước ngầm của Mỹ.
Trong khi đó, khảo sát 259 mẫu nước đóng chai cho thấy 93%
trong số đó có chứa các hạt nhựa tổng hợp siêu nhỏ. Trung bình, mỗi lít nước đóng
chai sẽ chứa 325 hạt vi nhựa. Phát hiện này đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) phải vào cuộc điều tra sự an toàn của nước đóng chai.
Tất nhiên, điều kinh khủng chưa dừng lại ở đó khi hạt vi nhựa
còn xuất hiện trong thực phẩm. Theo ước tính, khi ăn một suất hải sản, các món
từ động vật có vỏ như trai, hàu hay sò, mỗi người đã “nuốt” khoảng 90 hạt vi nhựa.
Kết quả nghiên cứu năm 2018 phân tích mẫu phân của các tình
nguyện viên ở Phần Lan, Nhật Bản, Ý, Nga và các nước khác cho thấy hạt vi nhựa
đã xâm chiếm đường ruột con người. Dường như, một số hạt nhựa đủ nhỏ để đi qua
các mô bảo vệ của cơ thể và vào máu cũng như các cơ quan nội tạng.
Đáng buồn hơn, phổi cũng đang được lấp đầy bởi không khí chứa
hạt vi nhựa - những vật chất siêu nhỏ bay ra từ vô số các vật dụng nhựa xung
quanh. Một nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ cho thấy những công nhân ngành dệt
và sản xuất nhựa có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh đường hô hấp.
Giới khoa học đã cảnh báo hạt vi nhựa thường mang theo nhiều
chất hóa học độc hại, từ đó làm hỏng mô phổi, dẫn đến hen suyễn, ung thư và nhiều
vấn đề sức khỏe khác.
Ngoài ra, còn có các bằng chứng thử nghiệm trên chuột và mẫu
mô trong phòng thí nghiệm cho thấy: con cái mang thai có thể truyền những hạt
vi nhựa cho con non chưa sinh. Các hạt vi nhựa có xu hướng vượt qua hàng rào
nhau thai và đi vào khoang của thai nhi, lắng đọng trong các cơ quan nội tạng.
Dù vậy, vẫn chưa biết chắc chắn sự phơi nhiễm các hạt vi nhựa
ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào, bất chấp một số tuyên bố về bằng
chứng cho thấy nhựa và các chất hóa học ô nhiễm liên quan với chúng có độc
tính.
Ô nhiễm... tiến hóa
Khi con người đang dần hứng chịu những hậu quả của hạt vi nhựa
thì ô nhiễm nhựa có vẻ như đang... tiến hóa. Giới khoa học vừa xác nhận một dạng
ô nhiễm nhựa hoàn toàn mới có tên gọi “vỏ nhựa” (hay plasticrust) khi các tảng
đá ở bờ biển được bọc một lớp nhựa bên ngoài.
Một số ý kiến cho rằng, lớp vỏ bí ẩn này có vẻ được hình
thành do sự va chạm giữa các mảnh nhựa lớn với bờ đá, khiến mảnh nhựa vỡ ra,
bám vào đá giống như cách rêu, tảo và địa y vẫn thường làm.
Phát hiện này tiếp tục khẳng định sự tồn tại của hiện tượng
nhựa “hòa quyện” với đá tự nhiên. Cách đây không lâu, khoa học đã tìm ra
plastiglomerate - loại “đá” mới được làm hoàn toàn từ nhựa nóng chảy và
rác hữu cơ.
Các phân tích cho thấy những vết vỏ nhựa bọc lấy đá chủ yếu
được cấu thành từ polyethylene (PE) - chất liệu phổ biến được dùng trong đa số
các túi nhựa và vỏ bọc thực phẩm. Ngoài ra, còn có các bằng chứng về việc những
loài vật có vỏ như hàu, ốc hay trai cũng đang hút thêm cả nhựa. Khi các sinh vật
biển ăn phải nhựa, cơ thể chúng sẽ bị nhiễm độc từ nhựa và con người khi tiêu
thụ hải sản sẽ lại tiêu thụ chính những chất độc đó.
Tính trung bình, cứ trong 100g thịt trai thì có tới 70 hạt
nhựa nhỏ có kích thước dưới 5 microplastic. Liệu phát hiện này liên quan ra sao
với kết luận khoảng 93% người Mỹ có BPA (chất dùng trong chế tạo nhựa
polycarbonate) trong cơ thể?
Một dấu hiệu khác cần chú ý liên quan đến ô nhiễm nhựa chính
là việc những con ong hoang dã bị phát hiện đang sử dụng các vật liệu bằng nhựa
để làm tổ.
Một nghiên cứu đã hé lộ về cách ong sử dụng màng nhựa và nước
bọt để làm tổ trong các khu vực khắp Toronto (Canada), trong khi ong tại
Argentina cắt những mảnh nhựa giống chiếc lá để lót tổ, hay tận dụng nhựa từ bã
kẹo cao su. Điều này cho thấy một dấu hiệu quan trọng: loài ong có khả năng
thích nghi cao với sự thay đổi của môi trường sống, và nhựa có thể giúp chống lại
các vấn đề phổ biến trong tổ như nấm mốc và ký sinh trùng.
Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian để tìm hiểu các tác động tiềm
ẩn từ việc ong sử dụng vật liệu nhựa để làm tổ. Nhiều chuyên gia nhận định, câu
chuyện loài ong kéo nhựa về xây tổ là một ví dụ cho thấy vấn nạn sử dụng và vứt
tràn lan các vật liệu nhựa ra ngoài môi trường, xuất phát từ chính ý thức loài
người.
Điều chắc chắn là nhựa chưa bao giờ là một vật liệu thân thiện
với các loài động vật. Hạt vi nhựa đi vào cơ thể của nhiều loài thủy sinh, tiếp
tục luân chuyển sang các loài động vật trên cạn sau khi chúng ăn phải những
loài vật dưới nước, từ đó khiến cả chuỗi thức ăn bị ô nhiễm nhựa. Và loài người,
góp mặt trong chuỗi thức ăn ấy, sẽ lãnh đủ hậu quả về lâu dài.
Các loại vi khuẩn biến đổi nhựa được dự đoán sẽ trở thành “vị cứu tinh” cho trái đất. |
Hi vọng từ khoa học
Cũng giống như các mối đe dọa khác của môi trường đối với
con người, khủng hoảng ô nhiễm nhựa do chính con người gây ra. Sự thiếu hiểu biết
không phải là một cái cớ và tương tự, nguồn lợi nhuận khổng lồ từ sản xuất nhựa
sử dụng một lần có rất ít hoặc không giúp gì cho việc cải thiện tình trạng ô
nhiễm nói trên.
Hiện nay, cả thế giới đang theo đuổi lối sống “xanh”, nói
không với túi nhựa, ống hút nhựa, hay đồ nhựa sử dụng một lần, nhằm tác động đến
lượng rác nhựa cuối cùng được thải ra môi trường.
Thậm chí, các quốc gia thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển
nhất thế giới mới đây đã đồng ý tăng công suất tái chế nhựa lên 50%. Liệu những
động thái này đã đủ thay đổi thế giới?
Trong bối cảnh này, khoa học được dự đoán sẽ trở thành “vị cứu
tinh” cho trái đất khi nhựa có thể được tái chế bằng cách sử dụng vi khuẩn biến
đổi gen để phân hủy các polyme nhựa hóa học, chẳng hạn như màng polystyrene và
polyetylen. Nhựa được biến đổi thành các hợp chất hữu cơ, sau đó trải qua quá
trình chuyển đổi sinh học thành sản phẩm an toàn hơn. Các vi khuẩn biến đổi gen
có thể hòa tan nhựa thành CO2 và nước một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, một số vi khuẩn mới được phát hiện có thể tiết
ra enzyme phân hủy nhựa PET sau khoảng 6 tuần, loại nhựa phổ biến dùng để sản
xuất chai lọ và hộp nhựa.
Hai loại enzym PETase và MHETase do vi khuẩn Ideonella
sakaiensism sản xuất đều có khả năng phân hủy nhựa PET, tạo ra các sản phẩm
thân thiện với môi trường như ethylene glycol và axit terephthalic.
Hiện nay, khủng hoảng nhựa đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu, đe dọa các hệ sinh thái của trái đất và cuộc sống của chính loài người. |
Ý tưởng điên rồ mới được đề xuất là tạo ra... một loại nhựa
mới có thể dễ dàng bị phân hủy rồi tái cấu trúc theo nguyên lý “tái chế phân tử”.
Loại nhựa mới được tạo thành từ các đơn phân diketoenamine - hợp chất được tạo
ra bằng việc gắn triketone với một amine.
Nhựa với chuỗi poly (diketoenamine) - hay PDK - có thể dễ
dàng bị phá hủy, đưa về dạng đơn phân chỉ cần ngâm trong acid khoảng 12 giờ.
Chuỗi polymer bị phá vỡ dễ dàng về mặt lý thuyết sẽ cho phép các nhà khoa học
tách và tái tạo lại nhựa liên tục, tạo ra vòng tái chế khép kín cho nhựa. Khi
mà nỗ lực tái chế nhựa thực sự là không đủ, ý tưởng này được đánh giá vô cùng
táo bạo.
Giới khoa học nhận định, ý tưởng này cần gấp rút đi vào hiện
thực, bởi vì loài người cần nó trước “cái chết chậm” đến từ ô nhiễm nhựa...
Thanh Sơn - Trần Quân
(Nguồn Báo Công an nhân dân)
Một thời đại của "ô nhiễm trắng"
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
10:30
Rating:
Không có nhận xét nào: