Ông cha ta đã chống tham nhũng như thế nào?
Ông cha ta đã nhìn ra từ thế kỷ 13, khi không còn người tài
đức tham gia an dân, trị nước thì đất nước trở nên “trống rỗng, như không có
người vậy”.
Sau ba lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông, lần thứ ba vào năm
Đinh Hợi (1287), nhà Trần thịnh vượng được hơn 60 năm. Đến đời vua Trần Dụ Tông
(1341 – 1369) lên ngôi được một số năm, đã chăm lo đến dân bị thiên tai nhưng dần
bị bọn gian thần đã lôi cuốn vua theo chúng, bóc lột tiền dân, sức dân xây cung
điện, làm nhà cao, đắp tường đẹp, học đòi lối sống xa hoa, hưởng lạc. Dụ Tông
ham đánh bạc, còn gọi người giàu ngoài phố vào cung đánh bạc. Riêng uống rượu,
các quan nào tửu lượng cao còn được phần thưởng vua ban, thậm chí uống nhiều rượu
còn được thăng chức.
Chu Văn An là bậc danh nho, gần xa cả nước đều biết tiếng. Một
số người làm quan đến thượng thư, hành khiển như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát cũng đều
giữ lễ học trò, khi đến thăm hỏi vẫn lạy dưới giường, được trò chuyện vài câu với
thầy là mừng lắm. Có điều gì không phải thì quở trách, thậm chí quát mắng không
cho vào. Chu Văn An nghiêm nghị như thế nên Thượng hoàng đã mời vào triều phong
làm Tư nghiệp dạy Thái tử học. Chu Văn An làm quan trong triều, thấy Trần Dụ
Tông chơi bời lười làm chính trị, quần thần nhiều người hại dân, hại nước, Chu
Văn An can ngăn không được. Ông biết rõ những tên gian thần tội nặng nhất, ông
dâng sớ lên vua xin chém đầu bẩy tên gian thần có thế lực rất được vua yêu. Dụ
Tông không nghe ông, Chu Văn An liền treo ấn từ quan, về núi Chí Linh ở ẩn. “Thất
trảm sớ” của Chu Văn An được sử gia trân trọng ghi lại như một hành động quyết
liệt của người tài cao đức trọng đối với bọn quan lại tham nhũng. Sau khi mất,
Chu Văn An được thờ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Người tài mất quá nhiều, đến
Chu Văn An là đỉnh cao. Đại Việt sử ký tiền biên, quyển VII, trang 459 nhắc đến
lòng dân ngao ngán khi không còn Chu Văn An, đã ghi lại nhận xét:
“Vua biết tôn trọng thầy dạy mà không biết bàn việc với thầy.
Cho nên người hiền không nên chỉ làm vì. Chu Văn An bỏ đi, không có ai nói cho
đạo tốt đẹp, như câu ta thường nói: Không tìm bậc nhân hiền thì nước trống rỗng
– như không có người vậy”.
Dân trọng người tài, tin người tài, cần người tài đến như thế.
Từ Trần Dụ Tông đến mấy đời vua tiếp theo đất nước tan
hoang, dân cực khổ đến nỗi kiếm được tấm cám để ăn cũng khó trong khi bọn gian
thần nắm quyền giàu có, của ăn không hết. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim
viết về cuối đời Trần suy vong như sau:
Quân Chiêm Thành bấy giờ ra vào nước Nam ta như đi vào chỗ
không người, cho nên trong mấy năm vào phá kinh thành ba lần, ba lần Thượng
Hoàng cùng Đế Hiển phải bỏ thành mà chạy. Thế mà đến khi giặc rút về rồi, cũng
không sửa sang gì để phòng bị về sau, thật là làm nhục cái tiếng con cháu Trần
Hưng Đạo Vương. Trong nước dân tình đói khổ, thuế má, ngày càng tăng, kho tàng
trống rỗng, Vua bắt mỗi suất đinh mỗi năm đóng 3 quan tiền thuế. Thuế thân sinh
ra từ đây. Vua quan chỉ còn lo đến thân, sợ giặc ngoài đến nỗi tiền của vơ vét
của dân không dám để trong nhà, phải đem chôn giấu trên núi”.
Triều đình nhà Minh vẫn dòm ngó nước ta, đã không bỏ lỡ cơ hội
nước ta như vô chủ, lấy cớ đánh bọn Hồ Quý Ly đã cướp quyền của nhà Trần, để
chiếm nước ta. Con cháu của những người đã làm nên chiến thắng vĩ đại, đánh tan
mọi cuộc tiến công của giặc Nguyên – Mông từng chiếm nửa thế giới và cả nước
Tàu, đất nước ta mạnh hơn bao giờ hết nhưng khi chỉ còn ta với ta, sức tàn phá
của triều đình tham nhũng ghê gớm đến mức biến dân dân tộc ta thành nô lệ cho bọn
thống trị phương Bắc. Truyền thống đánh giặc giữ nước của nhân dân ta như những
đốm lửa mãi mãi còn nhen nhóm, mỗi lần Tổ quốc lâm nguy, ngàn cân đã treo sợi
tóc lại xuất hiện cứu tinh, lần này là Lê Lợi, xưng vương là Bình Định Vương,
quê làng Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Anh hùng hào kiệt kéo nhau về Lam Sơn xin được
đánh giặc dưới cờ khởi nghĩa của ông, trong đó có Nguyễn Trãi xin yết kiến ông
và dâng lên Lê Lợi bản Bình Ngô Sách, một kế hoạch kháng chiến chống giặc Minh.
Lê Lợi xem thấy hay, đã dùng Nguyễn Trãi là tham mưu thân cận, coi việc “nội mật”
và soạn thảo những văn kiện quan trọng về nội chính và ngoại giao.
Chống giặc Minh, địch hơn ta gấp 100 lần, có lúc ta chịu giảng
hòa với địch vì không còn lương ăn nhưng nhờ sự hy sinh không bờ bến của nhân
dân, quân khởi nghĩa hồi phục lại được. Cuộc kháng chiến kéo dài 10 năm ta mới
giành được thắng lợi cuối cùng. Ngay sau chiến thắng vĩ đại, Lê Lợi yêu cầu
Nguyễn Trãi viết tổng kết cuộc kháng chiến để công bố cho toàn dân biết thắng lợi
rực rỡ mở ra một thời kỳ độc lập, thái bình mới. Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô Đại
Cáo, một áng văn bất hủ được coi là Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc ta.
Trong dân thuộc lòng từng đoạn Bình Ngô Đại Cáo, nhất là qua
ngòi bút của Nguyễn Trãi, ca ngợi tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân ta:
… Voi uống mà cạn hết nước sông.
Gươm mài mà khuyết mòn đá núi.
Đánh trận đầu sạch sanh kình ngạc.
Đánh trận nữa tan tác chim muông.
Thôi đô đốc gối quỳ phục tội.
Hoàng thượng thư tay trói nộp mình.
Tướng giặc bị bắt, xin thương hại vẫy đuôi cầu sống
Uy thần chẳng giết, lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh
Bọn Phương Chính, Mã Kỳ được cấp năm trăm thuyền
đã vượt biển vẫn hồn kinh phách lạc.
Lũ Vương Thông, Mã Anh được cho mấy nghìn ngựa,
đã về nước còn ngực đập chân run…”.
Những lời tâm huyết thấm đượm lòng tự hào dân tộc của vị tướng
kiệt xuất, cũng là nhà văn hóa lớn đã làm phấn chấn lòng người qua mọi thế hệ.
Ngay sau đại thắng giặc Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi nghĩ
ngay đến bài học đời Trần, đã không còn giặc Nguyên – Mông nhưng lại để bọn
quan lại tham nhũng nắm quyền sinh, quyền sát, cuối cùng nước mất, nhà tan. Lê
Lợi đồng tình với hoài bão lớn của Nguyễn Trãi: cứu nước chưa đủ, còn phải cứu
dân, giải phóng đất nước chưa đủ, vì mới giải phóng khỏi bọn thống trị nước
ngoài, còn phải giải phóng dân, lúc nào cũng phải gắn liền nước với dân, chỉ
nói “trung với nước” nhưng dân đói khổ thì nước làm gì còn. Tư tưởng lớn của
Nguyễn Trãi đã vượt lên trên thời đại của ông, chính là đất nước đã được tự do,
độc lập, không còn bóng bọn xâm lược, bọn thống trị nước ngoài, nhưng bằng mọi
giá không được để xuất hiện và tồn tại bọn gian thần thống trị trong nước, như
thế mới thực sự cứu dân, thực sự yêu dân, thực sự vì dân. Lê Lợi đã kịp thời có
Chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện, sảnh, cục tham lam, lười
biếng… (do Nguyễn Trãi chấp bút), xin trích đoạn mở đầu:
“… Trước kia họ Trần cậy mình mạnh giàu, mặc dân khốn khổ,
chỉ ham vui chơi, đắm đuối tửu sắc. Những việc vô ích bày ra hàng ngày, nào là
đấu cờ, đánh bạc, chọi gà, thả chim, nào là chim rừng nhốt lồng, cá vàng nuôi
chậu. Khoe tốt tài năng nhỏ mọn, giành lấy hơn thua. Quên hẳn thiên hạ lớn lao
chẳng hề đoái nghĩ. Khanh tướng lập đảng riêng tây, triều đình thiếu người can
gián. Cho đến nỗi con vua cháu chúa bị hại bởi kẻ gian thần, quyền lớn, việc to
đều lọt vào tay xiểm nịnh. Nhân dân oán ghét mà không biết. Lòng Trời khiển
trách mà chẳng kinh. Kẻ thân yêu được tôn hiển, người xu nịnh được tin dùng…
Ta đêm ngày lo nghĩ, không hề chốc lát lãng quên, chỉ sợ xe
trước đã đổ, mà xe sau cũng lại đi theo lối ấy (trang 83 – Quân trung từ mệnh tập
– Nguyễn Trãi – Nhà xuất bản Sử học – 1961).
Lê Lợi còn một Chiếu nữa (do Nguyễn Trãi chấp bút) gửi các đại
thần, tổng quản cấm không được xây cung điện, cung thất và căn dặn những nhà cửa
hiện có đã đủ để ở và làm việc. Lê Lợi và Nguyễn Trãi mong xây dựng một Nhà nước
“tận trung với nước, tận hiếu với dân” để tránh đi vào vết xe đổ của nhà Trần
nhưng hai ông đã lực bất tòng tâm. Ngay sau khi đất nước được giải phóng, quyền
lực chủ yếu đã vào tay bọn gian thần, chúng thấy ý thức dân chủ của vua quan,
triều thần có chiều hướng đi lên, đe dọa nghiêm trọng địa vị, quyền lợi, vận mệnh
của chúng, chúng tìm mọi cách loại bỏ, hãm hại các công thần yêu dân yêu nước.
Chúng đã tổ chức bình công, sự thật là để tranh công, khen thưởng những người
có công đánh thắng giặc Minh, trong 221 người được khen thưởng không có Nguyễn
Trãi, cũng không có Trần Nguyên Hãn, một vị tướng công lao rất lớn. Bọn gian thần
còn dựng chuyện Nguyễn Trãi chống lại triều đình để gấy áp lực buộc Lê Lợi bắt
Nguyễn Trãi và giết Trần Nguyên Hãn. Một thời gian sau chúng trả lại tự do cho
Nguyễn Trãi, lại giao việc cho ông nhưng chỉ còn những “hư hàm” chứ không còn
thực chức. Sau giải phóng, Lê Lợi, Lê Thái Tôn lên làm vua mới 10 tuổi. Lê Sát
làm phụ chính nhân danh nhà vua cầm quyền trị nước. Lê Sát kính trọng Nguyễn
Trãi nên Nguyễn Trãi vẫn giúp ích cho triều chính mới trong một số năm nhưng áp
lực mạnh mẽ của bọn gian thần có thế lực buộc Lê Sát không còn dám giao việc
cho Nguyễn Trãi nữa.
Một nhà vua đang tuổi trưởng thành, sống trong xa hoa giữa một
lũ bầy tôi chuyên làm nghề gièm pha, nịnh hót với cả một triều chính đầy rẫy những
con người thèm khát quyền vị, mọi mưu mô, mọi sự thêu dệt giữa bọn tiểu nhân
giành giật nhau từng miếng lợi lộc là câu chuyện thường xuyên. Trong sách “Nguyễn
Trãi đánh giặc giữ nước”, nhà sử học Nguyễn Lương Bích đã viết về nội bộ triều
đình nhà Lê khi Nguyễn Trãi đã thất sủng như sau:
“Một số tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn lúc này cũng trở
thành những công thần mở nước, quyền cao chức trọng hơn hết một thời. Họ đương
từ những quân nhân cầm vũ khí đánh giặc bỗng trở thành những người làm chính trị,
những người lãnh đạo chính quyền, điều khiển mọi việc dân, việc nước, đương từ
những người dân bình thường, những người “lấy giáp trụ làm chăn áo, lấy đồng cỏ
làm cửa nhà”, cơm ăn sớm tối không được hai bữa, áo mặc đông hè chỉ có một
manh” bỗng trở nên những nhà quyền quý tột bậc “đẹp cung thất, cao đài tạ”, hợp
thành một tầng lớp trên của giai cấp phong kiến đương thời. (trang 516)
Một con người có danh tiếng quá lớn, một học vấn quá uyên
bác và một đạo đức quá thanh cao như Nguyễn Trãi đã thấy rất sớm mối họa của đất
nước khi bọn gian thần trong nước cầm quyền và hoàn toàn không ngờ, đất nước đã
sạch bóng giặc Minh nhưng không sao ngăn chặn được bọn gian thần trong nước cầm
quyền. Nhân dân cực khổ bao nhiêu, vẫn đói ăn thiếu mặc như thời còn kháng chiến,
còn bọn cầm quyền giàu có, thừa thãi mở yến tiệc hàng ngày. Và còn bi kịch nào
lớn hơn nữa, Nguyễn Trãi không chỉ phải chịu dưới quyền điều khiển của chúng mà
chức vụ cuối cùng chúng bắt ông làm là giữ chùa. Ở Côn Sơn, quê Nguyễn Trãi, có
chùa Tư Phúc của triều đình, đã lâu không có người trông nom, nay giao cho Nguyễn
Trãi.
Thế nhưng bọn gian thần vẫn chưa dừng ở đây, Nguyễn Trãi còn
sống thì dù giữ bất cứ chức vụ gì và ở đâu, ý kiến của ông bao giờ cũng hợp
lòng người, được mọi người khao khát chờ đợi. Chúng phải tìm mọi cớ giết ông.
Ngày 27-7 năm Nhâm Tuất (1442) Vua Lê Thái Tôn rời khỏi kinh thành lên miền
Đông để duyệt binh ở Chí Linh. Khi trở về, Vua vãng cảnh Côn Sơn, Nguyễn Trãi
đã đưa Vua đi thăm Côn Sơn, Nguyễn Thị Lộ, thiếp của Nguyễn Trãi cũng đi theo hầu
vua. Dọc đường, Vua mắc bệnh nặng và chết đột ngột. Bọn gian thần đổ mọi tội
cho Nguyễn Trãi đã đầu độc vua và chúng đã giết ông và tru di tam tộc (giết cả
ba họ).
Trong bài báo “Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc” đăng
báo Nhân dân ngày 19-9-1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá cái chết của
Nguyễn Trãi như sau:
“Đối với triều định nhà Lê lúc bấy giờ, sau khi “bốn biển đã
yên lặng”, Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá! Nguồn gốc
sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị “tru di” ba họ là ở
đó”.
Khi tham quan ô lại đã nắm quyền thì “trung thực, nhân
nghĩa, thanh liêm” đều là tội lớn, không thể dung thứ. Tham nhũng và hiền tài
như là nước và lửa không thể cùng tồn tại, dứt khoát như vậy nên nhìn vào lịch
sử nước nhà từ đời Lý, đến đời Trần, đời Lê và đời Nguyễn sau này, nhân tài
không được trọng dụng bị trù dập, nhân tài bị hãm hại hoặc phải về ở ẩn, vì bọn
thống trị nước ngoài không nhiều, mà rất trớ trêu lại do chính bọn cầm quyền
tham nhũng không tin dùng. Nhà Trần sụp đổ vì triều đình tham nhũng nên mới nước
mất nhà tan, nhà Lê suy sụp cùng vì tham nhũng nên đất nước rối loạn, các phe
phái phong kiến Mạc – Trịnh và Trịnh – Nguyễn xung đột, đất nước bị chia cắt
hơn 200 năm.
Đến Nhà Nguyễn, thế kỷ 19, tháng 4-1863, đúng vào năm triều
đình vua Tự Đức ký hòa ước nhượng đất cho Pháp, nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ
đã viết bản điều trần “bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ” gửi triều
đình, trong có đoạn như sau:
“Hiện nay tình hình trong nước rối loạn. Trời thì sanh tai
biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của dân đã kiệt quệ,
việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi, trong triều đình quần thần chỉ làm trò
hề cho vua vui lòng, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn những bậc
hiền tài, chia đảng lập phái, khuynh loát nhau, như vậy cũng đã hiểu, ngoài các
tỉnh thì quan tham lại xưng hùng xưng bá, tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ
cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước, việc đó đã xảy ra từ lâu rồi… cây cối
trước hết tự nó hủ mục sau mới bị sâu mục, nước mình trước hết không biết tự giữ
thể diện thì người ta mới khinh mình, dân loạn bên trong, rồi kẻ địch mới nhân
đó mà vào. Như thế loạn không phải chỉ từ bên ngoài, mà ở ngay trong nước vậy”.
Bài học lớn ông cha ta để lại, mãi mãi rất thiết thân với
cháu con là bất cứ thời nào để tham nhũng hoành hành, không đẩy lui được tham
nhũng thì bộ máy Nhà nước không thể còn người đức và như ông cha ta đã nhìn ra
từ thế kỷ 13, khi không còn người tài đức tham gia an dân, trị nước thì đất nước
trở nên “trống rỗng, như không có người vậy”.
Theo THÁI DUY / ĐẠI ĐOÀN KẾT
(Nguồn Redsvn)
Ông cha ta đã chống tham nhũng như thế nào?
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
14:38
Rating:
Không có nhận xét nào: