Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

Sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong phát triển du lịch

Di sản văn hóa là cái hồn làm nên sức cuốn hút của một vùng đất; nó vừa là động cơ, là duyên cớ thôi thúc những chuyến đi. Từ nhiều năm qua, Lâm Ðồng xác định những giá trị về văn hóa, lịch sử của các di sản trên địa bàn tỉnh là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của sản phẩm du lịch địa phương.

Di sản kiến trúc Pháp luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: Q.U.

Phong phú nguồn “tài nguyên” văn hóa phục vụ du lịch

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt (Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên), 16 di tích cấp tỉnh, 3 di sản thế giới (Mộc bản triều Nguyễn, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Khu Dự trữ sinh quyển Langbian). Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận, thì đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất, văn hóa lễ hội, danh lam thắng cảnh, kiến trúc di sản chưa được công nhận cũng đang góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch. Các di sản văn hóa đã tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến của tỉnh, hạn chế và khắc phục sự trùng lặp, đơn điệu về sản phẩm du lịch, loại hình du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng phát triển các giá trị đặc trưng, giảm thiểu tính thời vụ. 

Là địa phương có chiều sâu văn hóa, du lịch văn hóa Lâm Đồng - Đà Lạt đã tạo được nên những dòng sản phẩm chủ đạo như tham quan di tích lịch sử văn hóa, hệ thống bảo tàng, công trình văn hóa kiến trúc, hoạt động nghệ thuật, tìm hiểu, tương tác, trải nghiệm văn hóa, lễ hội, lối sống, phong tục tập quán bản địa, thưởng thức ẩm thực, sản vật địa phương... Đến Lâm Đồng - Đà Lạt, du khách được tham quan Mộc bản triều Nguyễn - Biệt điện Trần Lệ Xuân (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV), cụm Dinh Bảo Đại, Bảo tàng Lâm Đồng và Cung Nam Phương Hoàng hậu, không gian văn hóa cồng chiêng của người Lạch dưới chân núi LangBian cùng với các điệu dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, nghi lễ nông nghiệp. Di tích khảo cổ học Cát Tiên đã trở thành điểm dừng chân lý thú với hàng chục ngàn hiện vật được khai quật, được trưng bày có hệ thống, phô diễn một miền trầm tích văn hóa. Các làng nghề truyền thống như nghề làm rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm, nghề rèn, đúc nhẫn bạc, nghề gốm, ươm tơ dệt lụa, nghề trồng hoa... đang từng ngày hấp dẫn du khách. Nhiều lễ hội được tổ chức đã trở thành “thương hiệu” của Lâm Đồng - Đà Lạt như lễ hội hoa, lễ hội trà - tơ lụa, lễ hội văn hóa cồng chiêng, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức quy mô, long trọng để lại dấu ấn trong lòng du khách. Bên cạnh đó, một “bảo tàng” kiến trúc Pháp với đường nét, sự rêu phong qua thời gian trăm năm ẩn mình dưới núi đồi, rừng thông tạo nên một đô thị không lẫn vào đâu. 

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể, sử dụng có hiệu quả các di sản đã khẳng định thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng không chỉ là một miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, mà còn là miền đất ẩn chứa vẻ đẹp nhân văn. Sức hấp dẫn của di sản văn hóa đã tạo động lực, góp phần cho phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, lượng khách du lịch tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%. Riêng năm qua, Lâm Đồng đón 6,5 triệu lượt khách du lịch, khách qua lưu trú 4,5 triệu lượt người, ngày lưu trú bình quân 2,2 ngày, mang lại doanh thu 11.710 tỷ đồng. 

Thực tế phát triển du lịch của tỉnh cho thấy, di sản văn hóa có sức hấp dẫn đặc biệt; cũng chính sức cuốn hút ấy đã thu hút đầu tư vào khai thác các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ du lịch trong thời gian qua. Điều đó vừa mang lại kết quả tăng trưởng kinh tế, xã hội, vừa bảo tồn, phát huy chính di sản văn hóa. Nhưng cũng chính quá trình vận động của du lịch, đôi khi không kiểm soát, đã gieo rắc không ít những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa.

Nghề dệt thổ cẩm ở B’Nớ C Lạc Dương luôn là điểm đến có sức hấp dẫn. Ảnh: Q.U.

Khai thác phục vụ du lịch song song với bảo tồn, gìn giữ

Du lịch đã góp phần thúc đẩy việc bảo vệ giá trị văn hóa, chính nhu cầu tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách đã thôi thúc chính quyền địa phương và người dân bản địa biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ, bảo tồn, phục dựng những vốn quý truyền thống của cha ông để lại, ngăn không cho di sản dần bị mai một. Du lịch vừa tạo ra thu nhập, vừa làm, vừa tạo động cơ, vừa tạo ra nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, từ đó hình thành những quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân địa phương, cộng đồng cư dân bản địa với khách du lịch và với di sản. Những lợi ích của du lịch văn hóa ở Lâm Đồng là không nhỏ. Một phần doanh thu từ du lịch văn hóa sẽ được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng quản lý. Với ý nghĩa đó, du lịch văn hóa đang góp phần to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa. 

Tuy nhiên, các di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được khai thác, phát huy hiệu quả phục vụ phát triển du lịch, nhưng chưa thật sự chú trọng đi sâu phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi và những nét đặc thù riêng của từng di tích danh lam thắng cảnh, chưa khai thác hết được yếu tố văn hóa để tạo nên sự khác biệt. Cụ thể, Không gian văn hóa cồng chiêng mới chỉ dừng lại ở “phần nổi” của một loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc bản địa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chưa đi sâu vào khai thác phần “lõi” phần “hồn” của một di sản, làm cho đôi khi cồng chiêng được trình diễn theo kiểu xâu chuỗi các tiết mục, phục vụ thị hiếu của du khách, làm mới, làm biến tấu, lạc điệu, đe dọa tính nguyên vẹn. Các di tích danh lam thắng cảnh được khai thác “quá mức” ở cả những khu vực được khoanh vùng bảo vệ. Có danh lam thắng cảnh còn bị “lấn chiếm” cả khu vực I phải bảo vệ nguyên trạng, tự ý xây dựng quá nhiều công trình dịch vụ ở khu vực 2 làm giảm đi sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Việc đầu tư tôn tạo cho các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh còn ít, chỉ đầu tư mang tính khai thác dịch vụ thu lợi trước mắt mà chưa quan tâm đến việc tôn tạo cảnh quan, môi trường của các di tích, thắng cảnh. 

Du khách tham quan tìm hiểu sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào K’Ho - Lạc Dương. Ảnh: Q.U.

Việc khai thác hiệu quả di sản văn hóa phục vụ du lịch phải luôn song song với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bền vững đối với các giá trị. Để tạo sức sống cho di sản văn hóa trong môi trường du lịch cần có những giải pháp thiết thực như: Quy định chi tiết về quy tắc ứng xử với các di sản văn hóa, những gì được làm, không được làm, những gì nên làm, không nên làm, cấm làm; tôn tạo, bảo tồn các di tích, sưu tầm, phục dựng các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, bảo tồn làng nghề truyền thống; khuyến khích cư dân bản địa chủ động cùng tham gia quản lý di sản văn hóa truyền thống, gắn lợi ích của cộng đồng với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa của tỉnh, quan tâm đào tạo kỹ năng thuyết minh và ứng dụng thuyết minh tự động để làm thăng hoa cho di sản trong hoạt động hướng dẫn du lịch và phát triển sản phẩm thông minh. Xử lý nghiêm, triệt để những vi phạm đối với di sản văn hóa đi liền với tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân và du khách; khuyến khích, tôn vinh các hoạt động du lịch tình nguyện, tự nguyện đóng góp nguồn lực, trí tuệ cho bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.

Quỳnh Uyển

Sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong phát triển du lịch Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 07:30 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.