BIỂN ĐÔNG
Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng cả về mặt an ninh
- quốc phòng lẫn thương mại quốc tế đối với các quốc gia trong khu vực do nằm
trên tuyến đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới với mật độ tàu thuyền trọng
tải lớn qua lại trung bình khoảng trên 41.000 chiếc/năm. Theo tài liệu nước
ngoài, hơn 90% lượng vận tải thương mại thế giới được thực hiện bằng đường biển
và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông với trị giá khoảng 5.000 tỷ
USD/năm, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ
Đài Loan (Trung Quốc) được chuyên chở qua đây; lượng khí hóa lỏng được vận chuyển
qua Biển Đông chiếm 2/3 tổng số lượng khí hóa lỏng được buôn bán trên thị trường
thế giới.
Hơn nữa, Biển Đông còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan
trọng đối với đời sống và việc phát triển kinh tế của các quốc gia ven biển, đặc
biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thủy sản) và dầu khí. Theo ước tính, 70% dân
số các nước Đông Nam Á sinh sống ven biển và lượng thủy hải sản đánh bắt ở khu
vực Biển Đông chiếm khoảng 10% tổng trữ lượng đánh bắt trên thế giới, cung cấp
25% nhu cầu protein cho 500 triệu dân. Biển Đông là khu vực rất có tiềm năng về
mặt dầu khí. Mặc dù số liệu đánh giá về trữ lượng còn khác nhau, song dầu khí
được tìm thấy ở hầu hết các địa điểm trong khu vực Biển Đông và nguồn lực quan
trọng cho sự phát triển của nhiều quốc gia, như In-đô-nê-xi-a, Bru-nây,
Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan... kể từ khi dầu khí được phát hiện và khai
thác ở Biển Đông.
Biển Đông có vai trò quan trọng đặc biệt với nước ta cả về
kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng do nước ta có đường bờ biển dài trên
3.260km với hơn 3.000 hòn đảo, gần tổng số các tỉnh, thành trong cả nước là địa
phương ven biển và rất nhiều ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất
nước, như dầu khí, du lịch, xuất khẩu thủy - hải sản, đóng tàu... đều liên quan
mật thiết đến Biển Đông. Biển Đông cũng là địa bàn xung yếu về mặt an ninh quốc
phòng, hướng phòng thủ quan trọng của đất nước ta.
Xuất phát từ tầm quan trọng đó, Biển Đông trở thành một
trong những khu vực tồn tại nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, nếu xử lý
không thích hợp, dễ dẫn đến nguy cơ xung đột quân sự, thậm chí chiến tranh, tác
động tiêu cực đến ổn định, hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới. Bên cạnh
đó, gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực
cũng khiến tranh chấp và tình hình ở khu vực Biển Đông thêm phức tạp, khó lường.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của
Nhà nước, quân và dân ta đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm quản lý và bảo
vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển.
Thành tựu về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã được Đại hội XII của Đảng
khẳng định: “quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu
tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(1). Tuy nhiên, tình
hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp hơn đòi hỏi các giải pháp tổng thể về
quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, kinh tế, xã hội.
Hiện nay, tình hình quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển,
đảo của nước ta khá phức tạp, hàm chứa nhiều nhân tố bất ổn, đó là: tranh chấp ở
Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, tác động và ảnh hưởng đến an ninh, hòa
bình và phát triển của đất nước ta; tình hình khu vực và thế giới diễn biến
nhanh chóng, khó lường, xuất hiện nhiều nhân tố mới có tác động sâu sắc đến trật
tự và cục diện thế giới, tác động trực tiếp đến phát triển tình hình ở khu vực
Biển Đông; sự phối hợp, thống nhất về nhận thức và hành động trong nhân dân và
một số cán bộ về vấn đề chủ quyền biển, đảo còn chưa cao, dẫn đến khó khăn
trong chỉ đạo, điều hành; các thế lực phản động, cơ hội chính trị trong và
ngoài nước lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá Đảng và Nhà nước ta; kinh
nghiệm quản lý biển, đảo của chúng ta còn hạn chế, năng lực, trang thiết bị của
các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cần tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Là một bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia Việt Nam, không
gian sinh tồn và là điều kiện vật chất để xây dựng, phát triển đất nước, biển,
đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và phát triển
của đất nước ta. Do đó, quản lý, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt
Nam không chỉ có ý nghĩa là bảo vệ không gian lãnh thổ, lợi ích mọi mặt mà còn
là bảo vệ chế độ, Nhà nước...
Theo TS. Trịnh Đức Hải,
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a,
Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Biên giới quốc gia, BNG
(Nguồn Hương Sen Việt)
BIỂN ĐÔNG
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
09:41
Rating:
Không có nhận xét nào: