Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

Cương thổ Tây Nam


Hồi ức ông cha

Kết quả hoàn thành 84% phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, nhân dân 2 nước.

Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) tỉnh An Giang
củng cố vị trí cọc dấu mốc trên biên giới VN - Campuchia, năm 1977.
Ảnh: Tư liệu BĐBP

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ (nay là Ủy ban Biên giới quốc gia, thuộc Bộ Ngoại giao), khẳng định như trên và nhấn mạnh: “Nhà nước VN đã xác lập chủ quyền đối với vùng ĐBSCL và quá trình thực thi chủ quyền đối với khu vực này đã diễn ra theo những phương thức thụ đắc lãnh thổ đương thời, tùy theo mật độ dân cư và những biến động chính trị trong những thế kỷ 17 và 18”.

Dấu mốc gò gai, bờ đất

Bà Lê Thị Bánh sống cạnh chùa Cây Mít (xã Nhơn Hưng, H.Tịnh Biên, An Giang) nằm cạnh kênh Vĩnh Tế, đã 85 tuổi nhưng vẫn rành mạch những chuyện xảy ra từ hồi còn bé: “Năm 1945, tôi 11 tuổi thường theo cha mẹ ra kênh Vĩnh Tế kiếm cá. Lội thêm chút cánh đồng theo kênh Ranh là bờ đất cao, cha nói đó là đất Campuchia, mình không được sang đánh bắt bên đó và phải canh chừng, không cho người bên đó vượt sang mình mần ruộng. Ngay từ hồi ấy, lũ trẻ đã biết bờ đất cao là biên giới 2 nước”.

Chiến tranh xảy ra, bà Bánh cùng gia đình trôi dạt vào tuốt sâu vùng Châu Đốc, mãi sau ngày 30.4.1975 mới trở lại quê hương, nhặt từng mảnh pháo, vỏ đạn để sạch đất làm ruộng. Cũng những ngày tạm yên súng đạn ấy, bà Bánh cùng người dân trong ấp vẫn nắm cơm kho cá giúi vào tay những chiến sĩ công an nhân dân vũ trang (nay là bộ đội biên phòng - BĐBP) mỗi tuần lên chốt dọc bờ kênh Vĩnh Tế giữ đất. “Tụi nó toàn ngoài Bắc vô, còn trẻ măng. Dân miệt này cứ thấy bộ đội đi dọc kênh Vĩnh Tế là biết anh em tuần tra bảo vệ biên giới”, bà Bánh kể, rồi nghèn nghẹn: “Đêm 30.4.1977, tụi Pol Pot uýnh qua bờ kênh Vĩnh Tế. Súng nổ suốt ngày đêm. Cáng thương ùn ùn chuyển về phía sau. Tụi tui lại phải sơ tán về Châu Đốc để bộ đội đánh trả, giữ biên giới”.

Nhà ngay cạnh ngã ba sông, nơi con sông Tà Ten từ Campuchia nối liền với kênh Vĩnh Tế thành sông Giang Thành và chạy dọc theo biên giới đổ ra biển Tây Nam tại Hà Tiên, ông Châu Văn Học gắn bó suốt 80 năm với mảnh đất biên giới Tân Khánh Hòa (H.Giang Thành, Kiên Giang). Dẫn tôi ra bờ sông Giang Thành nhìn sang xã Preak Chreay (H.Koh Thum, Kandal, Campuchia), ông Học kể: “Đi qua sông mới tới biên giới. Hồi bé, tụi tui được người lớn hướng dẫn lấy chuẩn biên giới bằng mấy gò gai. Dân ở đây, mùa nắng đi mần ruộng, ai cũng quen múc nước tưới cho những gò gai cổ thụ” và cười: “Biên giới ngàn đời, phải biết mà giữ”…

Kênh Vĩnh Tế, đoạn từ TP.Châu Đốc (An Giang). Ảnh: M.T.H

Những người đi mở đất

“Từ thế kỷ 17 và 18, nhà nước VN đã xác lập chủ quyền và thực thi quyền chủ quyền đối với vùng ĐBSCL”, TS Trần Công Trục mở đầu cuộc nói chuyện với tôi và diễn giải: Dưới thời bảo hộ Pháp (1863 - 1953), các vị vua Khmer đã đề nghị Pháp giao lại lãnh thổ Nam Kỳ, nhưng người Pháp từ chối bởi nhà Nguyễn đã giao phần đất này cho Pháp năm 1862 và sau đó năm 1874 chứ không phải các vua Khmer.

Cũng từ những cơ sở này, Cộng hòa Pháp đã tiến hành xác lập biên giới theo đúng thủ tục pháp lý quốc tế hiện thời: Đoạn biên giới phía bắc (Trung Kỳ - Cao Miên) theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương (1904 - 1905); đoạn biên giới phía nam (Nam Kỳ - Cao Miên) theo Công ước Pháp - Campuchia (năm 1870 và 1873) sửa đổi bổ sung bằng Nghị định năm 1893 của Thống đốc Nam Kỳ và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương năm 1914. “Toàn bộ đường biên giới VN - Campuchia được thể hiện tương đối đầy đủ trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản từ năm 1929 đến năm 1954”, TS Trần Công Trục khẳng định như vậy.

Đào kênh chặn ngoại xâm

GS-TS khoa học Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, là một trong số ít những nhà giáo, nhà sử học đã trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ 1972 - 1975. Trải qua chiến tranh, nên ông rất thấm thía giá trị hòa bình, giữ gìn chủ quyền Tổ quốc. Khi bàn về vấn đề “chủ quyền lãnh thổ của VN trên vùng đất Nam bộ”, GS-TS Vũ Minh Giang khẳng định: “Từ thế kỷ 17, để thực thi chủ quyền, các chúa Nguyễn đã tổ chức các đơn vị hành chính, sắp đặt quan cai trị, lập sổ sách quản lý dân đinh, ruộng đất. Năm 1698, chúa Nguyễn thành lập Phủ Gia Định gồm 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Sau năm 1774, vùng đất từ nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau được chia làm 12 dinh, trong đó vùng đất Nam bộ chia thành 4 dinh. Trừ Hà Tiên lúc đầu còn là 1 dinh phụ thuộc, mỗi dinh quản hạt 1 phủ, dưới phủ có huyện, tổng hay xã. Từ đó, về cơ bản tổ chức hành chính trên vùng đất Nam bộ đã được kiện toàn”.

Triều Nguyễn thành lập vào năm 1802, tiếp tục sự nghiệp của các chúa Nguyễn, đã hoàn thiện hệ thống hành chính và thống nhất quản lý trên quy mô cả nước. Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập sổ địa bạ toàn bộ Lục tỉnh Nam Kỳ. Bên cạnh chính sách chính trị, quân sự, triều đình khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội, mở mang phát triển các dinh điền, đồn điền, xây dựng các công trình thủy lợi, phát triển giao thông thủy bộ. Năm 1817, vua Gia Long cho đào kênh Thoại Hà. Vào đầu những năm 1820, vua Minh Mạng giao cho đào kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên dài trên 70 km.

Ngay từ khi mới khẳng định quyền quản lý, các chính quyền người Việt đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ. Chính quyền các chúa Nguyễn đã kiên quyết đánh bại các cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ của quân Xiêm vào các năm 1715, 1771... Tiêu biểu là chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vang dội của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào năm 1785. Sang thế kỷ 19, các vua Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống các trường lũy và đồn bảo trấn thủ dọc theo biên giới để bảo vệ lãnh thổ.

Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới VN - Campuchia (ký ngày 20.7.1983) đã thống nhất áp dụng 2 nguyên tắc:1. Trên đất liền, hai bên coi đường biên giới hiện tại giữa 2 nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất) là đường biên giới quốc gia giữa 2 nước.2. Ở nơi nào đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ, hoặc 2 bên đều thấy chưa hợp lý thì 2 bên sẽ cùng nhau bàn bạc, giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của 2 nước, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.Trên cơ sở đó, giữa VN và Campuchia đã ký được Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và năm 2005 lại ký thêm Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định năm 1985.Căn cứ vào 2 hiệp ước này, hai bên đã tiến hành phân giới cắm mốc. Đến nay, công tác phân giới cắm mốc đã thực hiện được khoảng 84% khối lượng công việc.-----(TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ)

Biên giới VN - Campuchia được hình thành cùng với biến động của lịch sử 2 nước. Cho đến cuối thế kỷ 18, đường biên giới giữa 2 nước đã hình thành và tương đối ổn định. Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược VN. Năm 1884, triều đình Huế đầu hàng Pháp, thừa nhận chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ, chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Năm 1887, Pháp thành lập Liên bang Đông Dương (Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Cao Miên, Ai Lao). Chính quyền Pháp có Công ước ngày 9.7.1870; Công báo Đông Dương 1873, 1899, 1904; Nghị định 1897, 1914, 1932, 1933, 1935, 1936, 1939, 1942 về xác lập biên giới.Giai đoạn 1954 - 1978, ta tập trung cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới Tây Nam. Hội đàm phân giới cắm mốc 2 bên diễn ra nhưng không kết quả.Năm 1979, nước Cộng hòa nhân dân Campuchia được thành lập. Ngày 18.2.1979, hai bên ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác; Hiệp định về vùng nước lịch sử (7.7.1982); Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới (20.7.1983); Hiệp định về Quy chế biên giới (20.7.1983); Hiệp ước hoạch định biên giới (27.12.1985).(Nguồn: Bộ Tư lệnh BĐBP)

Nhiệm vụ bí mật

Trong căn phòng khách gia đình, thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng có một bức hình đen trắng chụp ông hồi còn trẻ và các đồng đội đi khảo sát phân giới cắm mốc giữa vùng sông nước miền Tây.

Lực lượng PGCM của 2 nước VN - Campuchia tác nghiệp,
chuẩn bị cho việc cắm mốc 150 trên biên giới Tây Ninh. Ảnh: Lê Quân

“Từ những năm 1960, khi cả nước đang chiến tranh, chúng tôi đã giữ đất cha ông”, thiếu tướng Trương Văn Thanh kể.

Những lối mở đầu tiên

Giai đoạn 1990 - 2005: Trên biên giới có nhiều vụ việc phức tạp, truy quét Fulro ở Tây nguyên, ngăn chặn cướp có vũ trang ở các tỉnh Tây Nam bộ; tranh chấp biên giới ở Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang… Chính phủ 2 bên ra Thông cáo báo chí ngày 17.1.1995. Bằng sự nỗ lực đàm phán của 2 bên, khẳng định giá trị pháp lý của các hiệp ước, hiệp định biên giới đã ký. Ngày 10.10.2005, Chính phủ 2 nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985.Giai đoạn 2005 - 2017: Ngày 22.12.2005, VN - Campuchia xây dựng kế hoạch tổng thể về PGCM biên giới trên đất liền VN - Campuchia; thông qua Điều lệ tổ chức hoạt động của Ủy ban Liên hợp PGCM của 2 nước; thống nhất cắm trên toàn tuyến biên giới tổng số 314 vị trí mốc, tương đương với 371 cột mốc. Tiến trình PGCM được khởi động trở lại vào năm 2006. Ngày 27.9.2006, hai bên khánh thành cột mốc đầu tiên mang số hiệu 171 tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) - Bavet (Svay Trieng). Ngày 18.1.2008, khánh thành mốc ngã ba biên giới (VN - Lào - Campuchia). Đến năm 2017, cắm xong các mốc ở cửa khẩu quốc tế. Đặc biệt là 2 mốc điểm đầu ngã ba biên giới và điểm cuối mốc 314 mép biển Hà Tiên (Kiên Giang). Cũng năm 2017, các tỉnh Kon Tum, Bình Phước, Đồng Tháp đã hoàn thành việc cắm các mốc trên thực địa.(Nguồn: Bộ Tư lệnh BĐBP)

“Nói về phân giới cắm mốc (PGCM) phải nhắc đến Tây Ninh vì đường biên ở đây chiếm 1/3 toàn tuyến”, thiếu tướng Trương Văn Thanh nói vậy và kể: “Ở Tây Ninh, việc cắm mốc được thực hiện từ 22.6.1912 bởi các ủy ban cắm mốc theo sự duyệt y của toàn quyền Đông Dương. Cột mốc là gỗ căm xe, vại sành, bụi tre hoặc cây cổ thụ”.

Năm 1968, T.Ư Cục miền Nam thành lập Ban Biên giới để cùng Ban An ninh tỉnh Tây Ninh thành lập hệ thống trạm biên giới từ Tràng Riệc đến Vàm Trảng Trâu. Đầu năm 1972, Tây Ninh lần đầu tiên cho mở 2 “cửa khẩu” Bàu Cỏ và Trại Bí để thu hút hàng hóa và duy trì bảo vệ vùng giải phóng. Đến ngày 27.1.1973, Ban An ninh T.Ư Cục miền Nam thành lập 2 đồn biên phòng (ĐBP) Xa Mát và Lò Gò, phục vụ công tác biên giới biên phòng.

Ông Bùi Hửng, nguyên chính trị viên phó của ĐBP Xa Mát ngày mới thành lập nhớ lại: Tiếng là đồn, nhưng Xa Mát và Lò Gò toàn nhà mái tranh, vách ván, hệ thống hầm hào công sự tạm bợ. Ngay sau khi đồn được thành lập, lực lượng Khmer Đỏ đã có các hành động khiêu khích, gây sức ép đòi ta phải “dẹp” đồn. Thậm chí, chúng đưa cả 2 xe quân sự chở đầy binh lính, súng ống sang bao vây ĐBP. Bên ta, vừa sẵn sàng chiến đấu vừa đấu lý bằng tiếng Campuchia, buộc chúng phải rút lui.

ĐBP Xa Mát được thành lập năm 1973 tại khu giải phóng Tây Ninh
là ĐBP đầu tiên của Bộ đội biên phòng VN trên tuyến biên giới VN - Campuchia.
Ảnh: tư liệu BĐBP

Cả ấp ra giữ đất

Ấp Đông Hòa sau ngày 30.4.1975 chỉ có 13 hộ với 69 khẩu, sống heo hút dọc biên giới. Cả ấp có cánh đồng Chà Rì rộng 40 ha, nhưng người dân chỉ canh tác một nửa, số còn lại người dân Campuchia ở phum Lech Lo, Lech Kron (Kampong Cham) xâm canh với lý do… “mượn để cày cấy”.

Đầu năm 1976, khi tình hình biên giới có những biến đổi, Khmer Đỏ đưa một trung đội có vũ trang ra làm áp lực cho việc cắm cờ lấn đất trên cánh đồng Chà Rì và đặt mìn vào sâu trong nội địa ta khiến nhiều người dân bị thương. ĐBP Kà Tum phụ trách địa bàn đã liên tục đấu tranh với ĐBP Chan Mut (Campuchia), cực lực lên án khiến họ phải gỡ mìn và thu cờ trên cánh đồng. Ở khu vực Tà Đạt - Tà Nốt (xã Tân Phú, H.Tân Châu), ấp Tân Thanh nằm đối diện phum Trach Khom (H.Ponhea Kraek, Kampong Cham).

Tháng 5.1975, Khmer Đỏ lùa dân đắp một đập nước lấn sang đất ta 600 m. Cuối tháng 4.1976, Khmer Đỏ lại đưa lực lượng ra tiếp tục đắp đập và lập 3 chốt vũ trang ở khu vực Bàu Đưng, sâu vào đất ta 200 - 300 m. ĐBP Xa Mát cùng với nhân dân đã quyết liệt phản kháng ngăn chặn trong nhiều ngày, buộc quân Khmer Đỏ phải rút khỏi các chốt và ngưng việc đắp đập.

Tại ấp Lồ Cồ (xã Biên Giới, H.Châu Thành), từ tháng 6.1975 lính Khmer Đỏ ở H.Romeas Haek (Svay Rieng) liên tục xê dịch cột mốc biên giới, có khi vào sâu trong đất ta hàng ki lô mét.

Ông Hai Lâu, nguyên cán bộ ĐBP Vàm Trảng Trâu, kể lại: Tháng 5.1975, ông chỉ huy và dân quân ấp đi tuần tra thì phát hiện trụ xi măng hình hộp vuông cao khoảng 40 cm, vốn là mốc giới đã bị di chuyển sâu vào đất VN và lính Khmer Đỏ đến vu vạ “bộ đội VN đi sang đất Campuchia”. Cũng tại khu vực này, năm 1973, H.Châu Thành cho đắp một con đường chạy gần biên giới để phục vụ việc vận chuyển người, lương thực thực phẩm phục vụ chiến đấu thống nhất đất nước. Phía Khmer Đỏ rêu rao: “VN đắp đường làm ranh giới giữa 2 nước”…

“Chúng tôi đấu tranh cả ngày và giám sát chặt chẽ, họ mới miễn cưỡng trả cột mốc về vị trí cũ”, ông Lâu nói. Khu vực ấp Cây Me (xã Long Thuận, Bến Cầu) có đoạn biên giới chạy vòng giữa cánh đồng trống. Ông Hai Tích, người già nhất ấp, kể lại: Cánh đồng này được người dân VN khai khẩn từ mấy trăm năm và truyền lại cho các thế hệ con cháu trồng cấy.

Sau ngày 30.4.1975, phía Khmer Đỏ nhiều lần ra đập phá cột mốc và di chuyển sâu vào đất ta. Mỗi lần như vậy, mọi người dân trong ấp đều ra đấu tranh ngăn cản, có khi vài ngày liền. “Có lần bên kia gài mìn nhưng chúng tôi phát hiện và tố cáo ngay”, ông Tích nhớ lại.

Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Chính ủy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Tây Ninh, hồi tưởng: Sau ngày 30.4.1975, trực tiếp Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh Đinh Văn Đang đã chỉ huy bộ đội khảo sát đường biên cột mốc ở 5 khu vực trọng điểm và triển khai các biện pháp đấu tranh giữ đất. Chúng tôi tập trung tháo gỡ mìn, giải tỏa phát quang đường biên, phát hiện các cột mốc, dấu hiệu cột mốc và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành nhiều đợt hội đàm trao đổi khảo sát phân định đường biên giới giữa 2 bên. “Nhiệm vụ khảo sát tìm mốc, dấu hiệu cột mốc phải thực hiện bí mật”, ông Thanh kể.

Phân định từ bờ đất, bụi tre

Đại tá Lê Nga, nguyên Phó chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh, năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Cuối 1985, sau khi Chính phủ 2 nước VN - Campuchia ký Hiệp ước hoạch định biên giới, tỉnh Tây Ninh và 3 tỉnh: Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Cham đã thành lập các ban biên giới và chuẩn bị mọi mặt để cắm 97 cột mốc trên đoạn biên giới dài 240 km. Thời điểm này ông Lê Nga là trung tá, Phó chỉ huy trưởng BĐBP được giao Đội trưởng Đội phân vạch cắm mốc quốc giới số 1.

“Mấy chục anh em chúng tôi vừa mang súng vừa mang thước đo, lăn lóc 3 năm trời dọc biên giới. Mỗi chuyến đi hàng tháng trời, ăn ngủ với dân thì ít mà mắc võng giăng mùng ngủ ngoài đồng thì nhiều”, ông Lê Nga nhớ lại và tự hào: “Tôi được cắm những mốc đầu tiên giữa VN - Campuchia ở Tây Ninh”. Lặn lội suốt 3 năm trời (1986 - 1988), cả Đội 1 của ông Lê Nga và Đội 2 (do thiếu tá Nguyễn Thành Bê, Đồn trưởng ĐBP Mộc Bài làm đội trưởng) đã cắm được 48 cột mốc và phân giới trên thực địa 118,567 km.

Bà Hồ Thị Ha (71 tuổi, nguyên cán bộ phụ nữ xã Hòa Hội, Châu Thành, Tây Ninh), năm 1985 mới 37 tuổi nhưng đã cùng chị em phụ nữ đảm nhiệm nấu cơm cho các đội PGCM. Bà Ha kể: “Hồi ấy biên giới hoang vu, đến đâu cũng thấy mìn lựu đạn gài khắp mặt đất. Mình phải đặt đúng bước chân người đi trước. Khổ cực, nhưng mỗi khi thấy cắm được một cái mốc, cũng vui vì biết đó là hòa bình, không đánh nhau”.

“Năm 1987, người dân còn tập trung làm 10 km đường biên giới địa phương, từ mốc I-1 đến I1-5. Dấu đường biên này cách đường biên giới mỗi bên là 1 m, cao 0,5 m và rộng 1,5 - 2,0 m. Khi phân định đường biên từ Phước Chỉ đến Mộc Bài, nhân dân tổ chức trồng tre dọc đường biên về phía đất ta để nhân dân nhận biết”, ông Lê Nga nói vậy.

Những người cắm mốc

Rất nhiều mồ hôi, thậm chí cả máu của những người làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc đã đổ xuống cùng với 317 mốc chính, 315 mốc phụ và 1.042 km đường phân giới trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Ông Nguyễn Văn Tiện và BĐBP đồn Phước Chỉ bên cột mốc 176 (1). Ảnh: Lê Quân

Đại tá Trịnh Văn Biên có thâm niên gần 20 năm gắn bó với tuyến biên giới VN - Campuchia nên thấm thía: “Rất nhiều mồ hôi, thậm chí cả máu của anh em làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc đã đổ xuống cùng với 317 mốc chính, 315 mốc phụ và 1.042 km đường phân giới trên toàn tuyến”.

Sức người là chính

Giờ đang giữ cương vị Đồn trưởng Đồn biên phòng (ĐBP) Bù Đốp, Bình Phước, nhưng cứ nói đến chuyện phân giới cắm mốc (PGCM) là thiếu tá Phạm Văn Chỉnh lại sáng bừng mắt, say sưa kể về quãng thời gian gần 10 năm làm đội trưởng đội PGCM số 5 của tỉnh Bình Phước.

Bình Phước giáp với 3 tỉnh Tbong Khmun, Kratie và Mondulkiri của Campuchia. Trong đó, PGCM tuyến biên giới giáp với tỉnh Mondulkiri là gian nan nhất, vì đường sá đi lại hiểm trở. Có đoạn chỉ cách 1 km đường chim bay, nhưng để đến được vị trí đặt mốc phải đi bộ đường vòng trong rừng 3 - 4 giờ. Các chuyến thực địa thường kéo dài và chuyện dựng lều bạt sinh hoạt trong rừng, chống chọi với muỗi vắt, rắn độc là thường tình.

“Hồi cuối 2007 cả nhóm đi phân giới dọc tuyến sông Đăk Huýt, phải bám dây thừng để bơi qua sông. Hôm ấy, phiên dịch Cao Xuân Trọng là người cuối cùng qua sông để mở nút dây thừng. Do nước trên thượng nguồn đổ về, anh Trọng bị dòng nước cuốn xa vài ki lô mét, may mắn lắm mới bám được cành cây, vào bờ an toàn”, thiếu tá Chỉnh kể lại và nói: “Khó khăn trong công tác PGCM không chỉ là việc đi lại, ăn ở, vượt sông, băng rừng mà còn trong công tác phối hợp song phương. Nhiều đoạn biên giới vẫn còn vướng mắc trong công tác xác định vị trí, quy tập cồn bãi, nên phải tiến hành xác định, đo đạc và đàm phán nhiều lần”.

Ông Lê Xuân Phong (bìa trái) đứng trên diện tích đất đã hiến cho BĐBP xây trạm kiểm soát

Với đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Phó đồn trưởng ĐBP Đắk Bô, thì những ngày tham gia PGCM ở tuyến Bù Gia Mập là những ngày gian nan nhất. Cột mốc nặng vài tạ được xe reo chở từ cửa rừng vào, khi đến gần vị trí cắm mốc phải dùng sức người khênh cáng, có khi cả tuần mới tới nơi. Có nhiều đoạn không thể khênh, bộ đội phải đóng bè chở mốc và dùng sức người kéo ngược dòng chảy. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ bị sốt rét, bệnh nặng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ PGCM. “Bên mình chủ yếu dùng sức người và ý chí của bộ đội. Bên Campuchia, chỗ nào khó khăn quá thì họ dùng trực thăng cẩu mốc đến hạ đặt và chỉ dùng sức người khi thực hiện cắm, xây dựng mốc giới”, đại úy Tuấn kể.

Những cột mốc sống

Sáu Kề là tên gọi thân thuộc của BĐBP đồn Phước Chỉ dành cho ông Nguyễn Văn Tiện (ngụ ấp 4, xã Mỹ Quí Đông, H.Đức Huệ, Long An). Là dân Long An nhưng ông sinh ra, lớn lên ở vùng biên A8 thuộc ấp Phước Mỹ (xã Phước Chỉ, H.Trảng Bàng, Tây Ninh). Năm 1977, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, vợ và 2 con ông bị Pôn Pốt sát hại. Quá đau đớn, ông đã định bỏ đi nơi khác nhưng nghĩ đến vợ con và tiếc mồ hôi công sức, ông quay trở lại và sang bờ rạch phía đối diện thuộc tỉnh Long An để khẩn đất cất nhà. Phần đất ở nhà cũ diện tích hơn 1.500 m2, ông hiến tặng ĐBP Phước Chỉ để dựng chốt K1. Hiện cả 3 thành viên trong gia đình ông đều phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Lực lượng phân giới cắm mốc kiểm tra tiến độ xây dựng mốc 120, Tây Ninh, năm 2010

Nhà chỉ cách đường biên chưa đầy 200 m, nên hằng ngày đi làm đồng, chăn trâu, bắt chuột, hễ thấy có dấu hiệu gì lạ ngoài biên giới là ông Sáu Kề báo ngay cho anh em ở chốt biết để nhanh chóng xử lý. Mấy năm trước, huyện đầu tư làm con đường từ ngoài chạy vào vùng biên A8, ngang qua đất của ông, nhưng ông cũng không đòi quyền lợi, thậm chí còn cho anh em ở chốt K1 gần 100 m2 để tăng gia sản xuất. Năm 2017, khi thực hiện PGCM và cột mốc phụ 176 được cắm ngay giữa phần đất ruộng gần 2 ha của gia đình nhưng ông Sáu Kề không đòi bồi thường, thậm chí còn đăng ký tham gia tự quản cột mốc. Cuối năm 2018, lực lượng chức năng 2 nước triển khai xây dựng 2 tuyến đường Vành đai biên giới bên phía Campuchia và đường Tuần tra biên giới bên phía VN, thì toàn bộ diện tích đất còn lại của ông Sáu Kề và một số bà con đều nằm trọn trong 2 dự án. Dẫu thiệt thòi, ông Sáu Kề vẫn cười: “Hiến mấy công đất để các chú biên phòng bảo vệ biên giới cùng bà con mình và gia đình mình thì có nhằm nhò gì đâu”.

Ở ấp Rừng Dầu (xã Tân Thuận, H.Bến Cầu, Tây Ninh), ông Lê Xuân Phong có mảnh đất ruộng trên 1,5 ha nằm sát đường biên. 15 năm trước, ông Phong đã dành hơn 150 m2 đất nằm ngay đầu con đường tiểu ngạch nối liền từ xã Tiên Thuận sang phường Ba-Vet (Svay Rieng, Campuchia) cho ĐBP cửa khẩu quốc tế Mộc Bài dựng chốt kiểm soát. Năm 2008, ông Phong lại bàn giao hơn 2.000 m2 đất ruộng của mình để phục vụ cho công tác PGCM mà không hề đòi hỏi quyền lợi gì. “Nhiều người can ngăn, bảo đó là đất vàng ở cửa khẩu trọng điểm lớn miền Nam. Nhưng với tui thì Tổ quốc trên hết”, ông Phong cười.

Kể về những gương nông dân khẳng khái, thật thà, tuy nghèo nhưng luôn tâm niệm “Tổ quốc là trên hết”, đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy BĐBP tỉnh Tây Ninh, thấm thía: “Nếu không có sự cưu mang đùm bọc, hỗ trợ giúp đỡ của bà con nhân dân sống dọc đường biên thì chúng tôi khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình và xây dựng được lũy thép biên phòng toàn dân vững mạnh như hôm nay”.

…“Ban đầu, việc PGCM gặp nhiều khó khăn từ phía Campuchia như: Bạn thiếu kinh nghiệm trong xây dựng các văn kiện pháp lý về biên giới, nên thường tỏ ý “nghi ngờ” về các đề xuất của phía ta; khối lượng công việc lớn nhưng nhân lực phía bạn vừa mỏng vừa yếu về pháp lý, nên đã nảy sinh vấn đề nội bộ giữa các cấp làm việc, ảnh hưởng nhiều tới tiến độ đàm phán PGCM… Từ sau chiến thắng tuyệt đối của Đảng Nhân dân (CPP) trong bầu cử năm 2018, tình hình Campuchia cơ bản ổn định, trên thực địa không còn các hoạt động chống phá của phe đối lập, Thủ tướng Hun Sen bày tỏ mong muốn hoàn thành 100% công tác PGCM biên giới đất liền với VN.(Đại tá Trịnh Văn Biên, Phó trưởng phòng Quản lý biên giới, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng)

Trải qua 36 năm đàm phán về biên giới, kể từ Hiệp định quy chế quản lý biên giới năm 1983 đến nay (2019), VN - Campuchia đã hoàn thành phân giới cắm mốc đối với khoảng 1.045 km đường biên giới đất liền VN - Campuchia, xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ, 221 cọc dấu, tức là đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến. Tính đến nay, trung bình trên toàn tuyến biên giới đã phân giới cắm mốc, cứ 670 m có 1 cột mốc hoặc cọc dấu.(Nguồn: Bộ Tư lệnh BĐBP)

Chuyện kể năm 2000

Mấy năm gần đây, tuy mốc chủ quyền đã được cắm trên biên giới, nhưng nhiều đối tượng thuộc một số đảng đối lập ở Campuchia, lúc này lúc khác vẫn có những hành động gây rối tại khu vực biên giới VN - Campuchia.

Bộ đội biên phòng đồn Bình Hòa Tân thực hiện phương án
ngăn chặn đối tượng của đảng CNRP tụ tập,
định tràn qua biên giới, tháng 7.2015. Ảnh: Độc Lập.

Không bỏ ruộng hoang

Cuối tháng 5.1993, cơ quan chuyển tiếp LHQ tại Campuchia (UNTAC) tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) ra chỉ lệnh “Tình hình Campuchia có những thay đổi ảnh hưởng đến biên giới Tây Nam nước ta. Tính chất quan hệ biên giới cũng từ đặc biệt chuyển thành quan hệ biên giới hòa bình, hữu nghị” và yêu cầu thường trực Bộ Tư lệnh (phía nam) tổ chức ban nghiên cứu khảo sát để thu thập tài liệu.

Cứ bảo biên giới quốc gia, nhưng đất đó là đất của nhà mình, bà con chòm xóm và tổ tiên mình. Giữ được đất, mới giữ được nồi cơm nuôi mình và cho con cháu sau này.Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Hòa Thạch, H.Châu Thành, Tây Ninh)

Bắt đầu từ thời điểm này, các phần tử cực đoan trong các đảng đối lập ở Campuchia ra sức tuyên truyền xuyên tạc vu khống VN lấn chiếm biên giới, đòi hủy bỏ các hiệp định biên giới VN - Campuchia, dùng vật chất lôi kéo người dân giáp biên giới đấu tranh tại một số điểm mà họ cho là VN lấn chiếm, nhằm tạo sức ép với chính phủ Campuchia trước thời điểm diễn ra các vòng đàm phán giải quyết vấn đề biên giới.

“Mùa mưa 2002, phía Campuchia liên tục cho lực lượng hỗ trợ dân địa phương xâm canh, tái xâm canh vi phạm chủ quyền VN ở một số điểm thuộc địa bàn phụ trách của Đồn biên phòng Tràng Riệc (Tây Ninh). Đặc biệt, ngày 25.7.2002, lực lượng bảo vệ biên giới của Đồn Đa (Campuchia) có trang bị vũ khí xâm nhập ngăn cản dân ta sản xuất”, thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó tư lệnh BĐBP, nhớ lại và kể thêm: Đồn biên phòng Tràng Riệc đã nhiều lần liên hệ với Đồn Đa nhưng họ không hợp tác. Sau đó, chúng tôi kiên quyết ngăn cản các hoạt động của Campuchia bằng cách tổ chức quần chúng thành các nhóm, tổ đấu tranh; tham mưu cho chính quyền địa phương gặp gỡ trao đổi, viết thư phản kháng; vận động nhân dân tiếp tục canh tác trên diện tích không bỏ hoang...

Lực lượng PGCM 2 nước VN - Campuchia bên mốc 136 (1)
vừa được cắm vị trí, chuẩn bị xây dựng, năm 2010. Ảnh: Lê Quân.

Cuối tháng 12.2008, đối tượng Senma Dara Di, Chủ tịch đảng Samreincy (SRP) của tỉnh Svay Rieng (Campuchia), xuống xã Samraong (H.Chanthrea) gặp và chỉ đạo một số cấp dưới của đảng SRP vận động nhân dân trong xã nhổ bỏ các cọc định vị xác định mốc giới. Chúng ra mục tiêu “Đội liên hiệp phân giới cắm mốc (PGCM) VN - Campuchia cắm đến đâu sẽ nhổ bỏ đến đó”. Ngay sau đó, đội tuần tra của Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây (Long An) phát hiện 4 cọc dấu xác định mốc 182, 184 bị nhổ. Kết quả điều tra cho thấy: 12 người dân Campuchia ở xã Samraong (Campuchia) có ruộng ở khu vực mốc đã nghe lời xúi giục, ra nhổ bỏ cọc dấu. Đại tá Nguyễn Văn Thành, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Long An, nhớ lại: “Lúc ấy, chúng tôi xác định đảng SRP phá hoại hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 2005 và đã lường trước việc họ có các hành động gây rối cản trở lực lượng PGCM của ta và Campuchia làm nhiệm vụ trên thực địa. Phải tăng cường bảo vệ anh em”.

Rợp cờ giữ đất

Tháng 7.2015, chúng tôi có mặt tại mốc 203 chứng kiến quân và dân tỉnh Long An đấu tranh ngăn chặn đảng cứu quốc Campuchia (CNRP) huy động người xâm phạm chủ quyền lãnh thổ VN tại mốc 202 - 203 thuộc xã Bình Hòa Tây, H.Mộc Hóa, Long An.

Khu vực từ mốc 202 - 203 thuộc ấp Bình Bắc (xã Bình Hòa Tây, H.Mộc Hóa, Long An) là địa bàn Đồn biên phòng Bình Hòa Tây quản lý. Đối diện là đồn cảnh sát bảo vệ biên giới X12 đóng tại ấp Prey Roboes (Xã Tnaot, H.Kampong Rou, Svay Rieng, Campuchia). Đoạn biên giới từ mốc 202 - 203 , theo hiệp ước bổ sung năm 2005 thì hai bên đã hoàn thành phân định biên giới cắm mốc từ năm 2009. Cuối tháng 6, đầu tháng 7.2015, đảng CNRP tập trung tại khu vực mốc 202 - 203 làm điểm tập trung chống phá, chuẩn bị kỹ lưỡng từng “kịch bản” cho cái gọi là “khảo sát”: Ra thông báo kêu gọi; vận động mọi tầng lớp tham gia; làm đơn xin phép chính quyền...

“Từ tháng 4 - 7.2015, CNRP đã tổ chức 18 đoàn (khoảng 3.600 lượt người), tập trung tại 16 điểm thuộc đoạn biên giới các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang để tiến hành các hoạt động khảo sát, quay phim chụp hình, phỏng vấn người dân, tuyên truyền vu cáo VN chiếm đất Campuchia”, thiếu tướng Lê Văn Thạo, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, cho biết như vậy và lắc đầu: “Họ kích động nhân dân Campuchia chống phá tiến trình PGCM, có nơi họ còn khiêu khích, xô xát với ta”.

Đảng CNRP chỉ đạo cùng thời điểm trên sẽ sẵn sàng tổ chức các đoàn xuống các khu vực khác như: khu vực mốc 145 - 146 (địa bàn xã Thna Thnong, H.Romdoul, Svay Rieng, Campuchia đối diện xã Hòa Thạch, H.Châu Thành, An Giang), mốc 184 - 185 (xã Samraong, H.Chanthrea, Svay Rieng đối diện xã Mỹ Quý Tây, H.Đức Huệ, Long An), khu vực 3 hố nước ở đoạn biên giới thuộc địa bàn Iana (H.Đức Cơ, Gia Lai)...

Chiều 28.6.2015, đảng CNRP tổ chức khoảng 250 người do ông Thach Setha (Chủ tịch hội K3 Campuchia) và Riakham Marinh (đại biểu quốc hội CNRP tỉnh Kandal, Campuchia) dẫn đầu, kéo đến khu vực mốc 202 - 203 khảo sát. Khi đến biên giới hiện quản, phía CNRP dùng loa tuyên truyền vu cáo VN lấn đất Campuchia và hành hung làm 7 cán bộ chiến sĩ, người dân Bình Hòa Tây bị thương. Ngay lập tức, phía ta triển khai các biện pháp ngăn chặn, đẩy đuổi số người gây rối về bên kia biên giới.

Do nắm bắt được thông tin và có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, từ ngày 12.7.2015, ban chỉ đạo tại Long An do thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Phó tư lệnh - tham mưu trưởng BĐBP (nay là trung tướng, Tư lệnh BĐBP), đã triển khai biện pháp xử lý các tình huống gây rối tại khu vực mốc 202 - 203. Đúng như dự kiến, sáng 19.7.2015, khoảng 1.800 người Campuchia do nhóm nghị sĩ quốc hội, chủ tịch CNRP của các tỉnh Kandal, Svay Rieng, Tbong Khmum, Siem Reap dẫn đầu, đã kéo đến khu vực mốc 202 - 203.

Đầu giờ chiều 19.7.2015, khoảng 600 người trong số này gặp lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia, đề nghị được khảo sát mốc 203. Khi được chấp thuận cho 100 người vào, họ đã lao nhanh sang khu vực để quay phim chụp ảnh. Cũng ở chân mốc 203, nghị sĩ Real Camerin của CNRP đã tuyên truyền xuyên tạc “VN cắm mốc lấn sang đất Campuchia” và yêu cầu chính phủ Campuchia không công nhận kết quả PGCM.

Trước tình hình trên, quan điểm của ta là “bình tĩnh, linh hoạt, thận trọng”, lấy tuyên truyền giáo dục thuyết phục là chính, xử lý các tình huống không sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, không để lực lượng tạo cớ gây rối... Lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tướng Hoàng Xuân Chiến đã xử lý khéo léo vụ việc, ngăn chặn đẩy đuổi và 15 giờ ngày 19.7.2015, đoàn người của CNRP đã rút khỏi khu vực mốc 203.

Giữ biên giới như giữ nồi cơm

Ông Nguyễn Văn Hùng (55 tuổi, ngụ xã Hòa Thạch, H.Châu Thành, Tây Ninh) có tới 2 ha ruộng ngay sát biên giới, cạnh Trạm kiểm soát biên phòng Hòa Thạch (Đồn biên phòng Phước Tân). Giữa năm 2015, đảng đối lập Campuchia liên tục kéo đến gây rối ở khu vực biên giới xã Hòa Thạch, ông Hùng gác mọi chuyện ruộng vườn, thậm chí cả cho thuê máy làm đất, để lên biên sát cánh cùng BĐBP giữ đất.

Bà Võ Thị Ngọc Anh, vợ ông Hùng, kể: “Cho thuê máy có khi được 1 - 2 triệu/ngày nhưng ông cũng không làm, tảng sáng mang cơm nắm bánh mì đi giữ mốc, tối mịt mới về. Liên tục như thế, có khi cả tháng”.

Nghe thế, ông Hùng cười: “Tôi thạo tiếng, lại sống ở đây từ nhỏ, biết hết mặt người dân Campuchia nên phải đi cùng bộ đội vận động người ta biết lẽ phải, chỉ mặt những đứa ở nơi khác đến kích động, gây rối”, rồi trầm ngâm: “Cứ bảo biên giới quốc gia, nhưng đất đó là đất của nhà mình, bà con chòm xóm và tổ tiên mình. Giữ được đất, mới giữ được nồi cơm nuôi mình và cho con cháu sau này”.

Câu nói này, tôi nghe suốt, khi gặp những người dân Tây nguyên, Tây Nam ở dọc biên giới VN - Campuchia, từ mốc chung 3 nước VN - Lào - Campuchia trên đỉnh núi cao của xã Bờ Y (Kon Tum) cho đến mốc 314 mép biển Hà Tiên (Kiên Giang). “Xây dựng đường biên giới chung giữa hai nước hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển bền vững” - Ý nghĩa này, những người dân VN và Campuchia sống dọc biên giới là trân trọng nhất.

Mai Thanh Hải


Cương thổ Tây Nam Reviewed by Lão nông dân on 14:43 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.