Hào hùng 7 lần giải phóng Thủ đô trong lịch sử dân tộc
Trong lịch sử trải dài nghìn năm, đã có 7 lần thủ đô Thăng
Long - Hà Nội được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của các thế lực ngoại bang.
Trải suốt lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt
Nam đã chứng kiến 7 lần giải phóng thủ đô đầy hào hùng và vẻ vàng, ghi dấu chiến
thắng lẫy lừng của toàn dân tộc.
1. Cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần 1 (1258)
Cuối tháng 9/1257, sau khi dụ hàng vua Trần không thành
công, Mông Cổ đã đưa quân tràn qua biên giới Đại Việt. Sau khi nhận được tin cấp
báo, vua Trần lập tức đem đại quân đi chống giặc.
Cuộc đụng độ lớn đầu tiên diễn ra tại Bình Lệ Nguyên vào
ngày 12/12. Thế giặc quá mạnh, nhận thấy không thể kéo dài cuộc chiến, quân Trần
chủ động rút lui về Phù Lỗ. Ngày 18/1/1258, quân Mông Cổ tiến đánh Phủ Lỗ. Quân
Trần một lần lữa rút lui, đồng thời di tản cư dân và của cải khỏi thành Thăng
Long. Vào ngày 21/1/1258, 8.000 quân Mông tràn xuống chiếm Thăng Long.
Những gì bày ra trước mắt quân xâm lược là một kinh thành trống
rỗng. Không có lương thực, quân Mông Cổ phải đi cướp bóc ở vùng ngoại ô, nhưng
hầu như không cướp được gì và còn hay bị phục kích.
Đêm 28/1/1258, quân Trần bất ngờ phản công. Quân Mông Cổ chủ
quan, không kịp đối phó và bị thua to tại Đông Bộ Đầu. Bị thất thế, quân xâm lược
bỏ Thăng Long ngày 29/1 và tháo chạy thẳng về Vân Nam. Nhà Trần đại thắng.
2. Cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần 2 (1285)
Năm 1271, người Mông Cổ lập ra triều Nguyên trên lãnh thổ
Trung Quốc. Nhằm phục vụ tham vọng mở rộng rãnh thổ của hoàng đế Hốt Tất Liệt,
ngày 27/1/1285, 50 vạn quân Nguyên ào ạt đánh vào lãnh thổ Đại Việt.
Với lực lượng áp đảo quân xâm lược liên tiếp đẩy lui quân Trần
trên các trận địa và đến giữa tháng 2/1285 thì áp sát kinh thành Thăng Long.
Ngày 17/2, quân hai bên đại chiến bên bờ sông Hồng. Quân Trần
vừa đánh vừa di dân khỏi Thăng Long. Khi kinh thành đã trống không thì quân Trần
cũng rút lui. Quân Nguyên chiếm Thăng Long ngày 19/2.
Sau các trận đánh ác liệt để kìm chân địch, quân Trần phản
công từ tháng 5/1285, với các trận thắng lớn ở Hàm Tử - Tây Kết và Chương Dương
Độ. Thừa thắng, quân Trần quyết định tấn công giải phóng kinh thành Thăng Long.
Trước sức tấn công mạnh mẽ của người Việt, quân Nguyên phải
rút chạy khỏi thành Thăng Long về đóng ở bờ Bắc sông Hồng. Ngày 9/6/1285, thành
Thăng Long được giải phóng.
Ngày 10/6/1285, 2 vạn quân Đại Việt tấn công quân Nguyên ở bờ
Bắc sông Hồng. Quân Nguyên đại bại, phải rút chạy về phía Bắc.
3. Cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần 3 (1288)
Sau thất bại trong việc chinh phạt Đại Việt năm 1285, hoàng
đế Hốt Tất Liệt vẫn không từ bỏ kế hoạch chiếm Đại Việt. Gần như ngay lập tức,
kế hoạch tái chinh phạt được triển khai. Tháng 12/1287, lấy cớ đưa Trần Ích Tắc
về nước lập làm An Nam Quốc Vương, hàng chục vạn quân Nguyên tiến vào Đại Việt
bằng đường thủy và đường bộ.
Sau trận Vạn Kiếp và nhiều cuộc đụng độ ở vùng Tây Bắc, quân
Nguyên áp sát Thăng Long. Ngày 2/2/1288, quân Nguyên do Thoát Hoan cầm đầu bắt
đầu đánh thành. Sau nhiều ngày cố thủ, quân Trần rút khỏi thành.
Quân Nguyên chiếm được thành, nhưng cũng như lần trước,
không tìm thấy lương thực cho quân linh. Trong lúc đó, quân Đại Việt đã phản
công và kiểm soát vùng Hải Dương, Hải Phòng, đẩy Thoát Hoan vào nguy cơ bị cắt
đường về Vạn Kiếp. Trước tình hình này, Thoát Hoan bỏ Thăng Long để quay về Vạn
Kiếp.
Trận Bạch Đằng. Ảnh minh họa. |
Tại Vạn Kiếp, do lương thảo ngày càng ít và thường xuyên bị
quân Trần tấn công, Thoát Hoan quyết định rút quân khỏi Đại Việt vào cuối tháng
3/1288. Cùng với đạo quân bộ của Thoát Hoan, đạo quân thủy của nhà Nguyên do Ô
Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy cũng rút lui và bị quân Trần hủy diệt tại cửa biển
Bạch Đằng.
4. Cuộc chiến chống quân Minh (1428)
Năm 1406, nhà Minh đem quân đánh nhà Hồ. Do không được lòng
dân, triều Hồ sụp đổ và mất nước vào tay người phương Bắc. Thành Thăng Long bị
chiếm vào tháng 1/1407 và đổi tên thành Đông Quan. Sau thất bại của nhà Hồ, nhiều
cuộc nổi dậy chống Minh đã diễn ra, nhưng đều bị dẹp một cách tàn khốc.
Đến năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã
bùng nổ. Trải qua giai đoạn hoạt động ở vùng núi Thanh Hoá (1418-1423), tiến
vào phía Nam (1424-1425), nghĩa quân ngày càng hùng mạnh và bắt đầu giai đoạn
giải phóng Đông Quan từ năm 1426.
Nghĩa quân đã giành được các chiến thắng lẫy lừng ở Tốt Động
– Chúc Động (1426) và Chi Lăng – Xương Giang (1427), đầy người Minh đến tình thế
phải giảng hòa và rút quân về nước. Ngày 3/1/1428, Đông Quan được giải phóng.
Nước Việt không còn một mống quân xâm lăng.
Sau cuộc kháng chiến, Nguyễn Trãi - một lãnh tụ của cuộc khởi
nghĩa đã viết bài Bình Ngô đại cáo để tuyên cáo cho toàn thể nhân dân biết về
chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn.
5. Cuộc chiến chống quân Thanh (1788)
Tháng 7/1788, với sự cầu cứu từ Lê Chiêu Thống, hoàng đế Càn
Long của nhà Thanh đã nhân cơ hội sai Tôn Sĩ Nghị đem hơn 20 vạn quân chia làm
3 đạo tiến về Đại Việt với danh nghĩa phù Lê.
Với lực lượng mỏng ở miền Bắc, quân Tây Sơn không chặn được
bước tiến của quân Thanh. Ngày 17/12/1788, quân Thanh chiếm đòng thành Thăng
Long. Ngày 22/12, Tôn Sĩ Nghị làm lễ sắc phong cho Lê Chiêu Thống ở điện Kính
Thiên.
Cũng trong ngày 22/12, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Phú
Xuân (Huế), lấy niên hiệu Quang Trung và ra lệnh xuất quân thần tốc ra Bắc. Chỉ
sau hơn 1 tháng, đại quân của Quang Trung đã đền gần thành Thăng Long.
Trong ngày 30 tháng chạp Âm lịch (25/1/1789), Hoàng đế Quang
Trung cho quân ăn tết trước rồi hạ lệnh tiến quân. Cuộc tổng tấn công bắt đầu
vào đêm 30 tết. Chỉ trong 6 ngày, quân Tây Sơn hạ gần 10 đồn và bao vây đồn Ngọc
Hồi – đại bản doanh của quân Thanh. Trước sức mạnh của quân đội Tây Sơn, đồn Ngọc
Hồi nhanh chóng thất thủ.
Quang Trung đại phá quân Thanh. Ảnh minh họa. |
Chiều mồng 5 tết, Hoàng đế Quang Trung tiến vào Thăng Long
trong sự chào đón của nhân dân, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của quân Thanh
trên đất Đại Việt.
6. Cách mạng tháng 8/1945
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, bắt đầu
cuộc chiến không cân sức với triều Nguyễn. Trong cuộc chiến này, Hà Nội đã bị
quân Pháp chiếm đóng vào ngày 20/11/1873. Đến năm 1884, người Pháp đã xâm chiếm
toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và thiết lập bộ máy cai trị thuộc địa.
Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Trước sự đô hộ của người Pháp, phong trào giải phóng dân tộc
Việt Nam bùng nổ. Hàng loạt cuộc khởi nghĩa đã được phát động, nhưng đều bị thực
dân Pháp đàn áp dã man và đi đến thất bại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: news.zing.vn |
Từ thập niên 1930, với sự ra đời của ĐCS Đông Dương và tổ chức
Việt Minh, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đã có một bước ngoặt lớn. Trước
những biến động quốc tế sau cuộc CTTG thứ 2, Việt Minh và ĐCS đã tổ chức cuộc
Cách mạng tháng tám, khởi đầu từ Tổng khởi nghĩa Hà Nội ngày 19/8/1945 rồi dần
lan rộng ra khắp ba miền và cả nước.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập
tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội trước đông đảo nhân dân, chính thức khai sinh
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việt Nam phục hồi nền độc lập sau gần 100 năm
Pháp thuộc. Hà Nội một lần nữa được do người Việt Nam làm chủ.
7. Giải phóng Thủ đô 10/10/1954
Sau cách mạng, thực dân Pháp đã núp bóng quân đồng minh để
quay trở lại xâm lược Đông Dương. Sau hàng loạt các hoạt động khiêu khích và tấn
công vũ trang, ngày 19/12/1946, quân Pháp tái chiếm Hà Nội. Cuộc kháng chiến chống
Pháp của quân và dân Việt Nam bắt đầu.
Trải qua 9 năm, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, cuộc chiến
đã kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Sau chiến thắng lịch sử
này, Hiệp định Geneve về đình chiến ở Đông Dương được ký kết.
Các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày
30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương. Sau đó,
chính quyền Việt Minh đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào
Hà Nội để chuẩn vị việc tiếp quản thành phố.
Hình ảnh các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô năm 1954. Ảnh tư liệu. |
Ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón mừng
những người con chiến thắng trở về tiếp quản. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt
có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử
ngàn năm của Thủ đô.
Hoàng Phương
Nguồn Báo Kiến thức
Hào hùng 7 lần giải phóng Thủ đô trong lịch sử dân tộc
Reviewed by Lão nông dân
on
09:05
Rating:
Không có nhận xét nào: