Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

“LỜI NÓI GÓI VÀNG”

Vì là hiện thực trực tiếp của tư tưởng nên lời nói (ngôn ngữ) biểu hiện rõ và trung thực nhất thái độ, tâm hồn, tình cảm, học vấn của con người.

Cha ông ta dạy thật chí lý: “Vàng thì thử lửa thử than/Đồng thau thử tiếng, người ngoan thử lời”. Lời nói là ký hiệu văn hóa bền vững, sâu sắc và cũng tinh tế nhất để lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa cá nhân cũng như của cộng đồng. Như vậy, lời nói có vai trò, chức năng quan trọng đặc biệt, thiếu nó sẽ không có xã hội và cũng chẳng có con người.

Đặc trưng của phát ngôn trên mạng xã hội đa phần là sự thoải mái, tự do. (Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn)

Nhưng “Lời nói đọi máu”. Máu là quý giá, thiêng liêng, thế nên lời nói tốt là “Lời nói gói vàng”. Hiểu theo nghĩa ngược lại, thì “máu” là ân oán, là căm thù. Ở trường hợp này, lời nói có khi lại trở thành vũ khí giết người hoặc gây nguy hiểm. Các cụ ta lại có lời dạy: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. “Lưỡi” ở đây là biểu hiện của lời.

Minh triết Việt có câu: “...Người ba năm mới nói”. Theo đó, trước khi nói phải suy nghĩ chín chắn, thấu đáo, suy xét lợi hại, kẻo một lời nói ra bốn ngựa cũng khó kéo trở lại.

Nhưng ở thời đại hôm nay, nhất là trên mạng xã hội thì tình hình không như vậy. Đúng ra là một sự thiếu văn hóa về lời nói.

Mạng xã hội tuy là ảo nhưng nó lại là cuộc sống thứ hai, song hành và có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống thực. Đặc trưng của phát ngôn trên mạng đa phần là sự thoải mái, tự do, không bị kiềm chế bởi đối tượng tiếp nhận nên người ta có thể chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục… hoặc ngược lại, tráng ca, tụng ca, hoan ca, bi ca… hết lời trước một hiện tượng nào đó thấy thích. Một đặc điểm của khá nhiều “cư dân mạng” là ưa thích những tin nóng, những tin gây sửng sốt, ngạc nhiên để “chia sẻ”, để khoe… mà không cần quan tâm thật, giả, nguồn gốc. Mặt trái của văn hóa internet thể hiện rất rõ những phát ngôn gây hại trên mạng.

Cuộc sống thật đang hứng chịu nặng nề những hệ luỵ của cuộc sống ảo!

Có khi chỉ là một phát ngôn thiếu trách nhiệm, vô tình hoặc cố ý hay ác ý có thể làm tổn thương sâu sắc một ngành du lịch. Chúng ta nhớ lại trường hợp gần đây, chỉ một lời trên mạng bịa chuyện hai du khách nước ngoài trên phà ra một hòn đảo đẹp phải trả 10USD cho một đĩa lạc luộc. Thế là khách nước ngoài đến đó vắng hẳn! Rồi chỉ một sự khích bác trên mạng ảo dẫn đến hai học sinh đánh nhau gây thương tích ngoài đời thật… Và những “thánh chửi” ồn ào ảnh hưởng xấu tới tâm hồn trẻ em non nớt…!

Chúng ta lên án những lời nói thiếu trách nhiệm, vô lương tâm như vậy!

Chúng ta cần những tiếng nói trung thực, xây dựng và đoàn kết!

Một lời nói hay phải bảo đảm ba tiêu chí: Tính chính xác, tính đúng đắn, tính thẩm mỹ. Ca dao nói một cách bóng bẩy qua ẩn dụ: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người ngoan nói tiếng nhẹ nhàng dễ nghe”. Muốn “dễ nghe” phải làm gì? Phải “lựa lời”: “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Văn hóa là sự lựa chọn thì “lựa lời” chính là văn hóa. Nói cho đúng, cho hay, “cho vừa lòng nhau” thật không khó, miễn mỗi người có lòng tự trọng và trách nhiệm với chính mình. Tiếng nói có “lựa lời” là sứ giả trung thành, tận tụy nhất của những trái tim đến với những trái tim!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân.

“LỜI NÓI GÓI VÀNG” Reviewed by Lão nông dân on 16:25 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.