Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

Gia Lai những thành tựu của chặng đường 45 năm giải phóng, dựng xây và phát triển

Một góc TP. Pleiku hôm nay. Ảnh: PHAN NGUYÊN.


Cách đây 45 năm, cùng với quân và dân cả nước, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ gần 30 năm đầy gian khổ, hy sinh. 

Đồng chí Võ Ngọc Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh .
Sau thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, tỉnh Gia Lai - Kon Tum (được tách ra 02 tỉnh Gia Lai và Kon Tum năm 1991) bước vào công cuộc tái thiết, xây dựng với xuất phát điểm của tỉnh lúc bấy giờ rất thấp kém, sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp với phương thức sản xuất hết sức lạc hậu, cơ sở công nghiệp hầu như chưa có, hệ thống dịch vụ chủ yếu phục vụ cho bộ máy chiến tranh; còn hơn 50 vạn người phải cứu đói; 95% dân số mù chữ, tình hình an ninh chính trị rất phức tạp, đội ngũ cán bộ thiếu và yếu, chưa có kinh nghiệm. 

Sau 45 năm xây dựng, đặc biệt là sau khi tách tỉnh (1991) có thể thấy rằng tỉnh Gia Lai đã có bước phát triển nhanh và khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hàng năm tăng khá, bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11,3%; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 13,6%, giai đoạn 2011-2015 đạt 12,81%, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,93%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 49,8 triệu đồng, gấp hơn 51,6 lần so với năm 1991 (năm chia tách tỉnh); Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2011 đạt 3.356 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 4.593,5 tỷ đồng.

Từ một địa phương có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ - Ngụy, hạ tầng hết sức yếu kém, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, sau 45 năm xây dựng, Gia Lai phát triển nhanh và khá toàn diện. Hiện toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính, trong đó có 01 thành phố là đô thị loại 1 (được công nhận tháng 01/2020), 02 thị xã, 01 đô thị loại 4 với 222 xã, phường, thị trấn, dân số hơn 1,5 triệu người. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn; các vùng động lực phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội và quy mô đô thị các vùng động lực được nâng cao; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn. Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm như Sân bay Pleiku, Quốc lộ 14, Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, Quốc lộ 19C, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thành phố Pleiku, đoạn tránh thị trấn Chư Sê; đường liên huyện Chư Păh - Ia Grai - Đức Cơ - Chư Prông... được quan tâm đầu tư, góp phần kết nối, thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Toàn tỉnh hiện có 344 công trình thủy lợi phục vụ tưới 54.944 ha; 49 nhà máy thủy điện, 02 nhà máy điện sinh khối và 02 nhà máy điện mặt trời với công suất 2.474,75 MW, có 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia và 99,76% hộ gia đình được sử dụng điện; 99% tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch và 93% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đã hình thành một số khu, cụm công nghiệp. Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được đầu tư xây dựng, cùng với việc hình thành khu vực Tam giác phát triển giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đưa vào sử dụng đường 78 - Campuchia sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khu vực Cửa khẩu phát triển nhanh, góp phần đưa thành phố Pleiku trở thành tâm điểm của khu vực. Kết cấu hạ tầng về giáo dục, y tế, văn hóa; các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông, thông tin... được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. 

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, đến hết năm 2019 có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Pleiku đã được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2020 có thêm 26 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Kbang và huyện Đak Pơ đăng ký hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tiềm năng đất đai rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp; hoa, quả các loại; dược liệu; chăn nuôi đại gia súc, kinh doanh tổng hợp nông lâm nghiệp. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá vật tư tăng cao, giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp… nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, duy trì tốc độ tăng trưởng; đã chú trọng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa vào hoạt động sản xuất, tưới tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng; sản lượng cao su đạt trên 108.435 tấn mủ khô, cà phê 253.220 tấn nhân, tiêu 43.6500 tấn, điều 14.635 tấn, chè 6.304 tấn búp tươi, mía hơn 2,2 triệu tấn và hàng vạn ha cây ăn trái, chanh leo, cây dược liệu, rau... Đã có một số doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm đã quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đầu tư các nhà máy chế biến tinh, chế biến sâu, nhất là các sản phẩm như sản phẩm từ cà phê, hồ tiêu, trái cây, chế biến súc sản... Tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2019 đạt 46,45%, tổng diện tích rừng trồng mới trong 04 năm 2016-2019 gần 20.000ha. 

Gia Lai cũng là một trong những địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện có 25 dự án thủy điện, 38 dự án điện mặt trời, 88 dự án điện gió các nhà đầu tư đang nghiên cứu khảo sát hoặc đã hoàn thành hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch, với tổng công suất dự kiến là 19.157,5MW. 

Giai đoạn 2016-2019 đánh dấu sự chuyển biến tích cực về mặt chủ trương, định hướng của tỉnh về hoạt động du lịch; tỉnh đã ban hành quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch. Tập trung xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển du lịch với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa du lịch thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của tỉnh, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng việc ban hành đề án phát triển du lịch sinh thái như: Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya, khu du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; Vườn chè Bàu Cạn, Biển Hồ, thác Mơ, thác Phú Cường; các dự án phức hợp sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao như: Khu phức hợp gắn với sân golf Đak Đoa, Khu du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng Đồi thông..; đang kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án như Tây Sơn thượng đạo, Khu duy chỉ khảo cổ Rộc Tưng (An Khê) và các vùng phụ cận với việc phát hiện rìu đá có niên đại trên 80 vạn năm và các khu du lịch, điểm du lịch khác; xây dựng kế hoạch tổ chức một số lễ hội để thu hút được du khách (như Festival văn hóa cồng chiên Tây Nguyên, lễ hội hoa Dã quỳ núi lửa Chư Đăng Ya…).

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp tác đầu tư với các địa phương, khu vực được chú trọng; các thành phần kinh tế được tạo các điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện. Kinh tế tập thể (nòng cốt là hợp tác xã) tiếp tục được củng cố; doanh nghiệp nhà nước được tổ chức sắp xếp, cổ phần hoá đúng lộ trình; doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh về số lượng, hiện toàn tỉnh có hơn 6.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng, một số doanh nghiệp lớn đã cơ cấu lại ngành nghề, mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đầu tư đa ngành nghề; niềm tin của doanh nghiệp, phong trào khởi nghiệp phát triển nhanh.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt được những thành tựu quan trọng; đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép với chương trình giảm nghèo, đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo còn 7,04% (không còn hộ nghèo là người có công); đời sống của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng căn cứ cách mạng luôn được quan tâm; công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và thực hiện các chính sách xã hội, chương trình đền ơn đáp nghĩa đạt kết quả thiết thực. Tỉnh đã huy động các nguồn kinh phí tài trợ, sự góp sức, chung tay của toàn thể hệ thống chính trị đã hoàn thành chương trình sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho hộ gia đình người công với cách mạng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện đạt 52%, bình quân giải quyết việc làm cho 25.000 lao động/năm. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đồng bộ; thực hiện chính sách dân tộc đạt được một số kết quả tích cực, hiện. 100% làng đồng bào dân tộc thiểu số được định cư, các hộ thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cơ bản được giải quyết. 

Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết; công tác quốc phòng - an ninh được đẩy mạnh, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo dựng được thế trận lòng dân, thực hiện có kết quả công tác đấu tranh, tố giác, phát hiện tội phạm, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch; phát huy có hiệu quả công tác đối ngoại, nhất là với các tỉnh bạn Campuchia, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Có được những thành quả trên, trước hết là nhờ có đường lối sáng suốt của Đảng, sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, của các bộ, ngành trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh bạn đối với tỉnh; là kết quả từ truyền thống đoàn kết, thống nhất, đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai trong việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đây là niềm tin, động lực để tỉnh Gia Lai tiếp tục phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tuy nhiên, Gia Lai có 44 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46,23% dân số; tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86,71% trong tổng số hộ nghèo. Xuất phát điểm kinh tế còn thấp; giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định; ảnh hưởng của hạn hán làm sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn cục bộ. Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp. Hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn chế. Số lượng doanh nghiệp ít, hầu hết là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh còn yếu. An ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn phức tạp.

Kế thừa những thành tựu đã đạt được, phát huy những lợi thế của tỉnh và dự lường được những khó khăn, thách thức; thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XV (nhiệm kỳ 2016 - 2020) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, thời gian tới tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục:

- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính; bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên Cách mạng công nghiệp 4.0, Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, coi đây là động lực cho phát triển. 

- Rà soát, các chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư. Định hướng kêu gọi các doanh nghiệp mạnh có thương hiệu về đầu tư tại địa phương tạo sức bật cho nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác phù hợp, tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. 

- Về nông nghiệp: Đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xem nông nghiệp là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư phát triển. Lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, riêng có tại địa phương, tạo ra sản phẩm chiến lược cho tỉnh, có nhu cầu, có tiềm năng thị trường trong và ngoài tỉnh để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực phát triển; khuyến khích đầu tư, chế biến các mặt hàng nông sản. Tăng cường các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp. 

- Về công nghiệp: Tập trung phát triển công nghiệp trong đó chú trọng công nghiệp chế biến từ sản phẩm nông nghiệp. Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phù hợp với lợi thế của tỉnh. Xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp như nhà máy sản xuất lốp ô tô, dây chuyền băng tải từ mủ cao su… 

- Về thương mại, hình thành, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, gắn với xây dựng thương hiệu. 

- Về du lịch, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với lộ trình phù hợp, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của tỉnh. Phát huy lợi thế về khí hậu của tỉnh để phát triển du lịch. Tập trung phát triển tuyến du lịch theo hành lang Đông Tây (Lào, Campuchia, Thái Lan và xuống các tỉnh ven biển miền Trung); kết nối du lịch theo tuyến ngang với Bình Định (Tây Sơn Hạ Đạo (Bình Định) với Tây Sơn Thượng Đạo (Gia Lai) gắn với du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu duy chỉ khảo cổ Rộc Tưng); kết nối du lịch theo tuyến dọc với Đăk Đăk, Kon Tum…; quảng bá các sản phẩm du lịch  đặc trưng của tỉnh như núi lửa Chư Đăng Ya, Biển Hồ, Hàm Rồng,các lễ hội đặc trưng như lễ bỏ mả, lễ hội cồng chiêng… Hình thành các khu du lịch quốc gia Biển Hồ - Chư Đăng Ya, Khu du lịc văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng Đồi thông, các khu phức hợp sinh thái, nghỉ dưỡng...

- Về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; khẩn trương xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng khu Công nghiệp Nam Pleiku, kêu gọi, khuyến khích đầu tư và tăng cường công tác quản lý hoạt động của các khu, cụm công nghiệp.

- Về phát triển đô thị: Xây dựng thành phố Pleiku thành đô thị thông minh, đô thị mang tính riêng có, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội với tính chất đô thị là cao nguyên xanh vì sức khỏe con người, đô thị đặc trưng có bản sắc riêng của Tây Nguyên. 

- Triển khai các giải pháp để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Chú trọng tính hiệu quả của kế hoạch đầu tư công. Tập trung vốn cho các công trình quan trọng. Phối hợp các tỉnh Gia Lai - Bình Định - Kon Tum đề xuất Trung ương xây dựng đường cao tốc quốc lộ 19 từ Quy Nhơn lên Gia Lai, xây dựng đường nối Gia Lai với Phú Yên đoạn qua tỉnh Gia Lai, quy hoạch mở rộng Cảng Hàng không Pleiku với quy mô 4 triệu hành khách/năm đến năm 2030, đề xuất mở một số tuyến quốc tế… để kết nối vùng nhằm tạo ra sự liên kết, thông suốt. Tập trung thu hút nguồn lực đầu tư từ kinh tế tư nhân đối với các doanh nghiệp lớn có khả năng làm đầu tàu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực. Phấn đấu xây dựng Gia Lai là một tỉnh phát triển nhanh, bền vững ở khu vực Bắc Tây Nguyên./.

VÕ NGỌC THÀNH
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Bài đăng trên Thông tin Sinh hoạt chi bộ số tháng 3/2020
của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai

Gia Lai những thành tựu của chặng đường 45 năm giải phóng, dựng xây và phát triển Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 15:16 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.