“Làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - mô hình đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai
TCCS - Trên cơ sở khung tiêu chí chung của Chương trình Mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình “Làng
nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” phù hợp với đặc thù địa
phương, tạo ra những chuyển biến tích cực cho diện mạo nông thôn vùng núi, cải
thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Từ chủ trương đúng đắn…
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lâu dài. Việc xây
dựng nông thôn mới với cách làm phù hợp là rất quan trọng để phát triển kinh tế
- xã hội của từng địa phương, cũng như góp phần bảo tồn được bản sắc riêng cho
vùng, miền. “Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” là một mô
hình mang đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai, được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh
xác định là nhiệm vụ ưu tiên gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.
Làng Chiêng - làng văn hóa kiểu mẫu ở thị trấn Kbang, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Nguồn: baogialai.com.vn
|
Là tỉnh miền núi ở phía Bắc Tây Nguyên với diện tích tự
nhiên 15.537 km2, Gia Lai có số dân hơn 1,4 triệu người, trong đó trên 45% là đồng
bào dân tộc thiểu số; có 14 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố, với 184 xã/222 xã,
phường, thị trấn. Trên địa bàn tỉnh có 1.776 thôn, làng, trong đó có 1.692
thôn, làng thuộc các xã xây dựng nông thôn mới. Với sự nỗ lực của cả hệ thống
chính trị địa phương, tính đến hết tháng 3-2019, số xã được công nhận đạt chuẩn
nông thôn mới của tỉnh là 60/184 xã (1). Đặc thù là một tỉnh nghèo nên bên cạnh
những kết quả đạt được, việc xây dựng nông thôn mới cũng còn nhiều khó khăn, hạn
chế, tồn tại. Việc huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhất
là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn thấp so với nhu cầu thực tế. Đối
tượng chính trong triển khai thực hiện là người đồng bào dân tộc thiểu số vốn
có trình độ dân trí chưa cao cũng là một lực cản trong thực hiện chương trình.
Cho đến nay, bộ mặt nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc
thiểu số vẫn còn bất cập. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan, môi trường,
quy hoạch thôn, làng chưa đồng bộ, đại đa số nhà dân không có cổng, hàng rào,
sinh hoạt thiếu ngăn nắp, vệ sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân
ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến
cuối năm 2018, số hộ nghèo của tỉnh là 34.873 hộ, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu
số là 30.441 hộ (30.441/144.502 hộ dân tộc thiểu số), chiếm tỷ lệ 87,29% trên tổng
số hộ nghèo toàn tỉnh (2).
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh,
đồng thời có cách làm phù hợp với đặc thù của địa phương là xây dựng các làng đồng
bào dân tộc thiểu số thành các khu dân cư có cảnh quan, môi trường sáng, xanh,
sạch, đẹp; có hàng rào, vườn rau, nhà vệ sinh, khu chăn nuôi bảo đảm vệ sinh
môi trường... gìn giữ được bản sắc và cốt cách của làng đồng bào dân tộc thiểu
số vùng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đã triển khai thí điểm quy hoạch, bố trí sắp xếp
dân cư làng Pông ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện làm mô hình điểm ban đầu. Với
sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc bố trí, sắp xếp bước đầu đạt những
kết quả đáng khích lệ, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Từ thành công của mô hình làng Pông, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân
dân tỉnh quyết định thực hiện mô hình “Làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc
thiểu số” trên địa bàn toàn tỉnh, có sự triển khai phù hợp với điều kiện thực tế
của địa phương. Ngày 13-2-2018, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, “Về tăng
cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng
bào dân tộc thiểu số”. Trên cơ sở Chỉ thị số 12-CT/TU, dưới sự chỉ đạo của Ủy
ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai đã có Công
văn số 945/SNNPTNT-VPNTM, ngày 31-5-2018, “Về việc hướng dẫn một số nội dung về
xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”. Bộ tiêu chí xây dựng
làng nông thôn mới bao gồm 5 nhóm tiêu chí là quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội;
kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường; chính trị - quốc
phòng - an ninh. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn, ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố cụ thể hóa thành bộ tiêu chí làng nông thôn mới phù hợp với đặc
điểm, điều kiện của từng địa phương để tổ chức thực hiện. Cho đến nay, các huyện,
thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành được bộ tiêu chí đánh giá mô
hình ở địa phương trên cơ sở 5 nhóm tiêu chí, bộ tiêu chí cụ thể, có thể có từ
15 đến 19 chỉ tiêu phù hợp với tình hình của địa bàn (3).
Tỉnh cũng xác định, năm 2018, mỗi huyện, thị xã, thành phố
có ít nhất 1 mô hình điểm làng nông thôn mới. Trước hết lựa chọn làng đã định
canh, định cư (để làng có cơ hội tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng
hóa, liên kết doanh nghiệp, gắn với phát triển du lịch, từ đó người dân được
tăng thêm thu nhập); làng có nhiều giá trị bản sắc văn hóa, giá trị về kiến
trúc bản địa (để xây dựng làng nông thôn mới kết hợp với phát triển du lịch nhằm
tăng thu nhập cho người dân và giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống tốt
đẹp của làng nông thôn mới). Cuối năm 2018 đã tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm
và triển khai thực hiện nhân rộng ra tất cả các làng đồng bào dân tộc thiểu số
trên địa bàn tỉnh.
Đến những chuyển biến tích cực...
Năm 2018, 28 làng thuộc 26 xã của 17 huyện, thị xã, thành phố
đăng ký xây dựng làng nông thôn mới. Các làng đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới
đã được ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn rà soát thực trạng,
xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện. Trong các kế hoạch, đề án triển
khai thực hiện của các địa phương đã xác định phương án xây dựng khu dân cư, lộ
trình và giải pháp lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện.
Sau một năm triển khai, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới
đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến đầu năm 2019, có 14 làng thuộc 11 huyện,
thị xã đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định, trong đó có huyện, thị xã đạt trên
hai làng, vượt so với chỉ tiêu, có những làng với sự tích cực của địa phương mặc
dù không đăng ký chỉ tiêu nhưng cũng đã hoàn thành việc xây dựng làng nông thôn
mới (4). Diện mạo của các làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi tích
cực, đã triển khai bố trí quy hoạch lại khu dân cư, đất khu nghĩa địa, đất ở của
các làng vào quy hoạch chung của xã; mở rộng, sắp xếp dân cư, lập bản đồ quy hoạch,
vận động nhân dân di dời nhà cửa để tạo cảnh quan và xây dựng các công trình
công cộng, mở rộng quy hoạch khu dân cư. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư.
Giao thông, thủy lợi được cải tạo, tu bổ, xây dựng, phục vụ đi lại, sản xuất
cho người dân, bảo đảm sử dụng điện an toàn và mỹ quan nông thôn; hệ thống hàng
rào, sân bê-tông, cột cờ, hội trường, nhà vệ sinh, nhà để xe, sân bóng đá, giếng
nước... được tu sửa, chỉnh trang, nâng cấp phục vụ nhu cầu của người dân... Nhiều
gia đình trong làng đã được hỗ trợ xây dựng mới, xóa nhà tạm, chỉnh trang, sửa
chữa. Kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung vào tập huấn cho
lao động, hỗ trợ xây dựng công trình sản xuất nông nghiệp, thực hiện mô hình tưới
nước tiết kiệm, hỗ trợ cây trồng, con giống cho người dân... Đến nay, đời sống
vật chất, tinh thần của phần lớn người dân trong làng được nâng lên rõ rệt, sản
xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến tích cực, góp phần
làm tăng thu nhập của người dân.
Đa số các làng đều có 100% số trẻ em trong độ tuổi được đi học
mầm non và tiểu học. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các làng đạt
trên 85%, một số làng đạt tỷ lệ 100%. Trong các làng đều có cán bộ y tế cơ sở
có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, trẻ em trong
độ tuổi được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng
thấp còi giảm.
Có 100% các làng được công nhận là “làng văn hóa”. Sinh hoạt,
tập quán của người dân trong làng từng bước thay đổi theo hướng văn minh, hàng
trăm hộ làm hàng rào trước nhà, xung quang nhà, di dời chuồng trại chăn nuôi ra
sau nhà, tự đào hố thu gom rác thải, không vứt rác bừa bãi, môi trường từng bước
được cải tạo sạch sẽ, ngăn nắp; xây dựng 4.350m hàng rào xanh, 2.400 m đường
hoa; nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung tại các làng, xây mới nhiều bể nước,
giếng nước hộ gia đình; hỗ trợ xây mới nhiều nhà tiêu hợp vệ sinh; trồng hàng
trăm cây ăn quả và cây xanh tại các công trình công cộng, tuyến đường, ngõ xóm
và xung quanh nhà ở của người dân để tạo cảnh quan môi trường nông thôn...
An ninh, trật tự trong làng được giữ ổn định, các hoạt động
văn hóa truyền thống được cải thiện và phát huy. Các hộ gia đình trong làng đều
được tiếp cận, phổ biến các thông tin quy định về pháp luật, phòng, chống bạo lực
gia đình; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không để phát sinh tình
trạng tảo hôn.
Tổng kinh phí các địa phương đã huy động để triển khai thực
hiện xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2018 là
hơn 70 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh lồng ghép từ
các chương trình là hơn 23 tỷ đồng, nguồn ngân sách cấp huyện hỗ trợ là hơn 24
tỷ đồng, cấp xã hỗ trợ là hơn 3 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hỗ trợ là hơn 1 tỷ đồng...
Một trong những tác động lớn của việc xây dựng làng nông
thôn mới là góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức của người dân; từ trông chờ, ỷ
lại sang chủ động, tự tin tham gia vào xây dựng nông thôn mới và trở thành
phong trào sâu rộng trong làng; từ đó huy động được nguồn lực không nhỏ từ dân
đóng góp cho xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức khác nhau, với hơn 7,8
tỷ đồng, huy động được gần 4.000 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao
thông, cổng chào, làm nhà rông, xây dựng các công trình phụ trợ, như nhà tắm,
nhà tiêu, bể chứa nước...
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc phối hợp các đoàn thể chính trị
- xã hội các cấp của tỉnh thực hiện tốt cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ,
cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền
vững”, tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân
chỉnh trang khuôn viên nhà ở, chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm, xử lý rác thải,
công trình vệ sinh, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; áp dụng khoa
học - kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, mạnh dạn đổi mới cách làm
ăn, những kỹ năng cần thiết trong việc tổ chức sản xuất, trong quản lý chi tiêu
và nuôi dạy con cái, tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... Các câu lạc bộ,
mô hình được thành lập, như “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5 - 10 triệu
đồng” được thành lập với hơn 1.000 thành viên, “Gia đình không có nạn tảo hôn,
hôn nhân cận huyết thống”, “Mỗi hộ có 1 vườn rau xanh và cây ăn trái”... về cơ
bản đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của người dân
địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến tháng 10-2019, trên địa bàn tỉnh
có thêm 14 làng hoàn thiện các tiêu chí về làng nông thôn mới (5).
Những kết quả tích cực trên khẳng định, mô hình “Làng nông
thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” là mô hình đặc trưng riêng, cách
làm đúng đắn, phù hợp với đặc thù của Gia Lai hiện nay, đem lại những chuyển biến
tích cực và tạo được sự đồng thuận cao của toàn dân, nhất là người dân vùng đồng
bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn tồn tại
một số hạn chế, như tỷ lệ hộ nghèo tại các làng còn cao; kết cấu hạ tầng hiện vẫn
chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới (nhất là đối với tiêu chí giao
thông và tiêu chí môi trường); việc liên kết sản xuất còn nhiều bất cập, ảnh hưởng
lớn đến việc tiêu thụ hàng nông sản, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người dân
cũng như việc định hướng đầu tư vào sản xuất; một số địa phương chưa xác định
được tiềm năng, lợi thế của mình trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ tập
trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa quan tâm, định hướng phát triển sản
xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; công tác di dời, sắp xếp lại
dân cư khó thực hiện do không có kinh phí hỗ trợ các hộ thực hiện di dời và
chia sẻ diện tích cho các hộ bị thiếu đất.
Nguyên nhân của hạn chế trên là do một bộ phận người dân vẫn
còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; trình độ dân trí còn thấp, ít
có khả năng tiếp cận khoa học - công nghệ để ứng dụng vào sản xuất; công tác
tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa vận động được người dân thay đổi tư duy sản
xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hình thức sản xuất hàng hóa, có liên kết tiêu thụ sản
phẩm; nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng làng nông thôn mới còn thiếu...
Nhà rông trong tổng thể làng Đê KJêng (xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Nguồn: vietnamplus.vn.
|
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình làng nông thôn mới
trong thời gian tới
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số
183/QĐ-UBND, ngày 17-4-2019, “Về việc ban hành Quy định Bộ tiêu chí thôn, làng
đạt chuẩn nông thôn mới; Quy trình xét công nhận, công bố thôn, làng đạt chuẩn
nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2020”. Đây là cơ sở quan trọng để phát huy những
kết quả tốt đã đạt được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, huy động nguồn
lực để xây dựng làng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, thời
gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân
tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là người dân
trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức phù hợp để tăng cường
tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Phát huy
vai trò của từng hộ gia đình trong xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng
bào dân tộc thiểu số để xây dựng được khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, có
kinh tế - xã hội phát triển, an ninh, trật tự bảo đảm. Đẩy mạnh phong trào thi
đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” đến các cấp, các ngành và toàn
thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh, huy động sức mạnh tổng hợp trong xây dựng
nông thôn mới, để xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số
trở thành một phong trào toàn dân. Thực hiện tích cực hơn cuộc vận động “Làm
thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn
lên thoát nghèo bền vững”.
Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng làng
nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phân công nhiệm vụ cụ thể
cho từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên đảm trách từng phần việc trong triển khai
xây dựng làng nông thôn mới. Tăng cường sự phối hợp của các phòng, ban chuyên
môn, phối hợp tích cực với địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng
mắc trong việc thực hiện. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ
làm công tác xây dựng nông thôn mới ở làng, như trưởng thôn, làng, người đứng đầu
các tổ chức, đoàn thể ở thôn, làng, người có uy tín trong cộng đồng...
Thứ ba, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu
tiên phát triển sản xuất; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự
án, các phong trào, cuộc vận động trên địa bàn xã, nguồn hỗ trợ của các doanh
nghiệp, các tổ chức, cá nhân để tạo nguồn lực tổng hợp tập trung xây dựng làng
nông thôn mới; tích cực giúp đỡ nông dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.
Thứ tư, gắn kết quả triển khai thực hiện xây dựng làng nông
thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào kết quả đánh giá thi đua,
khen thưởng hằng năm của các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên đổi mới phương thức
tổ chức thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết đánh
giá kết quả thực hiện; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình
tiêu biểu, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện xây dựng
làng nông thôn mới.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng, củng cố các tổ chức trong hệ thống
chính trị ở cơ sở vững mạnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn
thể nhân dân. Tăng cường tình đoàn kết giữa các tộc người trên địa bàn tỉnh Gia
Lai trong phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của người dân gắn với
bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Huy động sức mạnh toàn dân và huy động
mọi nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới./.
Phạm Thị Nhâm Anh
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
Nguồn Tạp chí Cộng sản
------------------------
(1),(3),(4) Báo cáo 19-BC/BCSĐUBND, ngày 20-02-2019, của
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số
12-CT/TU, ngày 13-02-2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo
của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào thiểu số
trên địa bàn tỉnh
(2) Báo cáo 88/BC-UBND, ngày 27-6-2019, của Ủy ban nhân dân
tỉnh Gia Lai, về Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền
vững giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh Gia Lai
(5) Báo cáo 128/BC-UBND, ngày 02-10-2019, của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia
Lai, tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai
“Làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - mô hình đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
16:01
Rating:
Không có nhận xét nào: