Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

Những kết quả nổi bật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X

Nhận thức vai trò to lớn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân. Tỉnh Gia Lai đã cụ thể hóa nghị quyết của Đảng thành Chương trình hành động cụ thể, phát động phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” trên phạm vi toàn tỉnh và đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể và 17/17 huyện, thị xã, thành phố tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, 07 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
tham quan vườn rau thủy canh của thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình
trong chuyến thăm và làm việc tại thị xã An Khê. Ảnh: GLO.

* Những kết quả nổi bật 

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 105,23%, lâm nghiệp đạt 100,55% và thủy sản đạt 102,4%. Phát triển nông nghiệp đã từng bước gắn kết với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm. Thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010. 

Lao động nông nghiệp chiếm khoảng 61,41% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đã qua đào tạo đạt trên 26% khắc phục một phần lao động nông nhàn thiếu việc làm; có 180 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, chiếm 98% (1)

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn từng bước được đầu tư hoàn thiện, nhất là hệ thống đường giao thông kiên cố gắn kết từ huyện về xã và đường liên xã, thủy lợi với hệ thống kênh mương xây mới bảo đảm nước tưới cho hàng ngàn ha đất canh tác rau màu, cây công nghiệp; trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của tỉnh. 

Từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, tổ chức các mô hình liên kết sản xuất, mô hình cánh đồng lớn, hợp tác kinh tế tập thể trong nông nghiệp rõ nét nhất trong sản xuất, tiêu thụ mía đường, cà phê và cung ứng vật tư nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, mía đường, sắn… một số cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh (cà phê, hồ tiêu, rau quả…) chuyển đổi theo hướng từng bước có hiệu quả cao.  

Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong 10 năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt được những thành tựu đáng kể, giai đoạn 2006 - 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,22% xuống còn 14,32% vào cuối năm 2009; giai đoạn 2010 - 2015 giảm từ 27,56% xuống còn 11,36% vào cuối năm 2015; giai đoạn 2016 - 2017 giảm từ 16,55% xuống còn 13,34% theo tiêu chí mới giai đoạn 2016 - 2020 (1).  

Công tác tuyên truyền đã lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, từ cán bộ, công chức, viên chức đến công nhân, nhân dân lao động. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, đoàn thể các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động, đăng ký tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức khác nhau, thu hút ngày càng nhiều các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện Chương trình. 

* Một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục 

Mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Gia Lai phấn đấu, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 37,25% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,57%, muốn vậy cần phải nhận diện và khắc phục một số tồn tại, hạn chế đó là: 

Công tác tuyên truyền chưa thực sự tạo điểm nhấn, còn dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách chung. Thông tin tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa thực sự khơi dậy tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bằng tiềm năng, trí tuệ để có cuộc sống sung túc hơn.

Một số địa phương chưa chủ động rà soát huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; còn trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước; một số địa phương việc đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung để hoàn thành dứt điểm các tiêu chí nông thôn mới. Việc chuyển đổi tập quán canh tác, đưa giống mới vào phục vụ sản xuất dẫn đến nguồn thu nhập nông hộ không cao, không tăng hơn, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Một số chính sách trong xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện (chính sách về hỗ trợ lãi suất vốn vay, áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới...).

Phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” ở một số địa phương chưa được duy trì liên tục, còn cầm chừng; chưa kịp thời sơ, tổng kết để nhân rộng nhiều mô hình cách làm hay, sáng tạo.

 * Một số bài học kinh nghiệm

Thứ nhất,  vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết cần thường xuyên, sâu sát, quyết liệt cùng với sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Thực tiễn cho thấy nơi nào người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể có quyết tâm chính trị cao và có giải pháp quyết liệt các bước đi cụ thể, phân công người chịu trách nhiệm từng tiêu chí, từng địa phương xây dựng nông thôn mới thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét. 

Thứ hai, công tác tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, sâu rộng, đa dạng hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng; chú trọng việc tuyên truyền đến hộ dân để người dân hiểu và tham gia thực hiện Chương trình. 

Thứ ba, xác định nhân dân là chủ thể trong xây dựng và phát triển nông thôn mới, lấy nền tảng sức dân là cơ bản, các ngành hỗ trợ, định hướng giúp các địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, tránh tư tưởng nóng vội chạy theo thành tích; phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân trong công cuộc phát triển nông thôn.

Thứ tư, việc xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thực chất, các tiêu chí đạt được phải bền vững; tránh hình thức xuê xoa, chạy theo thành tích và phải tạo ra sự hài lòng của người dân; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong nhân dân và xã hội, để phấn đấu đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 26-NQ/TW đã đề ra./.

ThS. DƯƠNG TRUNG KIÊN
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
Bài đăng trên Thông tin Sinh hoạt Chi bộ
của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai số tháng 3/2020

-----
(1) Tỉnh ủy Gia Lai: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Những kết quả nổi bật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 08:26 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.