Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 150 NĂM NGÀY SINH V.I.LÊNIN (22/4/1870 - 22/4/2020)

I. KHÁI QUÁT CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA V.I.LÊNIN

V.I.Lênin (1870-1924).
V.I.Lênin (Vladimir Ilych Lenin) sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk). Từ nhỏ V.I.Lênin đã bộc lộ là người có trí tuệ uyên bác, có nghị lực tự học rất cao; và là người sớm đón nhận học thuyết chủ nghĩa xã hội, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác và phương pháp cách mạng nhân dân. V.I.Lênin tốt nghiệp bậc Trung học đạt loại xuất sắc và được tuyển thẳng vào trường Đại học Tổng hợp Kazan, học khoa Luật. Vì tham gia tuyên truyền cách mạng trong sinh viên, V.I.Lênin bị đuổi học và bị phát lưu đến làng Kokushino Kazan. Trong vòng hai năm, Lênin đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa Luật.

Mùa thu 1895, V.I.Lênin thành lập Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng ở Saint Petersburg. Năm 1900, Lênin lại tập hợp những người Mácxít cách mạng để thành lập đảng. Cũng trong năm này, V.I.Lênin ra nước ngoài cùng với Plekhanov và lập ra tờ báo “Tia lửa”.

Tháng 4/1905, tại Luânđôn tiến hành Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga, V.I.Lênin được bầu là Chủ tịch Đại hội. Tại Đại hội này, Uỷ ban Trung ương đã được bầu do V.I.Lênin đứng đầu. Tháng 11/1905, V.I.Lênin bí mật trở về Saint Petersburg để lãnh đạo cách mạng Nga. Tháng 12/1907, V.I.Lênin sống ở nước ngoài tiếp tục đấu tranh bảo vệ và củng cố trong thời kỳ bí mật. Tháng 1/1912 lãnh đạo Hội nghị lần thứ VI (Praha) toàn Nga Đảng Công nhân xã hội dân chủ. Tháng 6/1912 từ Paris chuyển về Krakov lãnh đạo tờ Pravda (Sự thật). Thời kỳ này, V.I.Lênin soạn thảo xong Đề cương Mácxít về vấn đề dân tộc. Cuối tháng 7/1914, bị cảnh sát Áo bắt nhưng sau đó ít lâu được trả lại tự do và đi Thụy Sĩ. Trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ I, V.I.Lênin đưa ra khẩu hiệu biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng.

Ngày 16/4/1917, V.I.Lênin đến Petrograd để trình bày Luận cương Tháng Tư thực chất là một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu: “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô Viết!”. Hội nghị lần thứ VII toàn Nga (tháng 4/1917) của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga đã nhất trí thông qua đường lối do V.I.Lênin đề ra.

Đầu tháng 8/1917, Đại hội lần thứ VI Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga họp bán công khai ở Petrograd, V.I.Lênin tuy không tham dự nhưng vẫn lãnh đạo Đại hội tiến hành và thông qua đường lối phải khởi nghĩa vũ trang giành lấy chính quyền. Đầu tháng 10/1917, V.I.Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Petrograd.

Ngày 23/10/1917, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của V.I.Lênin đề ra được Hội nghị Uỷ ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua. 

Tối ngày 6/11/1917, V.I.Lênin đến Cung điện Smolnưi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến rạng sáng ngày 7/11/1917, toàn thành phố Saint Petersburg  nằm trong tay những người khởi nghĩa, và đến đêm ngày 7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời. Tại Đại hội các Xô Viết toàn Nga lần thứ II, V.I.Lênin được bầu là Chủ tịch Hội đồng các Uỷ viên nhân dân (Hội đồng Dân uỷ).

Ngày 11/3/1918, V.I.Lênin cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ Xô viết trở về Moskva lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân lao động nước Nga Xô viết chống sự can thiệp quân sự của nước ngoài và lực lượng phản cách mạng trong nước trong việc lãnh đạo quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. V.I.Lênin thi hành chính sách đối ngoại Xô Viết, đề ra những nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia có chế độ xã hội khác nhau. 

Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị của khóa huấn luyện quân sự toàn dân 25-5-1919. Ảnh: Tư liệu.

Ngày 30/8/1918, V.I.Lênin bị ám sát và bị thương nặng, nhưng sau đó ít lâu sức khoẻ hồi phục. Tháng 3/1919, Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Nga đã thông qua Cương lĩnh mới của Đảng, V.I.Lênin được bầu là Chủ tịch Uỷ ban soạn thảo Cương lĩnh mùa xuân năm 1920. Thời gian này, V.I.Lênin soạn thảo xong kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội (công nghiệp hóa đất nước, hợp tác hóa giai cấp nông dân, cách mạng văn hóa) là người sáng lập ra Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga (GOELRO), người đề ra chính sách kinh tế mới (NEP). Năm 1921, chính sách NEP của V.I.Lênin được thông qua tại Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga.

Ngày 21/4/1924, V.I.Lênin qua đời ở làng Gorki, gần Thủ đô Moskva. Thi hài Người được lưu giữ trong Lăng trên Quảng trường Đỏ, Moskva.

Sự ra đi của V.I.Lênin để lại niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Xô viết và giai cấp vô sản trên thế giới. 54 tuổi đời, gần 30 hoạt động vì sự nghiệp cao cả,  V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người. Với những di sản tư tưởng, lý luận để lại cho nhân loại tiến bộ, V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sỹ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”. Những tư tưởng, lý luận quý báu của Người đã, đang được Đảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.

II. CÔNG LAO, CỐNG HIẾN VĨ ĐẠI CỦA V.I.LÊNIN ĐỐI VỚI LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

1. Sáng lập học thuyết Đảng kiểu mới, Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân

Một trong những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với sự nghiệp phát triển của học thuyết Mác, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân là lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.

V.I.Lênin cho rằng “Đảng tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân”, là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp công nhân, là một bộ phận ưu tú nhất, giác ngộ cách mạng nhất, mang bản chất của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho mục tiêu, lý tưởng, lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng là cách mạng vô sản, lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản. Hình thức và tính chất đấu tranh của Đảng không chỉ đơn thuần là đấu tranh kinh tế, mà cơ bản hơn là đấu tranh chính trị.

V.I.Lênin nêu ra những nguyên tắc cơ bản về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân gồm: lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân; là “trí tuệ, danh dự và lương tâm đối với quần chúng; tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, đoàn kết thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng; tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng và phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng; chủ nghĩa Quốc tế Vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng.

Để bảo đảm vai trò lãnh đạo và giữ vững bản chất công nhân của Đảng, V.I.Lênin cho rằng, Đảng phải quan tâm đến công tác thanh đảng vì đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng. Theo Người, mục đích thanh đảng là loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn khiêu khích, thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; công khai đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn. Thanh đảng nhằm vào đối tượng bè phái chống Đảng; những phần tử tuyên truyền quan điểm chống Đảng; những đảng viên gian giảo, quan liêu, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt; bọn tham ô, ăn cắp; bọn người lập ra hết ban này ban nọ mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào, tức là những đảng viên có phẩm chất đạo đức xấu và yếu kém về năng lực. V.I.Lênin cho rằng, việc thanh đảng cần được thực hiện dưới nhiều hình thức như: đăng ký lại đảng viên, động viên ra khỏi Đảng... Những kẻ đê tiện lẩn lút trong Đảng, hiếp đáp quần chúng thì cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kiên quyết khai trừ ra khỏi Đảng, xử lý dứt điểm theo pháp luật tương xứng với tội lỗi đã gây ra.

Những luận điểm của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới là sự khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết Mác-Ăngghen về Đảng Cộng sản, đặt cơ sở cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Bôsêvích Nga và hàng loạt các Đảng Cộng sản sau này, đồng thời là tiêu chuẩn khoa học để phân biệt chính Đảng Mác xít của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.

2. Lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực với nước Nga Xô viết, làm cho Đảng Cộng sản lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội

Với tư cách là Lãnh tụ của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917, V.I.Lênin là người mác-xít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết. Dưới ngọn cờ của V.I.Lênin, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã... Tên tuổi vĩ đại của V.I.Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Chính V.I.Lênin là người đã làm cho chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực; lần đầu tiên trong lịch sử thế giới Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. 

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại đã bắt đầu. Đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở ra con đường phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc đứng lên đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

3. Tổng công trình sư đầu tiên của những phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết, đặc biệt là chính sách kinh tế mới (NEP)

Nước Nga trong những năm 1917 - 1921 thực hiện“Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến” với cơ sở nền kinh tế phi hàng hóa, phân phối sản phẩm trực tiếp, đã tiến hành quốc hữu hóa công nghiệp, thương nghiệp, trưng thu lương thực thừa của nông dân, đình chỉ tự do buôn bán và trao đổi sản phẩm ở địa phương… Chính sách cộng sản thời chiến đã bộc lộ những sai lầm tạo ra tình trạng khủng hoảng vô cùng trầm trọng, dẫn đến tình hình cực kỳ nguy hiểm cho nước Nga Xô Viết, làm cho quần chúng lao động, nhất là công nhân và nông dân thất vọng. V.I.Lênin đã kịp thời phát hiện ra sai lầm đó, với tinh thần phê phán nghiêm khắc đối với bệnh giáo điều, xa rời tình hình cụ thể của nước Nga, Người đã chỉ ra chính sách kinh tế mới (NEP), với nội dung cụ thể, như:

- Tăng cường cơ sở kinh tế của liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân, kiến lập mối quan hệ đúng đắn giữa công nghiệp xã hội chủ nghĩa với kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ của nông dân thông qua việc sử dụng rộng rãi quan hệ hàng hóa - tiền tệ dưới sự kiểm soát của Nhà nước nhằm phát triển lực lượng sản xuất, cho phép phát triển và hướng kinh tế tư bản vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước khi những đỉnh cao của nền kinh tế vẫn nằm trong tay nhà nước để phát triển công nghiệp lớn.

- Khẳng định, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có thể chia thành nhiều bước quá độ, có thể quá độ trực tiếp chuyển sang quá độ gián tiếp, có thể từ đường thẳng chuyển sang đường vòng; kiên nhẫn áp dụng những giải pháp quá độ, trung gian, từ từ, hết sức thận trọng, nếu cần có thể thử nghiệm.

- Các dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội mà không phải là nước tư bản phát triển cao thì phải thừa nhận nền kinh tế hàng hóa, thừa nhận quy luật giá trị, nhiều thành phần của nền kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, phân phối, áp dụng cơ chế hạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh, sử dụng các đòn bẩy kinh tế như kích thích lợi ích vật chất, thưởng, phạt, khoán, thuế… giải quyết đúng đắn các quan hệ hàng - tiền, cung - cầu, kế hoạch - thị trường…Phải thỏa hiệp với tiểu nông, vận dụng đúng đắn chế độ hợp tác, mạnh dạn sử dụng tri thức và chuyên gia tư sản, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đây là vấn đề mà Mác và Ăngghen trước kia hoàn toàn chưa đặt ra.

- V.I.Lênin đã nêu lên vị trí, vai trò của Chủ nghĩa tư bản nhà nước trong Chính sách kinh tế mới (NEP) đó là: Chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là “phòng chờ”, “nấc thang” đi tới chủ nghĩa xã hội; là quá trình tập trung hoá và xã hội hoá lực lượng sản xuất một cách tất yếu, khách quan, gắn liền với các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại, quá trình thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước phải nghiêm túc, có nguyên tắc, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của lực lượng sản xuất toàn xã hội. V.I.Lênin khẳng định, sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước là tất yếu, hợp quy luật, sinh ra từ chính nhu cầu nội tại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là kết quả của các quan hệ thị trường, thiết lập liên minh kinh tế. Tính tất yếu của sự ra đời chủ nghĩa tư bản nhà nước là do cạnh tranh gay gắt của nền sản xuất và tái sản xuất hàng hoá mở rộng tác động đến quy mô tư bản cá biệt hoặc công ty cổ phần, mâu thuẫn đối kháng bên trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa biểu hiện ra ngoài là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Để Nhà nước vô sản có vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức và quản lý cao cấp, có các quan hệ kinh tế xã hội hoá, theo Lênin, chỉ có thông qua quan hệ hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa và công ty mới hoàn thành được nhiệm vụ thời đại.

Với “Chính sách kinh tế mới” V.I.Lênin không chỉ thuần túy đem chính sách thuế lương thực thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến, dùng lợi ích kinh tế, vật chất như một đòn bẩy, tạo động lực làm nảy sinh tính tích cực lao động của công nhân, nông dân và mọi người lao động nói chung trong buổi đầu xây dựng nhà nước. Nhờ đó đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, làm cho chính quyền Xô viết non trẻ đứng vững và nước Nga xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hồi sinh. Song sâu xa hơn, đó còn là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xã hội để thúc đẩy phát triển; đồng thời gợi mở lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đó là phải dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan và đáp ứng nhu cầu lợi ích của người lao động.

III. VẬN DỤNG SÁNG TẠO TƯ TƯỞNG CỦA V.I.LÊNIN VÀO  THỰC TIỄN CÁCH MẠNG VIỆT NAM

1. Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội

Khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước đã thôi thúc  Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Người đã gặp được Sơ thảo lần thứ nhất về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Khi đọc Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin, Người cảm động:“Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo:“Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Tiếp nhận những tư tưởng, luận điểm sâu sắc từ V.I.Lênin, nhất là tư tưởng về quyền các dân tộc bình đẳng, về cách mạng vô sản… và bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga; bằng trí tuệ và kinh nghiệm sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến khẳng định:“con đường duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những tư tưởng của V.I.Lênin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga là cái “cẩm nang thần kỳ” nhưng không sao chép, mà Người tiếp thu cái tinh thần và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Những thắng lợi vĩ đại và thành tựu có ý nghĩa to lớn, lịch sử trên con đường cách mạng Việt Nam hơn 90 năm đã để lại cho Đảng và Nhân dân ta những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu. Một trong những bài học lớn của Đảng ta và của Bác Hồ, là bài học độc lập tự chủ trong việc xem xét đánh giá đúng tình hình, trong việc vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, trong việc học tập kinh nghiệm của các nước. Đó là bài học bắt nguồn từ tư duy biện chứng, tư duy sáng tạo của Lênin. Trong bất kỳ thời kỳ nào của cách mạng nếu biết vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có sáng tạo thì chúng ta giành được thắng lợi; ngược lại, nếu xa rời tư duy biện chứng, nếu giáo điều rập khuôn thì nhất định sẽ mắc sai lầm và không tránh khỏi những tổn thất nhất định.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen; Đảng và nhân dân ta luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cơ sở luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; coi đây là biểu hiện sinh động nhất của sự kiên định vận dụng sáng tạo quan điểm thống nhất trong nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản.  

Trung thành, kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định Đảng và Nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra, vì mục tiêu cao cả“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2. Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế

Một trong những di sản quý báu nhất của V.I.Lênin để lại cho nhân loại đó là Chính sách kinh tế mới (NEP), bởi trong đó thể hiện tầm nhìn và tư tưởng vượt thời đại của Người. Đó là về tính tất yếu phải phát triển kinh tế nhiều thành phần, về việc áp dụng chính sách thuế lương thực thay cho chính sách cộng sản thời chiến, về luân chuyển cán bộ từ trung ương về địa phương, về thực hiện các hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước; đó là tô nhượng và hợp tác xã, về việc coi trọng người nông dân và phát triển kinh tế nông thôn, về phát triển kinh tế tri thức. Những tư tưởng của V.I.Lênin đã soi sáng nhận thức, tư duy của Đảng và nhân dân ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà trọng tâm là đường lối phát triển kinh tế của đất nước. 

Vận dụng sáng tạo “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của V.I.Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Đảng đã đổi mới tư duy, khởi xướng và lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định nền kinh tế nước ta có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời cũng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thương quốc tế. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt về nhận thức nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ là một nền kinh tế nhiều thành phần, đã được khẳng định từ Đại hội VI của Đảng và tư tưởng này được các đại hội từ Đại hội VII đến nay kế thừa và đặc biệt gần đây nhất là các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung và hoàn thiện với nhiều nội dung, biện pháp, chính sách mới. Không những thế, tư tưởng của NEP còn được Đảng ta phát triển, mở rộng ở tầm cao mới, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Như vậy, từ “Chính sách kinh tế mới” của V.I.Lênin, Đảng ta không chỉ tìm tòi, vận dụng sáng tạo, mà còn phát triển, mở rộng lên một tầm cao mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gần 35 năm qua.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang được triển khai mạnh trên toàn thế giới; sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta muốn tiếp tục đạt được những thành tựu vĩ đại, đòi hỏi các cấp, các ngành và nhân dân phải sáng tạo, vượt qua những khái niệm giáo điều, những thói quen xơ cứng, tìm tòi những biện pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể đất nước, không rập khuôn, máy móc, bảo thủ, trì trệ, luôn đề cao tính cầu thị, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, không ngừng vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp tư tưởng của V.I.Lênin vào thực tiễn với một số giải pháp, đó là: Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc biệt là cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, quan tâm nhiều hơn tới sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và phải quyết liệt cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; quan tâm đầu tư hỗ trợ cho các chương trình đào tạo khởi nghiệp ở mọi cấp, mọi ngành; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, quan tâm chăm lo hơn nữa tới đời sống của nông dân.

3. Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức

V.I.Lênin đã sớm nhận thấy sức mạnh của tổ chức đảng đối với cách mạng vô sản. Trong tác phẩm “Làm gì”, Người đã viết: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên”. Cái “tổ chức” V.I.Lênin đề cập đến chính là “những người cách mạng”, một “lực lượng” những người có đủ năng lực thực sự để tham gia vào cuộc cách mạng vĩ đại. Người nhấn mạnh: “Muốn trở thành một lực lượng chính trị như thế trước con mắt công chúng thì phải cố gắng rất nhiều và bền bỉ để nâng cao tính tự giác, óc sáng kiến và nghị lực của chúng ta lên, chứ chỉ đem dán cái nhãn hiệu “đội tiên phong” vào lý luận và thực tiễn của đội hậu vệ thì không đủ”. Nói cách khác, V.I.Lênin yêu cầu phải có lực lượng những người cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, những người cán bộ có đủ tri thức, năng lực và phẩm chất để có thể thực thi những trách nhiệm công tác nặng nề trong tổ chức. Khi những con người có lý tưởng cách mạng, có năng lực công tác được tập hợp thành một tổ chức hợp lý, chặt chẽ sẽ tạo nên một sức mạnh cải tạo cách mạng. Và để “tổ chức” ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ, đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng. V.I.Lênin đã chỉ rõ:“Không có một Đảng sắt thép được tôi luyện trong đấu tranh, không có một đảng được sự tín nhiệm của tất cả những phần tử trung thực trong giai cấp…, không có một đảng biết nhận xét tâm trạng quần chúng và biết tác động vào tâm trạng đó thì không thể tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh ấy được”. Đồng thời, Đảng phải giữ vững mối liên hệ mật thiết với đông đảo quần chúng nhân dân, phải giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, phải thường xuyên củng cố những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng.

Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác xây dựng Đảng. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã ban hành 4 nghị quyết và 01 quy định; Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 124 văn bản (nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, kế hoạch, hướng dẫn...) để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhờ đó, bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên, đặc biệt trước mọi khó khăn, thách thức, Đảng luôn vững vàng và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả. Bản chất, lập trường giai cấp công nhân của Đảng được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên; tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có tiến bộ; việc ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến rõ nét. 

Để tiếp tục xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cần tiếp tục học tập, thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhận thức và hành động. Trước hết, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường sự lãnh đạo và đoàn kết, thống nhất trong Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đề cao pháp luật của Nhà nước; chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. 

4. Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin với việc xây dựng tổ chức và bộ máy của toàn hệ thống chính trị Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

V.I.Lênin đã khẳng định Nhà nước kiểu mới của nhân dân lao động hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phải đủ sức kiểm kê, kiểm soát toàn bộ các hoạt động kinh tế, quản lý hữu hiệu toàn bộ đời sống xã hội. Để Nhà nước làm tốt chức năng cơ bản là tổ chức xây dựng xã hội mới, theo V.I.Lênin, điều quyết định nhất là thu hút được đông đảo nhân dân tham gia vào các công việc quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thiết thực cho nhân dân có thể giám sát được hoạt động chính quyền của mình từ Trung ương đến cơ sở. Theo Người: “Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta… chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”. V.I.Lênin yêu cầu phải kiên quyết tinh giảm bộ máy cắt bỏ những bộ phần thừa theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”. Người cho rằng, có tình trạng “thừa” những con người không biết làm gì để bộ máy hoạt động năng động và có hiệu quả, nhưng lại rất thiếu những người thành thạo biết quản lý nhà nước. V.I.Lênin đòi hỏi phải tăng sức sống cho bộ máy bằng cách đưa vào đó “trước hết, những công nhân tiên tiến và sau đó những phần tử thực sự có học thức mà người ta có thể tin chắc rằng họ sẽ không tin một lời nào, không nói một lời nào trái với lương tâm của họ”. Phải học cách quản lý Nhà nước, kể cả học những cái hay trong khoa học quản lý nhà nước của các nước tư bản tiên tiến.

Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt gần đây, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này, như: Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, đến nay tổ chức bộ máy toàn bộ hệ thống chính trị Nhà nước đã có những chuyển biến theo hướng đáp ứng với những đòi hỏi đặt ra của thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Một số cơ quan, tổ chức mới được thiết lập, một số cơ quan, tổ chức không còn phù hợp đã được giải thể hoặc sáp nhập vào các cơ quan, tổ chức thích hợp. Trong nội bộ nhiều cơ quan, tổ chức cũng có những thay đổi về bộ máy, nhân sự theo hướng ngày càng hợp lý hóa với những điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi. Một số cơ quan nhà nước, nhất là Quốc hội, đã được tăng cường các điều kiện, nguồn lực, ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò và trách nhiệm. Các quy định, chế độ, hành lang pháp lý cho hoạt động của hệ thống chính trị được bổ sung, phát triển, v.v.. Những kết quả quan trọng trong công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, những đổi mới về thể chế là một những điều kiện cơ bản, quan trọng làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều vấn đề đang đặt ra trong công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Để công tác xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Nhà nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả cơ bản và to lớn hơn nữa; cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập, quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể: Tiếp tục đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội, về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong điều kiện mới;  không ngừng nghiên cứu, làm rõ nhận thức lý luận về vai trò, phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới; nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới; xây dựng và thực hiện chiến lược mới về công tác cán bộ.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 150 NĂM NGÀY SINH V.I.LÊNIN (22/4/1870 - 22/4/2020) Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 14:59 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.