Gia Lai: 45 mùa xuân hòa bình, dựng xây và phát triển
Một góc TP. Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên. |
Cách đây 45 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối vào ngày 30/4/1975, đưa cả nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Có được thắng lợi vẻ vang này chính là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần xả thân vì độc lập, tự do cho Tổ quốc của các thế hệ cha anh, của đồng bào trên mọi miền đất nước, trong đó có nhân dân các dân tộc Gia Lai đã chịu đựng biết bao gian khổ, hy sinh, viết thêm trang sử, truyền thống vẻ vang của vùng đất Gia Lai anh hùng.
Bước ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc (1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Gia Lai bắt tay xây dựng tỉnh nhà trong hoàn cảnh nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu do hậu quả chiến tranh và tàn dư của chế độ thực dân mới với ý thức tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, gian khổ, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã đồng sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng Gia Lai thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
Dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước và tỉnh nhà. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên và chính sách đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; các chương trình, mục tiêu quốc gia, các chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống. Những chủ trương, chính sách đó như một đòn bẩy, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung.
Từ một địa phương tập trung căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Sau 45 năm xây dựng và phát triển, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 17 đơn vị hành chính, gồm: 01 thành phố, 02 thị xã và 14 huyện); dân số trên 1,5 triệu người. Từ chỗ du canh, du cư, “phát đốt, chọc, trỉa”, đến nay đồng bào dân tộc địa phương đã biết làm lúa nước 2 vụ/năm. Tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh lúa nước, mía, mì, bắp lai và cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, cao su...; hình thành hệ thống thuỷ lợi hiện đại phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Chăn nuôi phát triển với các dự án lai cải tạo đàn bò, nạc hoá đàn heo, nuôi cá nước ngọt...
Các công trình thủy điện, trong đó có thủy điện lớn và nhỏ như: Ia ly, Ayun Hạ, Sê San 3, 4, An Khê - Knak... Các khu công nghiệp dần thành hình và đi vào hoạt động ổn định như Khu Công nghiệp Trà Đa, Khu công nghiệp Diên Phú. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng từ 35,6 tỷ đồng (năm 1991) lên 825 tỷ đồng (năm 2003); năm 2010 gấp 3,35 lần năm 2005, gấp 8,4 lần so với năm 2000; bình quân từ 2010-2013, tăng 16,09%/năm; đến năm 2020, GRDP đạt 82.198 tỷ đồng gấp 1,67 lần so với 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng.
Từ sau giải phóng đến năm 1991, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 40 tỷ đồng, năm 2001 đạt 256 tỷ đồng, năm 2010 đạt 2.300 tỷ đồng, đến hết năm 2019 đạt gần 5.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 19,5 triệu đồng, gấp 3,82 lần so với năm 2005, gấp 6,5 lần so với năm 2000.
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 36,44%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28,95%, dịch vụ chiếm 34,61%. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được những thành tựu quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được cải thiện đáng kể. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 27,56%, đến nay chỉ còn dưới 4,5%. 100% xã có điện sinh hoạt, có điện thoại và có đư¬ờng ô tô đến trung tâm xã; trên 90% thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số được định canh, định cư ổn định; nhà ở đã được xây dựng mới và sửa chữa khang trang hơn; cơ bản giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, 95% hộ sử dụng điện, 80% hộ ở nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; một số công trình nhà máy lớn, khu đô thị mới, nhà cao tầng, bến xe, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học, cơ sở văn hoá... được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Mạng lưới hoạt động và chất lượng các dịch vụ thương mại, du lịch, ngân hàng, vận tải, viễn thông ngày càng phát triển.
Quốc phòng - an ninh được củng cố và triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được củng cố vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở; phát huy dân chủ và thực hiện tốt đoàn kết trong Đảng, quan tâm chỉ đạo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Trong những năm gần đây, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo được dư luận tốt và sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Hoạt động đối ngoại của tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tích cực phối hợp thực hiện theo đúng đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Những kết quả đạt được từ sau ngày giải phóng đến nay là những thành quả to lớn đã làm cho Gia Lai đổi mới nhanh chóng từ thành thị đến nông thôn, đời sống nhân đã ngày càng được cải thiện về mọi mặt, an ninh chính trị, tiềm lực quốc phòng không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Thành tựu này thể hiện rõ truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh cùng nhau chung tay xây dựng quê hương Gia Lai đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững và ngày càng giàu đẹp.
Giữ vững truyền thống anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong thời kỳ đổi mới, trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2020; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; quan tâm chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường; tăng cường hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lập thành tích thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, địa phương, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII./.
LÊ PHAN LƯƠNG
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai
Bài đăng trên Đặc san Tư tưởng - Văn hóa Gia Lai số tháng 4/2020
Gia Lai: 45 mùa xuân hòa bình, dựng xây và phát triển
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
16:50
Rating:
Không có nhận xét nào: