Phát triển, ổn định bền vững vùng Tây Nguyên: Thành tựu và những vấn đề đặt ra
Một góc TP. Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên. |
Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận số 12- KL/TW ngày
24-10-2011 của Bộ Chính trị, khóa XI (Kết luận 12) về tiếp tục thực hiện Nghị
quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ
2011-2020, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát
triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN), giữ vững ổn định
chính trị-xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Những thành tựu đó là minh chứng khẳng định sự lãnh đạo đúng
đắn, sáng suốt của Đảng. Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu thực tế của phóng
viên Báo Quân đội nhân dân, quá trình thực hiện Kết luận 12 còn không ít khó
khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh, cần tập trung tháo gỡ, khắc phục, điều
chỉnh, để phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững theo tinh thần Kết luận
12.
Bảo đảm “an ninh chủ động”, giữ bình yên buôn làng
Kết luận 12 xác định: Phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp
đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị vững
mạnh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội…; ngăn chặn, làm thất bại âm mưu phục hồi
tổ chức, phát triển lực lượng FULRO, “Tin lành Đề ga”... Quá trình thực hiện
Kết luận 12, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên chú trọng xây dựng
hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, vì dân; đổi mới, nâng cao năng lực
lãnh đạo, quản lý điều hành; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các
đoàn thể, tổ chức quần chúng, giữ vững an ninh trật tự (ANTT) từ cơ sở.
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon
Tum, Lâm Đồng, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với hơn 50 dân tộc
cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 40%
dân số toàn vùng.
Lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho gia đình ông Rơ Mah Hanh (làng Klũh Yẻh, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Thanh Tịnh/GLO. |
Trong sự kiện gây rối ANTT, biểu tình, bạo loạn ở Tây Nguyên
các năm 2001 và 2004, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắc Lắc từng là một “điểm nóng”. Các
thế lực thù địch và bọn phản động FULRO đã lôi kéo, kích động, xúi giục một số
người dân gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài
sản Nhà nước, vượt biên trái phép để “không phải làm, mà vẫn được sống sung sướng
ở nước ngoài”- như lời một số đối tượng cầm đầu dụ dỗ, hứa hẹn... Sự việc đã
lùi xa, nhiều năm qua, huyện Cư M’Gar giờ đây không có “điểm nóng” về ANTT,
nhưng việc gần dân, nắm dân, giữ vững ANTT từ cơ sở, từ mỗi buôn, làng vẫn luôn
là bài học mang tính thời sự.
Đưa chúng tôi đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế
cho thu nhập cao, nhiều mô hình do hộ đồng bào DTTS làm chủ, đồng chí Nay
H’Nan, Phó bí thư Huyện ủy Cư M’Gar tâm đắc: Để giữ vững ANTT từ cơ sở, cấp ủy,
chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm nắm chắc tình hình mọi mặt ở địa
phương, trong nhân dân, ở từng buôn, làng; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn
thể trong tuyên truyền vận động nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở;
chủ động ngăn chặn, không để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục bà
con làm các việc vi phạm pháp luật. Những năm qua, 100% xã, thị trấn của huyện
đều đạt vững mạnh về QP-AN, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH.
Kết luận 12 của Bộ Chính trị xác định: “Tây Nguyên vẫn là địa
bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch”. Từ nhận định đó và thực tế
địa bàn, những năm qua, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng ở Tây Nguyên
đã chủ động đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, xử lý các đối tượng chống phá, đồng
thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo sự xúi giục,
kích động của kẻ xấu; chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Trao đổi với
chúng tôi, Đại tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc cho rằng:
Tình hình chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua cơ bản giữ được ổn định,
nhờ các cấp quán triệt, nhận thức đúng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP),
an ninh. Cơ quan quân sự, công an làm tốt vai trò tham mưu, tăng cường bám nắm
địa bàn, phối hợp chặt chẽ các lực lượng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống.
Với phương châm “ngăn chặn từ sớm từ xa, giữ vững buôn
làng”, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng các huyện Đức Cơ, Mang Yang (tỉnh
Gia Lai) và nhiều địa phương khác trong tỉnh thực hiện tốt mô hình “an ninh chủ
động”. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an, các ban,
ngành, đoàn thể… tăng cường về cơ sở thực hiện “ba cùng” với dân; kịp thời phát
hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn phản
động FULRO; chủ động gặp những người nhẹ dạ bị kẻ xấu lôi kéo, kích động để
tuyên truyền, vận động họ yên tâm ở quê nhà làm ăn và cam kết không tái phạm.
Ông A Uin, ở làng Kret Krot, xã H’Ra, huyện Mang Yang, bộc bạch:
Trước đây, một số người dân địa phương nhẹ dạ, trót nghe theo kẻ xấu, chống đối
chính quyền, vượt biên trái phép, vi phạm pháp luật. Được cán bộ, các già làng,
người có uy tín, cán bộ Mặt trận… tuyên truyền, vận động, bà con đã thấy cái
sai của mình, nhận rõ âm mưu thủ đoạn nham hiểm của bọn người xấu và không tin,
không nghe theo chúng nữa; tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước.
Tìm hiểu thực tế tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc…,
chúng tôi thấy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng đã chủ
động phối hợp, nắm chắc tình hình, tăng cường công tác nghiệp vụ, đấu tranh
ngăn chặn, làm thất bại âm mưu phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng của tổ chức
phản động FULRO và âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”; phát hiện, bóc
gỡ các đối tượng hoạt động cơ sở ngầm của lực lượng FULRO lưu vong; xử lý
nghiêm một số tổ chức đội lốt tôn giáo để hoạt động chống phá và những đối tượng
cầm đầu các tà đạo, nhất là đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn.
LLVT Quân khu 5, Quân đoàn 3 và các đơn vị quân đội, công an
trên địa bàn cử hàng trăm đội công tác chuyên trách và không chuyên trách, gồm
những cán bộ, chiến sĩ, tuyên truyền viên có kiến thức, kinh nghiệm làm công
tác dân vận, biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào DTTS
đến các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT để tuyên truyền, vận động. Các địa
phương có nhiều giải pháp hiệu quả trong bảo đảm an ninh nông thôn, xử lý kịp
thời các vụ việc phức tạp về khiếu kiện, tranh chấp đất đai, chặt phá rừng trái
phép; đưa một số đối tượng FULRO bị bắt, hoặc ra đầu thú đã được cảm hóa, giáo
dục, có chuyển biến tốt đi tuyên truyền trong nhân dân và tố cáo âm mưu, thủ đoạn
lừa gạt của những đối tượng cầm đầu.
Với tổng số gần 7.800 buôn, làng, tổ dân phố, trong đó hơn
2.800 buôn, làng có đồng bào DTTS sinh sống, nên buôn, làng là một bộ phận rất
quan trọng, là địa bàn chủ yếu cấp cơ sở ở Tây Nguyên. Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên
Trung ương Đảng, Phó chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng
định: Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp vùng DTTS và miền núi,
trong đó có địa bàn Tây Nguyên đã tích cực huy động sự tham gia, phát huy vai
trò của các già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS
trong tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
đến các tầng lớp nhân dân, xây dựng, duy trì các thiết chế tự quản ở cơ sở;
gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo,
xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đ/c Dương Văn Trang - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai (hàng trước, thứ 2 từ trái qua) gặp gỡ các già làng, người có uy tín. Ảnh: Đức Thụy/GLO. |
Là cán bộ nhiều năm gắn bó với địa phương, cơ sở, đồng chí
Nguyễn Cảnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc Lắc cho biết: Năm 2019, các
bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương trong vùng đã Tổng kết 10 năm thực
hiện "Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên". Hơn
3.000 già làng các dân tộc Tây Nguyên, cùng với các trưởng thôn, bản, người có
uy tín trong đồng bào DTTS thực sự là “trụ cột” của buôn làng, là chỗ dựa quan
trọng, “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, luôn gương mẫu đi đầu
trong các phong trào ở địa phương.
Từ chia sẻ của đồng chí Nguyễn Cảnh, chúng tôi về xã Cuôr Dăng,
huyện Cư M’Gar (Đắc Lắc) và được nghe nhiều câu chuyện về các già làng, người
có uy tín tích cực tuyên truyền vận động đồng bào nêu cao cảnh giác trước âm
mưu thủ đoạn chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực
thù địch, phản động. Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường trong buôn vừa được bà
con đóng góp kinh phí lắp điện thắp sáng, ông Y Ven Kriêng, trưởng buôn Aring,
phấn khởi khoe: Các già làng, người có uy tín ở địa phương phát huy tốt vai trò
tự quản ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết, vận động người dân tham gia giữ
gìn ANTT và thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình, xây
dựng NTM, góp phần để năm 2017, xã Cuôr Dăng được UBND tỉnh Đắc Lắc công nhận đạt
chuẩn NTM.
Nhờ xây dựng, phát huy hiệu quả các mô hình, phong trào tự
phòng, tự quản, như: “Ba phòng, ba chống”, “Ba tự quản”, “Khu dân cư an toàn”,
“Tiếng kẻng an ninh”, “Liên gia tự quản”…, các già làng, trưởng thôn, người có
uy tín trên địa bàn Tây Nguyên kịp thời nắm bắt thông tin, cung cấp cho lực lượng
chức năng hàng nghìn tin có giá trị về ANTT, giúp phát hiện, đấu tranh có hiệu
quả với hoạt động của lực lượng FULRO lưu vong, các đối tượng cầm đầu các tà đạo,
hoặc có hành vi vi phạm pháp luật...
Theo cơ quan chức năng, những năm qua, các thế lực thù địch
trong và ngoài nước nhiều lần dụ dỗ, lôi kéo, kích động một bộ phận quần chúng ở
gần 100 buôn làng, gần 40 xã thuộc hơn 10 huyện, thành phố của các tỉnh Gia
Lai, Kon tum Đắc Lắc, Đắc Nông… chống đối chính quyền, vượt biên trái phép; âm
mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”, quốc tế hóa “vấn đề người Thượng” ở
Tây Nguyên… Bằng nhiều giải pháp chủ động, hiệu quả của các cấp chính quyền và
lực lượng chức năng, âm mưu, thủ đoạn của chúng đã kịp thời bị phát hiện, đấu
tranh, vạch trần và bị thất bại. Qua đó, đồng bào các dân tộc càng đề cao cảnh
giác, không mắc mưu kẻ xấu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa
bàn giữ được ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tạo thuận lợi cho
phát triển KT-XH.
Củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, vì dân
Kết luận 12 của Bộ Chính trị chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém
trên địa bàn Tây Nguyên, cần sớm khắc phục như: Hệ thống chính trị cơ sở còn
thiếu hiệu lực; một số nơi nắm dân không chắc, nắm tình hình hoạt động của
FULRO chưa tốt; cấp ủy, chính quyền cơ sở có nơi còn yếu kém, còn tình trạng
quan liêu, xa dân. Phát triển kinh tế chưa kết hợp tốt với giải quyết các vấn đề
xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chưa chăm lo đúng mức đến sản
xuất, đời sống của đồng bào DTTS…
Từ thực tế trên, trong triển khai thực hiện Kết luận 12,
lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên xác định, xây dựng cơ sở chính trị vững
mạnh vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là đòi hỏi cấp bách. Theo đồng chí Lê
Năng Hảo, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc, trong Chương trình thực hiện
Kết luận 12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc xác định: Quan tâm chỉ đạo xây dựng,
kiện toàn, củng cố vững chắc chính quyền cơ sở; xây dựng các thôn, buôn vững mạnh
toàn diện; thực hiện tốt các quy ước, hương ước bảo đảm ANTT... Xây dựng tổ chức
cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, quan tâm phát triển đảng viên cũng chính là
góp phần khẳng định, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với các mặt
công tác, các lĩnh vực tại địa phương”.
Trở lại xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’Gar, nơi đồng bào dân tộc Ê
Đê chiếm hơn 80% dân số, chúng tôi thấy rõ sự “thay gia, đổi thịt” của vùng đất
một thời từng là “điểm nóng” về ANTT. Đồng chí H’Nuer Nie, Bí thư Đảng ủy xã
cho biết: Để phát huy vai trò của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ Mặt trận
và các đoàn thể luôn được địa phương chăm lo xây dựng, kiện toàn đủ về số lượng,
chất lượng, làm tốt vai trò tham mưu và trực tiếp tuyên truyền vận động đồng
bào các dân tộc, tạo đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa
phương.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận, những năm qua, cấp
ủy, chính quyền các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển
KT-XH, gắn với bảo đảm ANTT và vận động đồng bào theo phương châm: “Tỉnh bám
xã, huyện bám buôn, xã bám từng hộ dân”. Những năm trước, khi xảy ra vụ việc phức
tạp, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng… đã cử hàng trăm cán bộ là
người DTTS, cán bộ người Kinh biết tiếng dân tộc, có kinh nghiệm làm công tác
dân vận tham gia các tổ, đội công tác vận động quần chúng. Cũng nhờ tăng cường
đi cơ sở, lắng nghe ý kiến của chính quyền cơ sở và người dân, lãnh đạo tỉnh
Lâm Đồng thêm nắm chắc tình hình, từng bước giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi
cộm ở làng người dân tộc Mông di cư tự do tại xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông),
hay những khó khăn lâu nay của đồng bào DTTS ở xã Đồng Nai Thượng- xã vùng sâu,
vùng xa nhất của huyện Cát Tiên.
Là cán bộ trưởng thành từ quân đội, nhiều năm gắn bó với Tây
Nguyên, đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia
Lai thường dành nhiều thời gian đi cơ sở, nhất là về địa bàn vùng sâu, vùng xa,
vùng đồng bào DTTS… để kiểm tra, nắm tình hình, lắng nghe ý kiến của cán bộ,
chính quyển cơ sở, MTTQ và người dân; kịp thời giúp đỡ, giải quyết, tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc; chỉ đạo nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả. Đồng chí cũng
thường xuyên chỉ đạo và yêu cầu cán bộ các cấp trong tỉnh phải hướng mạnh về cơ
sở; thực hiện gần dân, hiểu dân, lo cho dân, giải quyết rốt ráo những vấn đề bức
xúc, kiến nghị của bà con. Sự gắn bó máu thịt của cán bộ, đảng viên, chiến
sĩ LLVT… với đồng bào chính là “cầu nối” Đảng với dân, góp phần xây dựng “thế
trận lòng dân” vững chắc.
Thời gian qua, tỉnh Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên
tăng cường chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, nhất là những vụ việc
liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo, đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng…,
từng bước khắc phục dứt điểm những yếu kém, tồn tại kéo dài; xử lý nghiêm minh
những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất, đạo đức, thiếu trách nhiệm, gây
phiền hà, sách nhiễu nhân dân, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong suy nghĩ,
hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực
thi nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Huy Châu, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia
Lai cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh, huyện phụ
trách 54 xã, phường, thị trấn và hơn 250 thôn, làng trọng điểm; phân công đảng
viên thuộc cấp ủy cấp trên về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, làng, khu dân cư; vận
động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia giúp đỡ hiệu quả các xã khó
khăn phát triển KT-XH… Đồng bào có đạo trên địa bàn cũng đồng tình, phấn khởi
trước chủ trương của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong
thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tôn giáo, trong
đó có đạo Tin Lành hoạt động ổn định, lành mạnh, đúng pháp luật.
Trong các buổi làm việc và đưa chúng tôi đi tìm hiểu thực tế
cơ sở, đồng chí Lê Năng Hảo, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc luôn nhấn mạnh
việc tập trung lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở (TCCS) đảng và phát triển
đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa,
vùng đồng bào dân DTTS, đồng bào có đạo... Đồng chí cho rằng, những năm qua, hệ
thống chính trị ở cơ sở và chất lượng TCCS đảng ở thôn, buôn tại Đắc Lắc, cũng
như các tỉnh Tây Nguyên được củng cố, đã thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo,
sức chiến đấu của TCCS đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối
với các mặt công tác, các lĩnh vực tại địa phương, nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo
bám dân, nắm chắc tình hình ở cơ sở và đề xuất hướng giải quyết hiệu quả.
Theo cơ quan chức năng, năm 2010, còn một số lượng không nhỏ
các buôn, làng ở Tây Nguyên chưa có đảng viên và tổ chức Đảng, thì đến cuối năm
2019, toàn vùng có hơn 99,9% số buôn, làng có chi bộ đảng; hơn 99,8% buôn, làng
có đảng viên là người DTTS tại chỗ. Cấp ủy các địa phương cũng quan tâm xây dựng
cán bộ cốt cán, tạo nguồn phát triển đảng trong đồng bào tôn giáo và vùng DTTS;
tăng cường công tác dân vận, mặt trận ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp, xung
yếu; tổ chức nhiều lớp học tiếng của các DTTS (Giarai, Êđê, Xơ Đăng, Mnông, Ba
Na…) cho cán bộ các sở, ban, ngành, mặt trận và các tổ chức đoàn thể; từng bước
khắc phục tình trạng cán bộ công tác ở vùng đồng bào DTTS, nhưng không biết tiếng
của đồng bào.
Thay cho lời kết của bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời
của đồng chí Y Ngoăn Eban, Bí thư Chi bộ buôn Kroc, xã Cuôr Đăng, huyện Cư
M’Gar: “Chi bộ buôn được củng cố vững mạnh; từng đảng viên nêu cao tính tiền
phong gương mẫu; chi bộ phân công cụ thể từng đảng viên theo dõi, giúp đỡ các hộ
nghèo, khó khăn và đã giúp được gần 30 hộ thoát nghèo. Bà con thêm tin yêu những
“cán bộ của Đảng”, cán bộ Mặt trận, đoàn thể… luôn gần dân, sâu sát cơ sở, thấu
hiểu và chia sẻ những khó khăn của đồng bào, qua đó tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo,
điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương”.
“Tập trung kiện toàn bộ máy đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người DTTS trong bộ máy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; đề cao vai trò của già làng, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong đồng bào DTTS… Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…” (Trích Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, kèm theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18-2-2014).
Tháng 2-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, khóa XI (Kết luận 12) về
tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW phát triển Tây Nguyên thời kỳ
2011-2020, trong đó xác định: “Đến năm 2020, xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng
kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước,
có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc…; sớm đưa nông
thôn Tây Nguyên thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát triển bền vững.”
Những năm qua, việc triển khai, cụ thể hóa Kết luận 12 và Kế
hoạch của Thủ tướng Chính phủ được các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các tỉnh
Tây Nguyên tiến hành chủ động, sáng tạo, đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước
xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm, thu hẹp khoảng cách phát
triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của vùng so với cả nước.
Phát triển nông lâm, nghiệp bền vững gắn với thế mạnh của
vùng
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-
PTNT), Tây Nguyên có tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai (toàn vùng có 2 triệu
hecta đất sản xuất nông nghiệp); có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa
lý khá thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, cơ
giới hóa, áp dụng công nghệ cao. Hiện toàn vùng có gần 610.000ha cà phê (chiếm
90% diện tích cà phê cả nước); hồ tiêu có 90.000 ha (chiếm hơn 60%); điều có
83.000 ha (chiếm 28%); cao su hơn 250.000ha (chiếm 26%); bơ có 2,8 nghìn ha
(chiếm hơn 82%); sầu riêng có 12,6 nghìn ha (chiếm 34%); vùng rau, hoa tại Lâm
Đồng có hơn 30% diện tích được sản xuất theo hướng công nghệ cao... Tây Nguyên
trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung một số sản phẩm chủ lực, là vùng
chuyên canh lớn cây công nghiệp, cây ăn quả, góp phần quan trọng trong tổng kim
ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước, đồng thời từng bước hiện thực
hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm.
Cán bộ Công ty 72 – Binh đoàn 15 hướng dẫn bà con đồng bào DTTS ở xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai chăm sóc cà phê. |
Đồng chí Đào Quốc Luân, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ
NN-PTNT cho biết: Những năm qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương cả
nước, trong đó có vùng Tây Nguyên, để chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ,
giải pháp tái cơ cấu chuyển dịch mô hình phát triển nông lâm nghiệp vùng Tây
Nguyên, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ vậy, giai đoạn 2011-2019,
nông nghiệp Tây nguyên tiếp tục duy trì được tăng trưởng khá, góp phần nâng cao
thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Từ năm
2016-2019, giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản vùng Tây Nguyên tăng bình
quân 6,5% (giai đoạn 2006-2010 tăng 5,21%).
Kết luận 12 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên
thời kỳ 2011-2020, xác định: “Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi
cho các vùng sinh thái đặc thù; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa có
quy mô lớn, gắn với thế mạnh của vùng theo hướng nông nghiệp chất lượng cao,
công nghệ sạch và có giá trị gia tăng cao…; tập trung phát triển các ngành công
nghiệp mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm sản”. Trên cơ sở đó,
Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương trong vùng đã ban hành một số cơ chế
chính sách quan trọng, đặc thù, tạo “cú huých” về tăng trưởng, phát triển kinh
tế, cải thiện đời sống của người dân vùng Tây Nguyên, nhất là đối với đồng bào
dân tộc thiểu số (DTTS).
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Cảnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo
Tỉnh ủy Đắc Lắc, chúng tôi được biết: Để đưa Kết luận 12 vào cuộc sống, Tỉnh ủy
đã ban hành Chương trình số 10-CTr/TU ngày 11-1-2012; UBND tỉnh có Quyết định số
1053/QĐ-UBND ngày 14-5-2012; tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế chính sách phát
triển kinh tế trên địa bàn. Trong gần 10 năm (2010-2019), tăng trưởng kinh tế của
tỉnh đạt bình quân 8,48% năm; quy mô, chất lượng nền kinh tế tiếp tục được nâng
lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Quy mô
nền kinh tế của tỉnh năm 2020 ước khoảng 62.500 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2015,
tăng 2,04 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 22,46
triệu đồng, năm 2020 ước đạt 54,21 triệu đồng. Tỉnh đang tích cực phối hợp với
các bộ, ban, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để xây dựng Đắc Lắc trở
thành trung tâm của Tây Nguyên và là tỉnh đứng đầu khu vực...
Theo lãnh đạo tỉnh Gia Lai, nhờ triển khai chủ động, sáng tạo
Kết luận 12 và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng xây dựng kế hoạch thực
hiện phù hợp với thực tế địa phương, nên kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc.
Năm 2019, có 19/21 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra đạt và vượt kế hoạch; tốc
độ tăng trưởng tổng sản phẩm tăng 8,16% so với năm 2018; thu nhập bình quân
đầu người năm 2019 đạt hơn 49 triệu đồng/người (năm 2018 là 45,36 triệu
đồng/người).
Với phương châm “Vượt qua thách thức, tạo động lực, đột
phá…”, trong những năm qua, đặc biệt năm 2019, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của
tỉnh Lâm Đồng đều đạt và vượt so với kế hoạch; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch
theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch
vụ. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng (cao hơn nghị
quyết đề ra); tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 1% so với năm 2018…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, cũng như
tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, những năm qua, việc phát
triển nông nghiệp tại một số địa phương vùng Tây Nguyên chưa khai thác hiệu quả
tiềm năng, thế mạnh; việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp
chủ yếu dừng ở khâu sản xuất và sơ chế thô. Đặc biệt, việc người dân phát triển
ồ ạt, tự phát một số cây công nghiệp lợi thế kinh tế trước mắt (cà phê, hồ
tiêu…) đã phá vỡ quy hoạch, dẫn đến nhiều hệ lụy về KT-XH, môi trường sinh thái
và sự phát triển bền vững, nhất là khi năng suất và giá bán cà phê, hồ tiêu, mủ
cao su… giảm mạnh, cùng những tác động bất lợi do thời tiết khí hậu diễn biến cực
đoan.
Từ thực tế đó, yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Tây
Nguyên, gắn với thế mạnh của từng vùng theo hướng phát triển nông nghiệp chất
lượng cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, bền vững theo tinh thần Kết
luận 12 đặt ra cấp thiết, nhất là cần có chiến lược phát triển bền vững cây
công nghiệp, từng bước đưa Tây Nguyên thành vùng trọng điểm cây ăn quả của cả
nước, tạo thế mạnh mới của nông nghiệp Tây Nguyên. Trong chuyến khảo sát cuối
năm 2019, chúng tôi thấy, Vùng Tây Nguyên đã và đang bắt đầu chuyển mình, nhờ
cách làm hay, sáng tạo trong chuyển đổi cây trồng để thích nghi với điều kiện
khí hậu, thổ nhưỡng...
Cùng cán bộ huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc, chúng tôi đến thăm
một số gia đình nông dân làm kinh tế giỏi ở thị trấn Quảng Phú. Bà Nguyễn Thị
Thái Hà- một “tỷ phú” bơ, sầu riêng trên vùng đất này, chia sẻ: “Để tăng thu nhập,
tôi lựa chọn nhóm cây ăn quả có giá trị cao, như bơ, bưởi da xanh, sầu riêng…
trồng xen vào các vườn cà phê. Đến nay tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của
gia đình là gần 22ha, với 5.000 cây cà phê, 15.000 gốc hồ tiêu, hơn 800 gốc bưởi
da xanh, hơn 1.000 gốc sầu riêng..; năm 2019, nguồn thu của gia đình từ cây sầu
riêng đạt gần 7 tỷ đồng".
Theo chủ các hộ gia đình nông dân có thu nhập cao ở huyện Cư
M’gar, do hạn hán ngày càng nghiêm trọng, nên việc chuyển sang trồng xen canh
cây bơ, sầu riêng, mít, bưởi… là phù hợp, vì các loại cây này chịu được hạn, giảm
chi phí so với trồng cà phê, hồ tiêu, lại cho giá trị kinh tế cao. Cùng với đó,
để ứng phó với hạn hán ngày càng gay gắt, nhiều hộ dân trong vùng đã mạnh dạn đầu
tư hệ thống công nghệ tưới nhỏ giọt cho diện tích cây trồng, với mức đầu tư khoảng
50 triệu đồng/ha, giúp tiết kiệm khoảng 50% lượng nước tưới, giảm 80% công lao
động; giảm nhiều chi phí về điện năng, hao mòn máy móc so với cách tưới thông
thường.
Xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc là một trong những
vùng cà phê nổi tiếng và từng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng cà phê rớt
giá. Tuy nhiên, mấy năm gần đây kinh tế của xã đã tìm được hướng đi mới, hiệu
quả, bền vững hơn, bằng việc trồng xen cây sầu riêng, cây bơ… vào các vườn cà
phê. Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày xã có hàng chục xe container đến nhập hàng.
Ông Ngô Văn Tam, một nông dân của xã cho biết, mấy năm nay, ông và các nhà vườn
ở địa phương trúng mùa lớn. Mỗi mỗi hécta trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà
phê cho thu nhập bình quân hơn 700 triệu đồng/năm. Cây bơ, sầu riêng trồng xen
lại trở thành cây chủ lực. Hướng đi bền vững được các hộ dân triển khai là trồng,
chăm sóc sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP; cây kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất,
chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường.
Đến nay, riêng tỉnh Đắc Lắc đã xây dựng 7 mô hình sản xuất
nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP; có 3 mô hình được kết nối theo chuỗi, sản
phẩm được bày bán tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Các mô hình còn lại đang đẩy
mạnh sản xuất để duy trì nguồn hàng ổn định nhằm hướng đến kết nối theo chuỗi với
các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị. Tỉnh cũng đã chuyển gần 6.000ha trồng
cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Với quan điểm “thay đổi để thích nghi”, Tây Nguyên đã nhanh
chóng hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, Đắc
Lắc, Kon Tum... đạt hiệu quả cao. Chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng, có hơn 50% diện tích
trồng rau, hoa; 25% diện tích chè được ứng dụng công nghệ cao. Theo các chuyên
gia, nhà quản lý, thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền
nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, có giá trị gia tăng cao, gắn với đẩy mạnh
chế biến sâu các sản phẩm nông lâm nghiệp, tăng cường kết nối vùng…, là hướng
đi chủ đạo để đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao hàng
đầu của cả nước.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo “mũi nhọn” đột phá
Thực hiện Kết luận 12, những năm qua, Chính phủ và các địa
phương trong vùng Tây Nguyên đã có những giải pháp đột phá, tập trung huy động
nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp; chuyển dịch
mô hình phát triển nông lâm nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề
án của Chính phủ về phát triển KT-XH trong toàn vùng, giải quyết kịp thời những
vấn đề bức thiết.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, nhiều công trình thủy lợi đã
được Nhà nước và địa phương quan tâm đầu tư phục vụ phát triển sản xuất và sinh
hoạt của nhân dân vùng Tây Nguyên, nhất là ở vùng khó khăn, vùng DTTS. Đến nay,
toàn vùng có gần 2.400 công trình thủy lợi, trong đó, có 1.190 hồ chứa, 972 đập
dâng, 130 trạm bơm và các công trình nhỏ khác, với diện tích tưới hơn 200.000
ha. Một số công trình lớn do Bộ NN và PTNT quản lý đã được đầu tư xây dựng,
như: Dự án hồ Đạ Lây, hồ Ka La, Đắk Lông Thượng (tỉnh Lâm Đồng); hồ Ia Ring, Ia
MLá, Ia Mơ (tỉnh Gia Lai); hồ Ea Suop Thượng, Krông Buk Hạ, Krông Pach Thượng (
tỉnh Đắc Lắc)…
Được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng, Nhà nước, các bộ,
ngành Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (trước đây), cùng nỗ lực, chủ động của
cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, nhất là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nên
các tỉnh Tây Nguyên đã đổi thay rõ rệt về hạ tầng KT-XH, đặc biệt là hệ thống
giao thông, thủy lợi, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; môi trường đầu tư được
cải thiện rõ rệt. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, các tỉnh
trong vùng đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà vùng
có thế mạnh, như: Chế biến nông lâm sản theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia
tăng; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khai thác năng lượng tái tạo
(điện mặt trời, điện gió); du lịch sinh thái-văn hóa… Quá trình hoạt động (từ
năm 2002 đến 2017), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tích cực nghiên cứu, đề xuất các
cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp phát triển KT-XH, giải quyết các vấn đề bất
cập, khó khăn cho vùng Tây Nguyên; cùng các tỉnh trong vùng phát huy nội lực và
sức mạnh đoàn kết, đưa kinh tế toàn vùng tăng trưởng bình quân hằng năm (GRDP)
hơn 10%, vốn đầu tư phát triển hằng năm tăng khoảng 20%. Với 4 lần phối hợp tổ
chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Nguyên, Ban đã góp phần
tích cực, giúp các tỉnh thu hút hàng trăm dự án đầu tư, với tổng số vốn hàng
nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn đầu
tư vào các tỉnh Tây Nguyên tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006 - 2010; cả 5 tỉnh
trong vùng đều quy hoạch và xây dựng được khu công nghiệp tập trung; phần lớn
các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều có cụm công nghiệp, góp phần giải
quyết việc làm, tăng thu nhập cho số lượng đáng kể lao động tại chỗ của địa
phương. Đáng chú ý, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước đối với
các tỉnh trong vùng đều tăng mạnh, ngay cả với các tỉnh còn nhiều khó khăn như
Đắk Nông, Kon Tum.
Cuối năm 2019, chúng tôi có dịp tham dự “Sự kiện Trình diễn,
kết nối cung-cầu công nghệ” (Techdemo) 2019, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp
với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tại TP Pleiku; có sự kết hợp giữa hoạt động kết nối
cung cầu công nghệ với các dự án xúc tiến đầu tư của tỉnh Gia Lai. Tại sự kiện
này, đã có 12 biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác chuyển giao công nghệ được
ký kết với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng; 10 dự án được trao quyết định chủ
trương đầu tư và trao ghi nhớ đầu tư tại tỉnh Gia Lai, với tổng vốn đầu tư gần
20.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai Khu
công nghiệp Nam Pleiku, Khu công nghiệp tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ
Thanh, các cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố… để thu hút các nhà đầu
tư vào sản xuất kinh doanh. Tỉnh cũng tập trung thực hiện những đột phá quan trọng,
gồm: Đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi
giá trị; phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp năng lượng tái tạo;
hình thành các vùng nguyên liệu để kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế,
các nhà đầu tư tham gia phát triển công nghiệp, chế biến sâu các sản phẩm nông
lâm nghiệp; đẩy mạnh phát triển du lịch, bởi tỉnh có tiềm năng lớn trong lĩnh vực
này.
Cùng các cán bộ tỉnh Đắc Lắc về cơ sở, chúng tôi chứng kiến
sự đổi thay nhanh chóng ở nhiều địa phương, nhất là tạo đột phá về quy hoạch,
xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân
và kết nối vùng Tây Nguyên, như: Dự án đường Hồ Chí Minh; nâng cấp các quốc lộ
14, 26, 27, 29, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột… Đồng chí Huỳnh Văn Tiến, Phó
giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắc Lắc, khẳng định: Sự quan tâm đầu tư của
Nhà nước và đẩy mạnh thu hút đầu tư đã góp phần để kinh tế Đắc Lắc phát triển
nhanh, bền vững, xứng đáng là địa bàn trung tâm, động lực phát triển của vùng
Tây Nguyên. Đặc biệt, Đắc Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh
lớn về năng lượng tái tạo là điện mặt trời, điện gió (số giờ nắng từ 2.200 đến
2.600 giờ/năm). Riêng tại Đắc Lắc, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 24 dự án điện
mặt trời với tổng số vốn đăng ký hơn 50.000 tỷ đồng, một số dự án đã đi vào hoạt
động, phát huy hiệu quả; nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát xây dựng dự án điện
gió.
Gia Lai cũng là một trong những tỉnh tiên phong trong vùng về
triển khai các dự án điện mặt trời; đến nay đã có hơn 20 nhà đầu tư đăng ký 33
dự án điện mặt trời với tổng công suất gần 4.000 MW. Các dự án năng lượng tái tạo
có quy mô tổng cộng khoảng 7.000 MW, được coi là động lực lớn cho sự phát triển
của Gia Lai. Còn với tỉnh Đắc Nông, riêng tại huyện Cư Jút, đã có hai dự án nhà
máy điện mặt trời công suất lớn được xây dựng. Theo đánh giá của lãnh đạo các địa
phương và các nhà đầu tư, phát triển điện mặt trời, điện gió là hướng đi có
tính đột phá, mang lại hiệu quả KT-XH cao hơn hẳn so với sản xuất nông lâm nghiệp,
nhất là ở những địa phương nghèo, đất đai khô cằn, nhưng giàu tiềm năng về nắng
và gió.
Những năm qua, Ban chấp hành đảng bộ các tỉnh Tây Nguyên đều
có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) phù hợp với thực
tế địa phương, nhất là tạo chuyển biến rõ nét, thực chất ở vùng dân tộc thiểu số
(DTTS) và các xã đặc biệt khó khăn. Theo đồng chí Châu Ngọc Tuấn, Phó bí thư Tỉnh
ủy Gia Lai: Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường sự lãnh
đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn.
Đây là cách làm riêng, đột phá của tỉnh. Qua hai năm thực hiện, đã tạo đổi thay
căn bản ở nhiều làng DTTS; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản;
khu dân cư và nhà ở của người dân được quy hoạch sắp xếp lại hợp lý, khoa học;
nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai; đời sống của người dân được cải thiện
rõ rệt, đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của bà con vùng DTTS, không trông chờ,
ỷ lại mà chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM.
Tháng 8-2016, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số
04-NQ/TU về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới;
trong đó, phân công các sở, ban, ngành, LLVT, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
tham gia kết nghĩa xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, xã trọng điểm về quốc
phòng-an ninh; chỉ đạo các huyện, thành phố phân công các cơ quan, đơn vị cấp
huyện tham gia kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào DTTS. Các cơ quan, đơn vị
kết nghĩa của tỉnh, huyện đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ giúp các xã đặc biệt
khó khăn thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng hệ thống
chính trị, bảo đảm ANTT địa bàn; phấn đấu đến hết năm 2020 giảm khoảng 30% xã đặc
biệt khó khăn trong tỉnh.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2019, vùng Tây Nguyên
có 245/599 xã (chiếm 37,73%) đạt chuẩn NTM ( trong đó Đắc Nông 16/61 xã; Lâm Đồng
100/116 xã; Gia Lai 58/184 xã; Kon Tum 19/86 xã; Đắk Lắk 52/152 xã); có 2 đơn vị
cấp huyện đạt chuẩn NTM là huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và TP Pleicu, tỉnh
Gia Lai. Hệ thống giao thông đã phát triển đến 100% trung tâm xã; điện lưới quốc
gia đạt 99%. Tập trung đẩy nhanh xây dựng NTM cũng là để khai thác lợi thế, tiềm
năng của vùng Tây Nguyên, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển KT-XH của
vùng so với cả nước, nhất là ở các xã nghèo, vùng đồng bào DTTS, theo tinh thần
Kết luận 12 của Bộ Chính trị.
“Nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, gắn với thế mạnh của vùng Tây Nguyên theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sạch và có giá trị gia tăng cao. Đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội…; tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản”. (Trích Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị).
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI (Kết luận 12)
về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX phát triển
vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 xác định: Quy hoạch và đầu tư thích đáng phát
triển hạ tầng nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất,
tinh thần của nhân dân; đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng công
tác định canh, định cư, kết hợp hỗ trợ với tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức,
kiến thức và kỹ năng về sản xuất hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)
…
Quán triệt tinh thần đó, các đơn vị quân đội trên địa bàn
Tây Nguyên luôn sát cánh, đồng hành cùng nhân dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu,
vùng xa, biên giới, vùng đồng bào DTTS; tăng cường đoàn kết các dân tộc và có
nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH),
giúp bà con có cuộc sống ngày càng no ấm, ổn định.
Nói dân nghe, làm dân tin
Từ TP Pleiku (Gia Lai), vượt chặng đường hơn 80km, chúng tôi
đến “đại bản doanh” của Công ty 74 (Binh đoàn 15). Biết chúng tôi có chuyến khảo
sát, tìm hiểu về thực hiện Kết luận 12 trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là việc
giúp đồng bào DTTS dựng xây cuộc sống mới, Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc
Công ty 74 giới thiệu: “Địa bàn biên giới Đức Cơ trải dài, bộ đội đơn vị luôn
“4 cùng” với dân, giúp đồng bào DTTS bằng cả tấm lòng. Các anh cứ thâm nhập,
tìm hiểu để biết cuộc sống, tâm tư tình cảm của bà con…”.
Về cơ sở, tìm hiểu về “4 cùng” của bộ đội (cùng ăn, cùng ở,
cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), người đầu tiên chúng tôi gặp là già làng
Kpuih Peo, dân tộc Gia Rai ở làng Đo, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai-nơi
đứng chân của Đội sản xuất số 9, Công ty 74. Gặp chúng tôi, già làng bộc bạch:
“Ngày trước, người Gia Rai mình ở đây thường đốt nương làm rẫy. Cái rẫy hết
màu, cây lúa, cây ngô không lớn được thì lại đi tìm cánh rừng khác. Cái ăn vào
miệng thì bốc bằng tay, nên cái bệnh cũng từ đó mà sinh ra nhiều. Nhưng từ ngày
có “bộ đội bảy tư” về làng, mọi thứ đều đã khác...”.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 273(Quân đoàn 3) giúp nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại xã KDang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Sơn Tùng. |
Trao đổi với Thượng tá Đặng Anh Dũng, Chủ nhiệm Chính trị
Binh đoàn 15, chúng tôi được biết, không riêng Công ty 74, mà địa bàn các Công
ty 72, 78, 75, 715 quản lý đều có những khó khăn như vậy. Thời gian đầu
các công ty về đứng chân, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống cán bộ, công nhân
và đồng bào DTTS gặp rất nhiều khó khăn. Với tinh thần “không để bà con đói khổ”,
Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 đã lãnh đạo, chỉ đạo các công ty tăng cường “3
bám” (bám dân, bám rừng, bám buôn làng), thực hiện “4 cùng” với đồng bào, từng
bước mở rộng diện tích vườn cây, tuyển con em người địa phương vào làm công
nhân; bằng nhiều giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm,
chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người lao động.
Các đơn vị của Binh đoàn 15 đã chủ động đầu tư nhân lực, cơ
sở vật chất, kinh phí xây dựng phát triển các khu dân cư, tạo điều kiện cho bà
con yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Công ty 72 khai hoang
16ha đất trồng lúa nước và bàn giao cho bà con DTTS ở các xã Ia Nan, Ia Bnôl
(huyện Đức Cơ); Công ty 74 cho dân “mượn” một phần diện tích tái canh cao su để
trồng lúa nương, ngô, đậu tương; Công ty 715 đẩy mạnh sản xuất gắn với xây dựng
làng công nhân biên giới...
Đến Công ty Cà phê 15 (Quân khu 5) - đơn vị có nhiều đóng
góp cùng địa phương phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, câu chuyện của
Đại tá Bùi Xuân Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc công ty với chúng tôi bắt đầu
từ những ngày các anh “chân ướt, chân ráo” lên thực hiện công trình dự án thuộc
các Khu Kinh tế-quốc phòng (KT-QP) Cư M’gar và Quảng Sơn. Ngày ấy, địa bàn các
xã Ea Sin, Cư Dliê M’Nông, huyện Cư M'gar, Đắc Lắc đặc biệt khó khăn. Ngay từ đầu,
công ty chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm phục vụ phát triển KT-XH và
dân sinh như: Xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho gần 850ha cà phê; đầu tư
hơn 450 triệu đồng mua 6.000 cây điều giống tặng đồng bào DTTS ở xã Ea Sin;
giúp bà con trồng mới và chăm sóc gần 100ha rừng đầu nguồn; quản lý bảo vệ
5.740ha rừng tự nhiên; trồng thí điểm gần 15ha chè Catimo, 85ha cao su...
Với phương châm “bám dân, giữ đất, giữ buôn làng”, các cơ
quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5, Binh đoàn 15, Quân đoàn 3 và Bộ chỉ huy
BĐBP các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng cường thực hiện “3 bám, 4 cùng” với dân; chú
trọng đầu tư phát triển các công trình trọng điểm thiết yếu phục vụ đời sống của
đồng bào như: Xây dựng hệ thống thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, trại cây
giống, con giống; sắp xếp, bố trí lại các cụm dân cư… Cán bộ, chiến sĩ cũng xây
dựng, nhân rộng các mô hình mẫu phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, là
minh chứng sống động để người dân, nhất là đồng bào DTTS được “mắt thấy, tai
nghe”, từ đó tin tưởng, học tập, làm theo.
Chăm lo an dân, gắn kết nghĩa tình các dân tộc
Trưởng thành từ người công nhân, gắn bó với đơn vị và địa
bàn Tây Nguyên suốt gần 35 năm qua, Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15
hiểu tường tận về sự lớn mạnh của binh đoàn, sự phát triển, đi lên của các địa
phương nhờ hiện thực hóa các các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước,
trong đó có Kết luận 12 về phát triển vùng Tây Nguyên. Đồng chí tâm sự: “Với
phương châm: “Lấy ổn định an ninh chính trị làm trọng tâm; lấy đời sống của người
dân làm đầu” và quan điểm: “Lo cho dân như lo cho mình”, từ khi thành lập, binh
đoàn đã chủ trương “Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và
xây dựng khu dân cư đến đó”, ưu tiên tuyển lao động tại chỗ, lao động là người
DTTS; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động và chăm lo về mọi mặt, hỗ trợ bà
con phát triển kinh tế gia đình, yên tâm gắn bó, bám trụ trên những vùng đất mới.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ chỗ chỉ có gần 5.000 lao động
với 3 cụm và 21 điểm dân cư, cùng hơn 1.700 hộ vào thời điểm năm 1990, đến nay,
Binh đoàn 15 có hơn 17.000 lao động (trong đó hơn 7.000 lao động là người DTTS
tại chỗ); đã xây dựng được 10 cụm, gần 270 điểm dân cư dọc biên giới với hàng vạn
nhân khẩu. Các thôn, làng mới thành lập không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào
DTTS thay đổi cuộc sống, mà còn củng cố khu vực vành đai biên giới vững mạnh.
Cánh đồng lúa nước do Công ty 72 (Binh đoàn 15) khai hoang, bàn giao cho bà con dân tộc ở xã Ia Bnôl (huyện Đức Cơ, Gia Lai) canh tác. |
Đến các địa phương ở Tây Nguyên, chúng tôi được nghe bà con
kể về việc Binh đoàn 15 đã đề ra và thực hiện tốt “công thức: suối - dân - bộ đội”.
Theo đó, từ mép suối trở lên 100 đến 150m là đất tốt, gần nguồn nước, thì dành
cho dân sản xuất; còn ở phía trên, các khu đất ít thuận lợi hơn, bộ đội sẽ nhận
làm, tức là nhận phần khó về mình. Thành công của Binh đoàn 15 là đã cùng chính
quyền các địa phương biến những vùng rừng núi dân cư thưa thớt, hoặc không có
dân, những vùng đất hoang hóa, nghèo đói, chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh,
thành những “phòng tuyến xanh” ngút ngàn rừng cây công nghiệp, những khu dân
cư, buôn làng trù phú-nơi gắn kết tình quân-dân, đoàn kết lương-giáo, đoàn kết
các dân tộc...
“Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội
sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào
DTTS” là phương châm, mô hình sáng tạo, hiệu quả của Binh đoàn 15. Đến nay, các
công ty, đơn vị của binh đoàn kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với
271 thôn, làng; hơn 4.000 hộ công nhân người Kinh gắn kết với hơn 4.000 hộ đồng
bào DTTS. Các hoạt động kết nghĩa, gắn kết được triển khai toàn diện, từ việc
tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng, đến
giúp đỡ từng hộ dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu...
Những năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 luôn đồng
hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc trên địa bàn
Tây Nguyên xây dựng cuộc sống mới. Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Phó chính ủy
Quân khu 5 khẳng định: “Để tạo sự lan tỏa các mô hình hiệu quả từ quân ra dân, thực
hiện thành công mục tiêu “An dân, nắm dân, giành và giữ dân”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh
quân khu có nhiều chủ trương, biện pháp sáng tạo, phù hợp, trong đó nổi bật là
các mô hình: Tham gia “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”, xây dựng “Hũ gạo vì người
nghèo”, xây dựng các mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới…, được các cơ quan,
đơn vị triển khai đạt hiệu quả thiết thực”.
Với chủ trương “khoán gọn địa bàn, gắn rõ trách nhiệm trong
việc giúp dân”, những năm qua, Bộ CHQS các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc… đã đẩy
mạnh giúp dân toàn diện, hướng trọng tâm đến những địa bàn vùng sâu, vùng
xa, vùng DTTS, vùng căn cứ cách mạng. Bộ CHQS tỉnh Kon Tum cử hàng nghìn lượt
cán bộ, chiến sĩ, dân quân cùng lực lượng thanh niên, phụ nữ địa phương huy động
gần 15.000 ngày công giúp dân khai hoang, phục hóa gần 10ha lúa nước; làm mới
45,5km đường liên thôn, sửa chữa 6 trường học, 10 nhà rông; thu hoạch 42ha hoa
màu...
Năm 2019, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đóng góp gần
5.000 ngày công lao động giúp dân di dời đến nơi ở mới, dựng lại 160 căn nhà;
làm mới 115 chuồng nuôi gia súc; làm 43 vườn rau mẫu; chuyển và dựng lại 2 nhà
rông; làm gần 7.000m hàng rào; dựng 136 nhà kho cho các hộ gia đình; phối hợp với
địa phương xây mới và sửa chữa 26 căn nhà tặng gia đình người có công… Cán bộ,
chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc vận động các nguồn lực xây nhiều nhà tình
nghĩa tặng gia đình nghèo. Mô hình “Hũ gạo vì người nghèo”, tiết kiệm
từ bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đã thu được tổng cộng gần
80 tấn gạo, kịp thời hỗ trợ bà con khi gặp thiên tai, hoạn nạn.
Đại tá Trần Kim Quyền, Trưởng phòng Dân vận Quân khu 5 cho
biết, tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng
nông thôn mới (NTM)” giai đoạn 2010-2020, LLVT quân khu 5 đã huy động hơn
570.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hàng nghìn lượt phương tiện kỹ thuật giúp nhân
dân các địa phương làm mới 557km, tu sửa, nâng cấp 697km đường bê tông nông
thôn; nạo vét, củng cố, xây dựng 823km kênh mương nội đồng; đắp đê ngăn mặn; sửa
chữa, nâng cấp 1.043 nhà tạm, xây tặng 842 nhà tình nghĩa. Các cơ quan, đơn vị
hỗ trợ gần 1.500 con bò giống, 1.680 con lợn giống và hàng vạn con gia cầm; hỗ
trợ sinh kế giúp các hộ gia đình khó khăn vươn lên... Đến nay, 36/36 đầu mối
đơn vị trực thuộc Quân khu 5 đã giúp đỡ 3.278 hộ (986 hộ đói, 2.292 hộ nghèo);
trong đó 763 hộ hoàn vốn và làm ăn có lãi, 1.842 hộ thoát nghèo bền vững.
Hơn 30 năm gắn bó với địa bàn Tây Nguyên, Quân đoàn 3 có nhiều
đóng góp và thành tích trong thực hiện công tác dân vận (CTDV), góp phần củng cố
khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua Quân đội
chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo Đại tá Nguyễn Văn Thế, Phó chính ủy
quân đoàn: Trong năm 2018 và 2019, thông qua các hoạt động kết nghĩa giữa đơn vị
với địa phương; hành quân dã ngoại làm CTDV; thành lập các tổ đội công tác...,
các đơn vị của quân đoàn đã tuyên truyền cho gần 60.000 lượt người; tham gia
phát triển hạ tầng KT-XH, xây dựng NTM ở các địa phương với hơn 40.000 ngày
công/năm. Riêng năm 2019 và quý 1 năm 2020, đơn vị tham gia hơn 50.000 ngày
công giúp nhân dân làm mới 24,7km đường bê tông; nạo vét 51,9km kênh mương; sửa
chữa, xây mới 51 nhà tặng các đối tượng người có công, quân nhân có hoàn cảnh
khó khăn...
Những “điểm sáng” nơi biên cương, vùng đồng bào dân tộc
Dẫn chúng tôi thâm nhập cơ sở, Đại tá Hoàng Ngọc Thành, Phó
tư lệnh Binh đoàn 15 chia sẻ: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, tạo
động lực giúp bà con thoát nghèo, ngay từ đầu binh đoàn đã chú trọng xây dựng,
phát triển toàn diện từng địa bàn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm vừa
rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần, “lấy ngắn nuôi dài”, làm vườn, trồng rừng đến
đâu, tổ chức cụm dân cư đến đó”.
Cách làm sáng tạo đó được minh chứng rõ nét tại làng Tung,
xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Tại đây Công ty 72 đã đưa cây cao su về
trồng, giúp bà con thoát nghèo, đồng thời còn khai hoang, trồng và bàn giao gần
14ha lúa nước cho người dân. Đang đi làm cỏ lúa nước, gặp chúng tôi, ông Rơ Man
Luyn, người dân tộc Gia Rai hào hứng kể: “Nhờ 2 sào ruộng lúa nước do bộ đội
giúp, mỗi vụ gia đình thu được 5 tạ thóc. Từ ngày ruộng được giao về cho dân, bộ
đội vẫn đến hướng dẫn kỹ thuật đấy…”.
“Bộ đội Binh đoàn 15 còn có mô hình cây lúa xen canh”- sau
khi “bật mí” như vậy, Thiếu tá QNCN Phan Tiến Toàn, Trợ lý Dân vận Binh đoàn 15
đưa chúng tôi về thôn Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ. Hai bên quốc lộ 19,
chúng tôi bất ngờ bởi giữa những luống cao su chừng 3 năm tuổi, lúa nếp tốt bời
bời, bông trĩu hạt. Trên diện tích gần 200ha cao su, Công ty 72 đã cho công nhân
và người dân trên địa bàn “mượn” đất trồng xen canh hơn 55ha lúa, 70 ha lạc, 10
ha đậu tương... Đó vừa là minh chứng cho tư duy sáng tạo, quyết đoán, những mô
hình dân vận hiệu quả, vừa thể hiện tình cảm, trách nhiệm của những người lính
binh đoàn với đất và người Tây Nguyên.
Cách làm khoa học, sáng tạo của Binh đoàn 15 đã khởi nguồn
cho nhịp sống mới. Trong những năm qua, binh đoàn trồng và khai thác hơn
42.710ha cây cao su, 370ha cây cà phê, 70ha lúa nước hai vụ; thu hút và giải
quyết việc làm cho gần 17.500 lao động; thu nhập bình quân của người lao động đạt
hơn 7,5 triệu đồng/tháng. Với phương châm “Lo cho dân như lo cho mình”, binh
đoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng. Đến nay, trên địa
bàn Tây Nguyên, binh đoàn đã làm mới và sửa chữa 1.450km đường giao thông liên
thôn, liên xã; 97 cầu bê tông, hồ đập thủy lợi, 390km đường điện trung, hạ thế,
94 trạm biến áp; xây dựng 35 hệ thống nước sạch, 195 giếng khoan; xây dựng 1
trường trung cấp nghề, 1 trường tiểu học nội trú, 109 trường mầm non, 132 nhà
trẻ mẫu giáo; xây dựng 1 bệnh viện, 10 bệnh xá quân-dân y kết hợp...; tạo nên
những “điểm sáng” nơi biên cương, ở vùng đồng bào DTTS.
Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông tặng quà gia đình chính sách ở huyện Tuy Đức. |
Công ty Cà phê 15 (Quân khu 5) đã hướng trọng tâm xây dựng
các khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP), giúp giải quyết hiệu quả vấn đề định canh,
định cư, an sinh xã hội. Trao đổi với Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc Công ty
cà phê 15 chúng tôi được biết, thành công của đơn vị là đã điều hành hiệu quả
hoạt động của Khu KT-QP Cư M’gar (Đắc Lắc) và Khu KT-QP Quảng Sơn (địa bàn huyện
Đắk Glong, tỉnh Đắc Nông), qua đó tạo thêm tiềm lực cho địa phương phát triển.
Đến nay, công ty đã huy động tổng các nguồn đầu tư vào hai khu KT-QP gần 170 tỷ
đồng.
Từ một địa bàn vùng sâu, vùng xa nhiều gian khó, đến nay ở
Quảng Sơn, đường giao thông đến các thôn, buôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa;
trường học từ mầm non đến THPT được xây dựng khang trang và đạt chuẩn; 100%
thôn, buôn có điện lưới quốc gia; hệ thống công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng
nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của bà con. Tại Khu KT-QP Cư M’gar, đơn vị đầu
tư 87 tỷ đồng xây dựng 13 hồ, đập thủy lợi, hơn 100km đường nhựa và đường cấp
phối, 30km đường điện sinh hoạt, 3 trường mầm non, hai nhà mẫu giáo, một bệnh
xá quân - dân y. Trong vùng dự án Khu KT-QP Cư M’gar đã tổ chức định canh định
cư cho 516 hộ; khai hoang, đầu tư trồng hơn 800ha cà phê, 300ha cao su; xây dựng
nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh, nhà máy sản xuất cà phê bột và nhà máy sản
xuất nước uống đóng chai; tạo việc làm cho hơn 800 hộ công nhân với gần 1.100
lao động, trong đó có gần 200 công nhân là người DTTS.
Bây giờ các xã: Ea Sin (huyện Krông Búk); Ea Tar, Cư
Dliê M’Nông (huyện Cư M'gar) thuộc dự án KT-QP buôn Zun, buôn Mùi (Khu KT-QP Cư
M'gar) đều trở thành những “điểm sáng”. Vùng “đất chết” năm xưa, do từng chịu
hàng nghìn tấn bom đạn và chất độc da cam/dioxin do Mỹ-ngụy thả xuống trong chiến
tranh, nay đã cho những vụ mùa bội thu. Niềm vui đó có được là nhờ sự phối hợp
giúp đỡ của Bộ đội Cụ Hồ. Già làng Y Khin Ni A ở buôn Zun phấn khởi khoe với chúng
tôi: “Bộ đội Công ty 15 đã giúp người dân Cư Mgar thoát đói nghèo, tình cảm
quân-dân ngày thêm gắn bó”.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả của các đơn vị quân đội
trong thực hiện Kết luận 12 của Bộ Chính trị, nhất là góp phần đẩy nhanh xóa
đói giảm nghèo, thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, tăng cường đại đoàn kết
các dân tộc, đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Gia Lai khẳng định: “Những năm qua, các đơn vị quân đội đã tích cực phối hợp với
các địa phương trên địa bàn Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung
triển khai nhiều chương trình, mô hình, hoạt động thiết thực, hiệu quả trong
phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng thế trận
quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc trên địa bàn chiến
lược Tây Nguyên”.
“Quy hoạch và đầu tư thích đáng để phát triển hạ tầng nông thôn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù Tây Nguyên…Tập trung giải quyết và ổn định dân di cư; đẩy mạnh việc giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng DTTS; thúc đẩy phong trào tương trợ kết nghĩa, giúp đỡ các buôn làng đồng bào DTTS phát triển sản xuất, ổn định đời sống, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc …” (Trích Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, kèm theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18-2-2014).
Cùng với những thành tựu và kết quả nổi bật trong thực hiện
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI (Kết luận 12) về tiếp tục thực hiện
Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX phát triển vùng Tây Nguyên thời
kỳ 2011-2020, những năm qua, nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, trật tự an
toàn xã hội (TTATXH), phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh,
tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên có không ít
khó khăn, thách thức và nguy cơ tiềm ẩn, tác động trực tiếp đến quá trình phát
triển, ổn định mọi mặt ở Tây Nguyên.
Thực tế đó đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương cần chủ động
nhận diện, đánh giá đúng để tập trung tháo gỡ, giải quyết, bảo đảm cho Tây
Nguyên phát triển toàn diện, bền vững.
Địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng
về kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng-an ninh (QP-AN) và môi trường sinh thái của
đất nước. Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động coi Tây Nguyên là một
trong các địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống
phá nhiều mặt, hòng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Chúng dung dưỡng lực lượng
phản động FULRO, lợi dụng chiêu bài tự do tôn giáo, nhân quyền, một số vấn đề về
dân tộc… để kích động, dụ dỗ, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số
(DTTS) gây mất ổn định an ninh chính trị, TTATXH, nhằm thực hiện mưu đồ thành lập
cái gọi là “Nhà nước Đề ga độc lập”.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Đắc Lắc tuyên truyền vận động người dân xã Yang Re, huyện Krông Bông xây dựng đời sống văn hóa, không nhẹ dạ nghe theo kẻ xấu. |
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Trưởng ban
Tuyên giáo Huyện ủy Cư M’Gar, tỉnh Đắc Lắc nêu vấn đề: Tình hình an ninh trật tự
(ANTT) trên địa bàn huyện những năm qua cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn những
yếu tố phức tạp, do một số đối tượng phản động FULRO, được sự hà hơi, tiếp sức
từ bên ngoài vẫn lén lút hoạt động, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS và các tôn giáo; gây chia rẽ đoàn
kết các dân tộc; lôi kéo, kích động một bộ phận bà con DTTS gây mất ANTT, vượt
biên trái phép, tham gia các tà đạo...
Huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai có đường biên giới và Cửa khẩu quốc
tế Lệ Thanh thông thương với nước bạn Campuchia. Tìm hiểu thực tế tại địa
phương, chúng tôi được biết, KT-XH trên địa bàn huyện những năm qua có nhiều khởi
sắc, nhưng phát triển không đồng đều, tình trạng di dân tự do khó kiểm soát, nhất
là người DTTS từ phía Bắc vào, khiến tình trạng phá rừng làm nương rẫy, tranh
chấp đất đai diễn ra khá phức tạp. Mặt khác, một số tổ chức tôn giáo, các tà đạo
vẫn hoạt động lén lút, trái pháp luật. Thượng tá Hồ Trung Hiền, Chỉ huy trưởng
Ban CHQS huyện cho biết, tình hình an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn cơ bản
ổn định, song vẫn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định. Các tổ chức phản động lưu
vong tìm cách liên lạc với một số đối tượng trên địa bàn để tuyên truyền, chống
phá. Các đối tượng cầm đầu “Tin Lành Đề ga” tìm cách tụ tập đông người, truyền
đạo trái pháp luật, lôi kéo người dân tham gia các tà đạo…
Qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù Luật Tín ngưỡng tôn giáo
năm 2016 đã đi vào cuộc sống, nhưng thời gian qua, tại một số địa phương ở Tây
Nguyên vẫn diễn ra các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái pháp luật, như truyền
đạo, lập đạo trái pháp luật; xây dựng trái phép các “nhà nguyện” và lợi dụng
các dịp tập trung đông người, như đám cưới, đám ma, để lôi kéo tín đồ hoạt động,
làm “đối trọng” và chống đối chính quyền. Các đối tượng FULRO lưu vong ở nước
ngoài lợi dụng sự nhẹ dạ của một bộ phận người DTTS để tuyên truyền, lôi kéo phục
hồi “Tin lành Đề ga”. Các đối tượng cầm đầu, cốt cán của các tà đạo “Tin lành Đề
ga”, Hà Mòn… tìm cách hình thành tổ chức, lôi kéo người tham gia thực hành các
hoạt động mê tín dị đoan, tín ngưỡng phản khoa học, trái đạo lý; lợi dụng một số
thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, giải quyết vấn
đề đất đai… để xuyên tạc đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà
nước, gây hoài nghi, chia rẽ trong đồng bào, kích động tư tưởng dân tộc hẹp
hòi, chia rẽ người Kinh với người DTTS. Chúng coi đó là những “ngòi nổ” để kích
động tư tưởng ly khai, tự trị, mưu đồ gây biểu tình, bạo loạn chính trị.
Đồng chí Nguyễn Cảnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc
Lắc, cho rằng: “Những năm qua, tình hình ở một số địa bàn có yếu tố phức tạp
trong tỉnh đã cơ bản “yên”, nhưng chưa thực sự “ổn”. Do vậy, các cấp chính quyền,
cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động đồng bào, nhất
là người DTTS đề cao cảnh giác, không nghe, không mắc mưu kẻ xấu, đồng thời chủ
động đấu tranh bóc gỡ, xử lý các đối tượng tổ chức, tham gia hoạt động FULRO,
“Tin lành Đề ga”, “Tà đạo Hà Mòn”... Đây là công việc thường xuyên, là
nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng
chức năng và cả hệ thống chính trị…, nhằm giữ vững ổn định chính trị, ANTT,
tăng cường đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng như vùng Tây Nguyên”.
Quản lý, sử dụng đất đai, di cư tự do vẫn là những vấn đề
“nóng”
Kết luận 12 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên
thời kỳ 2011-2020, chỉ rõ: “Nhiều vấn đề bức xúc đòi hỏi phải tập trung giải
quyết, như chênh lệch giàu nghèo, vấn đề đất đai, việc làm, đời sống của đồng
bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS sẽ chi phối lớn đến quá trình phát triển chung
của cả vùng”.
Quán triệt tinh thần đó, Chương trình số 28-CTtr/TU của Ban
Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum thực hiện Kết luận số 12, nhấn mạnh: “Nâng cao chất
lượng định canh, định cư cho đồng bào DTTS tại chỗ và giải quyết vấn đề dân di
cư tự do. Tập trung giải quyết căn bản vấn đề đất đai, trong đó ưu tiên giải
quyết đủ đất ở và đất sản xuất cho các hộ DTTS tại chỗ, nhất là hộ nghèo. Hạn
chế tối đa tình trạng mua bán, sang nhượng đất trong vùng DTTS…”.
Quyết định 319-QĐ/TTg, ngày 16-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ
“Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Gia Lai đến năm 2020” xác định:
“Chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng và
nhu cầu thị trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; chú trọng phát triển một số
cây trồng có giá trị kinh tế cao”…
Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại
các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum…, cũng như đánh giá của các cơ quan chức
năng, quá trình triển khai thực hiện Kết luận 12 và các chủ trương, giải pháp,
chỉ tiêu phát triển KT-XH của các địa phương trên địa bàn thời gian qua còn gặp
nhiều khó khăn, bất cập, như tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, thiếu đất
sản xuất, đất ở; nạn phá rừng…, nhất là ở vùng DTTS, vùng dân di cư tự do.
Tháng 12-2018, tại Hội nghị giải pháp ổn định dân di cư tự
do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường
tại Tây Nguyên, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đồng chí Trần
Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu thực trạng: Vùng Tây Nguyên
có khoảng 52.940 hộ thiếu đất sản xuất, với diện tích khoảng 24.075 ha, trong
đó, tỉnh Đắc Lắc có khoảng 19.198 hộ (bằng 36,3% của toàn vùng), với diện tích
khoảng 6.590 ha; tỉnh Gia Lai khoảng 12.986 hộ (bằng 22,48% của toàn vùng), với
diện tích khoảng 4.920 ha. Số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương cho
thấy, tại địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên, diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm
trường đang bị lấn chiếm, đang có tranh chấp khoảng 199.290 ha, chiếm 7,3 % tổng
diện tích đang quản lý, sử dụng....
Qua khảo sát và tìm hiểu thực tế tại một số tỉnh Tây Nguyên,
chúng tôi thấy, mặc dù toàn vùng có tiềm năng lớn về đất đai; các cấp, các
ngành, chính quyền các địa phương có nhiều nỗ lực giải quyết, nhưng do tính chất
phức tạp của các vụ việc, nguồn gốc đất đai và chất lượng hồ sơ lưu trữ không bảo
đảm, nên tiến độ xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai,
giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển KT-XH, chuyển đổi cây trồng…
còn chậm, gặp nhiều vướng mắc. Đáng chú ý, một vụ việc nổi cộm liên quan đến hợp
đồng giao khoán đất và vườn cây, nguồn gốc đất, đòi lại đất, giao chồng lấn đất,
chiếm giữ đất trái phép; giải tỏa, đền bù, ổn định sản xuất và đời sống cho đồng
bào DTTS thuộc một số dự án, công trình thủy điện…, chưa được giải quyết thấu
đáo, dứt điểm, dễ dẫn đến phát sinh “điểm nóng” về ANTT.
Đồng chí Huỳnh Văn Tiến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
tỉnh Đắc Lắc, nêu thực trạng: Những năm qua, tỉnh có nhiều giải pháp khuyến
khích, mời gọi đầu tư. Một số lĩnh vực được các nhà đầu tư trong và ngoài nước
quan tâm, như: Phát triển đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất
các sản phẩm nông nghiệp…, đặc biệt các dự án năng lượng tái tạo, với 24 dự án
điện mặt trời (tổng số vốn đăng ký đề xuất khoảng 50.000 tỷ đồng), cùng hàng chục
doanh nghiệp đã đến khảo sát xây dựng các nhà máy điện gió. Tuy nhiên để các dự
án thành hiện thực thì còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc giải quyết
quỹ đất, vì nhiều địa điểm dự kiến triển khai dự án là đất có tranh chấp, lấn chiếm,
đất của nông-lâm trường…
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhiều địa phương ở Tây
Nguyên cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu đất sản xuất, nhất
là ở vùng đồng bào DTTS là do tình trạng di cư tự do diễn ra phức tạp. Ví như tại
tỉnh Đắc Nông, đầu năm 2018 có hơn 157.000 hộ di dân tự do đến địa bàn tỉnh, vượt
quá khả năng giải quyết của địa phương, khiến nạn phá rừng, lấn chiếm đất làm
nương rẫy diễn ra rất nghiêm trọng.
Người DTTS di cư tự do đến Tây Nguyên thường sinh sống tại
vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, đất dốc, điều kiện canh tác hạn chế, cơ sở
hạ tầng thấp kém; trong khi đó, tập quán canh tác lạc hậu, nên đất sản xuất
nhanh bị bạc màu, năng suất cây trồng thấp, nên sau một thời gian, bà con lại bỏ
đi nơi khác tiếp tục phá rừng, đốt nương làm rẫy. Do đói nghèo, một số hộ gia
đình phải sang nhượng, cầm cố, thế chấp đất sản xuất, rồi không có khả năng chuộc
lại, trở thành các hộ không có đất sản xuất.
Một nguyên nhân nữa là công tác quản lý đất đai ở một số địa
phương, nông-lâm trường trên địa bàn còn bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng mua
bán đất, sang nhượng đất trái phép diễn ra khá phổ biến và phức tạp, nhất là ở
vùng đồng bào DTTS, vùng có dân di cư tự do. Đồng chí Nguyễn Văn Lạng, nguyên
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh Đắc Lắc cho rằng:
Các nông-lâm trường trên địa bàn Tây Nguyên những năm trước đây được giao diện
tích rất lớn về đất đai, rừng…, nhưng trong một thời gian khá dài việc quản lý,
sử dụng đạt hiệu quả thấp, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, dẫn đến lãng
phí lớn về tài nguyên đất đai, rừng, trong khi người dân địa phương thiếu đất sản
xuất, hoặc bị mất đất. Tình trạng phá rừng, vi phạm pháp luật về đất đai, lấn
chiếm, tranh chấp đất đai, xảy ra ở nhiều nơi, nhất là giữa người dân di cư tự
do, người DTTS với các nông-lâm trường.
Tìm hiểu tại các địa phương trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy,
một phần diện tích rừng do các công ty lâm nghiệp bị giải thể chưa được quản
lý, bảo vệ chặt chẽ; một số nơi đất rừng vẫn chưa có chủ thực sự, rừng vẫn bị
tàn phá; xuất hiện tội phạm bảo kê đất…, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT ở địa
bàn. Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, Tây
Nguyên vẫn là một trong các trọng điểm phá rừng và là “điểm nóng” nhất
trong công tác bảo vệ rừng của cả nước. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây
Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm; tỷ lệ che phủ rừng của 3/5 tỉnh trong khu vực
là Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông trong những năm gần đây có xu hướng giảm.
Cây trồng chủ lực gặp khó, nông thôn mới “về đích” chậm
Vùng đất Tây Nguyên nổi tiếng là “thủ phủ” của cà phê, cao
su, hồ tiêu… Nhiều địa phương, doanh nghiệp trong vùng từng “ăn nên làm ra” nhờ
những loại cây này. Những năm trước, chúng tôi từng đến các địa phương trong
vùng, chứng kiến nhiều hộ gia đình, làng, xã... triệu phú, tỷ phú nhờ cà phê,
cao su, hồ tiêu. Các tỉnh Đắc Lắc và Lâm Đồng có diện tích cà phê nhiều nhất, với
hơn 360.000ha. Thời điểm cuối năm 2016, giá cà phê nhân xô hạt khoảng 45.000 đồng/kg,
thì tháng 1-2020 giảm còn 31.000 đồng/kg và hiện nay là dưới 30.000 đồng/kg.
Cà phê tại xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng chết héo do hạn hán. |
Cao su, hồ tiêu cũng từng được ví như nguồn “vàng trắng”,
“vàng đen” trên cao nguyên. Vùng Tây Nguyên chiếm gần 26% diện tích cao su của
cả nước, nhiều nhất tại các tỉnh Gia Lai và Kon Tum; giá cao su có thời điểm khoảng
120 triệu đồng/tấn, nay giảm xuống còn 30 triệu đồng/tấn. Các năm 2015-2016,
giá hồ tiêu lúc đỉnh điểm lên tới hơn 200.000 đồng/kg, nên nhiều hộ gia đình,
nhất là tại Đắc Lắc, Đắc Nông tiến hành trồng ồ ạt, diện tích tăng đột biến, bất
chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng. Do cung vượt cầu quá lớn, giá hồ tiêu
đen ở Tây Nguyên đầu năm 2020 giảm còn khoảng 42.000 đồng/kg và hiện nay là dưới
40.000 đồng/kg.
Do một số loại cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên phát
triển “nóng”, vượt xa so với quy hoạch chung, dẫn đến giá cả “tụt dốc”, cây chủ
lực bị “mất thế”. Cùng với đó, sản phẩm nông-lâm sản xuất khẩu chủ yếu ở dạng
thô, trong khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn; một diện tích đáng kể cây trồng
bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, hoặc năng suất sụt giảm mạnh, khiến không ít địa
phương, nhà vườn, người dân, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao, thậm chí vỡ
nợ, phá sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập. Cùng với đó, một số chuyên
gia, nhà quản lý cho rằng, nhiều địa phương vùng Tây Nguyên vẫn còn loay hoay
trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như trong chuyển dịch cơ
cấu kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh Đắc Lắc cho rằng, cần tập trung phát triển nông nghiệp
như một trụ cột cho phát triển kinh tế Tây Nguyên. Cơ cấu kinh tế của vùng phải
là nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ-du lịch.
Kết luận 12 nhấn mạnh và đặt ra yêu cầu: “Sớm đưa nông thôn
Tây Nguyên thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, phát triển bền vững… Quy
hoạch và đầu tư thích đáng để phát triển hạ tầng nông thôn, thực hiện chương
trình xây dựng nông thôn mới (NTM) phù hợp với đặc thù Tây Nguyên”.
Quá trình triển khai thực hiện Kết luận 12 được cấp ủy,
chính quyền các địa phương trong vùng thực hiện gắn kết, song hành với Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong 10 năm qua; nhất là tăng cường lãnh
đạo, chỉ đạo xây dựng NTM hướng mạnh về cơ sở, tạo chuyển biến rõ rệt, bảo đảm
phù hợp, giữ được những nét văn hóa truyền thống của buôn làng đồng bào DTTS, từng
bước tạo chuyển biến rõ nét ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2019, vùng
Tây Nguyên có 245/599 (chiếm 37,73%) số xã đã đạt chuẩn NTM.
Về xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, chúng tôi chứng kiến
sự đổi thay nhanh chóng của địa phương. Từ một xã biên giới đặc biệt khó khăn,
Ia Dom đã vươn lên sớm "về đích" NTM, đạt 19/19 tiêu chí. Nhưng theo
lãnh đạo xã, thì xây dựng NTM đã khó, nhưng để xã NTM phát triển bền vững, tiếp
tục đi lên… là vấn đề rất nan giải, bởi khi đạt chuẩn NTM, Ia Dom không còn được
hưởng các nguồn trợ cấp, các chính sách ưu đãi của Nhà nước về giáo dục,
y tế, kinh tế, an sinh xã hội..., trong khi còn nhiều hộ gia đình, nhất là người
DTTS thuộc diện hộ nghèo, thu nhập thấp. Cán bộ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước
cũng bị giảm thu nhập so với trước đây. Đó cũng là băn khoăn trăn trở chung của
các xã miền núi, biên giới, vùng DTTS trên địa bàn khi đã đạt chuẩn NTM.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, xây dựng
NTM ở Tây Nguyên có một số tiêu chí chưa phù hợp với thực tế địa bàn và với đồng
bào DTTS, dẫn đến khó thực hiện, hoặc hiệu quả chưa cao. Về nội dung này, lãnh
đạo Bộ NN-PTNT cho biết: Chương trình xây dựng NTM vùng Tây Nguyên còn một số
khó khăn, tồn tại. Kết quả xây dựng NTM còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với
các vùng miền và thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Đến cuối năm 2019,
số xã đạt chuẩn NTM vùng Tây Nguyên mới đạt 37,73% (bình quân cả nước đạt 54%);
bình quân đạt 14,1 tiêu chí/xã (cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã); toàn vùng mới
có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (cả nước có 111 huyện đạt chuẩn)... Vùng
Tây Nguyên còn 11 huyện thuộc 4 tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum chưa
có xã đạt chuẩn NTM; 2 tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM thấp (dưới 30%) là Đắc
Nông (26,2%) và Kon Tum (22,1%)...
Để khắc phục một số tồn tại, bất cập trong xây dựng NTM,
tháng 10-2016, Bộ NN và PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết
định số 1980/QĐ-TTg, sửa đổi, điều chỉnh căn bản về nội hàm, tên, nội dung, chỉ
tiêu của 19 tiêu chí, quy định áp dụng theo hướng linh hoạt, giao quyền cho địa
phương ban hành văn bản cụ thể hóa bộ tiêu chí cho phù hợp thực tế. Đối với
vùng Tây Nguyên, các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa,
cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông giai đoạn
2016-2020 được quy định theo hướng áp dụng linh hoạt, phù hợp; nhất là đối với
tiêu chí cơ sở vật chất, văn hóa, tạo điều kiện bảo tồn và gìn giữ kiến trúc
văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, như nhà rông của đồng bào Gia Rai, Ba
Na; nhà dài của dân tộc Ê đê, nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu…
Trao đổi với chúng tôi về chương trình xây dựng NTM, lãnh đạo
tỉnh Kon Tum và một số địa phương ở Tây Nguyên đều trăn trở: Nhu cầu xây dựng
NTM của các địa phương trong vùng rất lớn, nhưng khả năng huy động nguồn lực hạn
chế vì chủ yếu là vùng nghèo, vùng DTTS, miền núi, xuất phát điểm thấp, nguồn vốn
đầu tư vào địa bàn còn ít, quy mô sản xuất nhỏ là chủ yếu. Cùng với đó, chất lượng
nguồn nhân lực, năng lực của một bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở các xã miền
núi, biên giới, vùng DTTS còn hạn chế…, ảnh hưởng đến việc đẩy nhanh tiến độ
xây dựng NTM, cải thiện và nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, nhất là của
đồng bào DTTS trong vùng.
“Tiềm lực kinh tế và trình độ phát triển còn ở mức thấp đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc tổ chức khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng. Nhiều vấn đề bức xúc đòi hỏi phải tập trung giải quyết, như chênh lệch giàu nghèo, vấn đề đất đai, việc làm, đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS… Tây Nguyên vẫn là địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch…”. (Trích Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, kèm theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18-2-2014).
Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI (Kết luận 12)
về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX phát triển
vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 xác định: “Phát triển vùng Tây Nguyên phải kết
hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ
thống chính trị vững mạnh; vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, khai thác nội lực
tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đầu tư tương xứng của
Nhà nước về chính sách, nguồn lực và sự liên kết, hỗ trợ của các tỉnh, thành phố
trong khu vực và cả nước…”.
Gần 10 năm qua, Ban cán sự đảng Chính phủ, Quân ủy Trung
ương, Đảng ủy Công an Trung ương, các ban đảng, ban cán sự đảng trực thuộc
Trung ương, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã cụ thể hóa thành chương
trình hành động để lãnh đạo, tổ chức thực hiện Kết luận 12 đồng bộ, nghiêm túc,
hiệu quả. Cùng với đó, các ban, bộ, ngành, địa phương… cần tổng kết, đánh giá
thành tựu đạt được, chỉ rõ những khó khăn, tồn tại và có giải pháp tháo gỡ, điều
chỉnh, để Tây Nguyên tiếp tục phát triển xứng tầm, bền vững.
Giữ ổn định chính trị-xã hội để tạo đà phát triển
Quá trình trao đổi, tìm hiểu thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên
và một số đơn vị quân đội, công an trên địa bàn, chúng tôi ghi nhận, lãnh đạo cấp
ủy, chính quyền, LLVT… đều xác định: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trọng yếu
mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. Do vậy, điều kiện tiên quyết bảo đảm
sự ổn định về chính trị-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã
hội (KT-XH) ở từng địa phương, cũng như toàn vùng, là phải tăng cường củng cố
QP-AN, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống
phá của các thế lực thù địch.
Theo Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy
Quân khu 5, những năm qua, mặc dù điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, nhưng các
cấp, các ngành trên địa bàn Tây Nguyên thường xuyên chăm lo xây dựng tiềm lực
và thế trận của nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng khu vực phòng thủ “cơ
bản, toàn diện, liên hoàn, vững chắc”; chú trọng xây dựng, phát triển các khu
kinh tế-quốc phòng (KT-QP) ở địa bàn trọng điểm, gắn với phát triển KT-XH vùng
biên giới; xây dựng LLVT vững mạnh, làm nòng cốt trong xây dựng nền QPTD và giữ
vững an ninh trật tự (ANTT). LLVT chủ động tham mưu thực hiện tốt việc kết hợp
chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố QP-AN. Trong xây dựng tiềm lực quốc
phòng, các địa phương đặc biệt chú trọng tăng cường tiềm lực chính trị-tinh thần,
xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành hoạt động quốc
phòng, quân sự, các địa phương vùng Tây Nguyên coi trọng lãnh đạo xây dựng hệ
thống chính trị, nhất là tổ chức Đảng, chính quyền, chỉ huy trong LLVT vững mạnh,
có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao.
Là tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QP,QS) địa
phương, xây dựng LLVT vững mạnh, những năm qua, Tỉnh ủy Gia Lai quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo xây dựng chi bộ quân sự (CBQS) xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh,
phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, hoạt động hiệu quả. Đến cuối năm 2019, có
100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh thành lập CBQS, trong đó hơn 89% chi
bộ có chi ủy. Theo đồng chí Châu Ngọc Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Hầu hết
các CBQS trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, triển khai thực hiện công tác QP,QS địa
phương ở cơ có nhiều chuyển biến; năng lực, trách nhiệm, phương pháp, tác phong
công tác của cán bộ quân sự cấp xã có sự đổi mới, sâu sát địa bàn, cơ sở. Năng
lực lãnh đạo, sức chiến đấu của CBQS được nâng cao, thực sự là hạt nhân lãnh đạo
mọi hoạt động của ban CHQS cấp xã; lãnh đạo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa
phương về nhiệm vụ QS,QP địa phương ở cơ sở, xây dựng lực lượng dân quân, quản
lý lực lượng dự bị động viên có độ tin cậy về chính trị, khả năng SSCĐ cao.
Qua trao đổi và tìm hiểu thực tế, lãnh đạo các cấp ở tỉnh
Gia Lai và nhiều địa phương vùng Tây Nguyên đều cho rằng, việc thành lập CBQS cấp
xã là thực sự cần thiết; cần tiếp tục duy trì mô hình này để bảo đảm sự lãnh đạo
chuyên sâu, trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ QP,QS địa phương và lực lượng
dân quân, dự bị động viên ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Vùng Tây Nguyên có tổng số gần 7.800 buôn, làng, tổ dân phố,
trong đó hơn 2.800 buôn, làng có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.
Buôn làng là địa bàn chủ yếu cấp cơ sở ở Tây Nguyên và cũng là nơi các đối tượng
phản động thường móc nối xây dựng lực lượng, tuyên truyền xuyên tạc, kích động
người dân, gây rối trật tự, nhất là người DTTS nhẹ dạ, nhận thức hạn chế. Để giữ
vững an ANTT từ cơ sở, các địa phương vùng chú trọng phát huy vai trò của các
già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, các chức sắc các tôn giáo…
trong công tác vận động quần chúng, nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện, giải
quyết kịp thời các vụ việc từ cơ sở.
Là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 55% dân số,
những năm qua, tỉnh Kon Tum có nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong công
tác này. Cùng với chính sách chung của Đảng, Nhà nước dành cho người có uy tín
trong đồng bào DTTS, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Kon Tum đã triển khai một số
chính sách đặc thù, sáng tạo của địa phương, nhằm phát huy cao nhất vai trò của
người có uy tín tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giữ vững ANTT, giữ gìn,
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Theo đó, trong các năm 2013-2019, tỉnh đã tổ
chức thăm hỏi, động viên, biểu dương đối với hơn 3.300 hộ và cá nhân người DTTS
tiêu biểu, với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.
Các tỉnh trong vùng Tây Nguyên cũng định kỳ tổ chức gặp mặt
các già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong cộng đồng để thông tin về
tình hình KT-XH, QP-AN, mong muốn các già làng, người có uy tín trong DTTS, chức
sắc các tôn giáo tích cực tham gia tuyên truyền vận động bà con nâng cao cảnh
giác, không mắc mưu kẻ xấu, tích cực tham gia các phong trào ở địa
phương.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch-Tổng
Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng: Điểm nổi bật là Ủy ban MTTQ
và các tổ chức thành viên ở các địa phương vùng DTTS nói chung, trong đó có
vùng Tây Nguyên là đã phát triển rộng khắp các mô hình nhân dân tự quản, xây dựng
khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu; tích cực lồng ghép tuyên truyền,
vận động bà con tham gia giữ gìn ANTT, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo
vệ môi trường…
Gặp chúng tôi, già làng A Nher, 82 tuổi, dân tộc Bana, ở
làng Mút, xã Đăk Mar, huyện Đắk Hà, Kon Tum rất vui khi nói về những kinh nghiệm
của bản thân trong vận động con cháu, dòng họ chấp hành nghiêm pháp luật, hương
ước, không tham gia các tà đạo, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Còn ông A Nam, dân tộc Xê đăng, là người có uy tín ở xã Văn Xuôi (huyện Tu Mơ
Rông, Kon Tum) đã cùng chính quyền tuyên truyền, giải quyết nhiều vụ việc mâu
thuẫn, tranh chấp đất đai trong nhân dân, không để phát sinh “điểm nóng”. Ông A
Nam nói: “Được dân làng tín nhiệm bầu chọn và ủng hộ, mình phải gương mẫu, gắng
làm cho tốt, đồng thời phải nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của bà con để tham mưu
với các cấp chính quyền giải quyết có lý, có tình. Buôn, làng có bình yên, thì
bà con mới yên tâm làm ăn, đoàn kết xây dựng cuộc sống”.
Để tăng cường thế trận QP-AN, giữ vững ANTT từ cơ sở, theo Đại
tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc, yếu tố quan trọng là phải
nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong nắm, dự báo,
đánh giá đúng tình hình, trao đổi thông tin; thống nhất chủ trương, biện pháp
phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của
các thế lực thù địch, phản động; thực hiện phân cấp trách nhiệm trong tham mưu,
chỉ đạo, điều hành và chủ trì xử lý các tình huống về QP-AN. Cùng với tập trung
nâng cao năng lực của các đơn vị chuyên trách trong nghiên cứu, tham mưu dự báo
chiến lược, cần chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng
dân quân tự vệ, công an cơ sở, làm nòng cốt bám nắm địa bàn, chủ động ứng phó kịp
thời các tình huống.
Thời gian qua, công an các tỉnh Tây Nguyên đã tăng cường đưa
công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã trên địa bàn, bước đầu
phát huy hiệu quả rõ rệt. Sự phối hợp giữa các lực lượng công an, quân sự, biên
phòng ở các xã, huyện biên giới trên địa bàn chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn.
So với lực lượng công an bán chuyên trách, công an xã chính quy về xã đã nâng
cao hiệu quả giải quyết công việc từ cơ sở, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của
pháp luật. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng và phòng ngừa
nghiệp vụ, nên tình hình tội phạm giảm, ANTT có chuyển biến tích cực.
Để Tây Nguyên phát triển bền vững, xứng tầm
Xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về QP-AN và vùng
trọng điểm kinh tế của cả nước; phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững, tăng
cường khối đại đoàn kết dân tộc… là chủ trương nhất quán, là quyết tâm chính trị
của Đảng, Nhà nước. Tháng 1-2002, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết
10-NQ/TW về phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010.
Tháng 7-2002, Bộ Chính trị (khóa IX) ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tây
Nguyên. Trong 15 năm hoạt động (2002-2017), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã thực hiện
tốt nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện
nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH, bảo đảm
QP-AN, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị… vùng Tây
Nguyên; đã cùng các tỉnh trong vùng phát huy sức mạnh đoàn kết và nội lực, đạt
nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.
Thực hiện Kết luận 12, gần 10 năm qua, với sự nỗ lực quyết
tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, nhất là sự quan
tâm lớn của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án về phát triển
KT-XH, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ an sinh xã hội…, vùng Tây Nguyên đã có những
đổi thay to lớn. Từ một vùng khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự,
những năm qua, KT-XH vùng Tây Nguyên phát triển khá nhanh, QP-AN được giữ
vững, trình độ dân trí được nâng cao; đời sống vật chất, tinh thần của người
dân, nhất là của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt…
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh
ủy Đắc Lắc cho biết: Để xây dựng tỉnh Đắc Lắc trở thành trung tâm kinh tế, văn
hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên, tỉnh tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế
để phát triển, như: Sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, năng lượng tái
tạo, du lịch; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa các quy định của pháp luật;
đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Tỉnh
cũng chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông, thông tin, hiện đại, sẵn sàng kết nối;
thu hút và liên kết các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp về kỹ thuật cao, ứng dụng,
chuyển giao công nghệ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu
phát triển KT-XH. Tháng 12-2019, Bộ Chính trị có Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng
và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở
Kết luận số 67-KL/TW, tỉnh tăng cường chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng
thời phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, phát huy
tiềm năng, lợi thế, xây dựng TP Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị vùng của Tây
Nguyên.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Tây Nguyên còn nhiều tiềm
năng phát triển chưa được khơi dậy, phát huy cao, để thực sự trở thành thế mạnh
thu hút đầu tư phát triển. Tăng trưởng kinh tế của vùng chưa tương xứng với tiềm
năng, lợi thế, chưa phát huy được thế mạnh về đất đai, nông lâm nghiệp, du lịch,
năng lượng tái tạo, về tài nguyên về khoáng sản… Sự phát triển của vùng còn khoảng
cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm;
sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp sản xuất
hàng hóa quy mô lớn, tập trung…
Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh
ủy Gia Lai cho rằng: Để Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên phát triển toàn diện,
bền vững theo tinh thần Kết luận 12, cần tập trung giải quyết một số vấn đề bức
thiết, như: Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông kết
nối nội vùng và liên kết vùng; quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo
vệ môi trường sinh thái; ưu tiên giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ DTTS
thiếu đất; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, nhất là ở vùng có dân di
cư tự do; tổ chức lại sản xuất, đời sống cho đồng bào theo hướng phát triển
kinh tế hàng hóa…
Vườn sầu riêng nhà ông Nguyễn Đỗ Nhung rộng 6 ha tại làng Bàng, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, thu tiền tỷ mỗi năm. |
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, Tây Nguyên rất cần có chiến
lược tái cơ cấu kinh tế chung toàn vùng thay vì tái cơ cấu kinh tế từng tỉnh,
nhằm tăng liên kết vùng trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, tăng thu nhập
cho người dân, đồng thời giải quyết các vấn đề về QP-AN ở địa bàn chiến lược. Để
tăng cường thu hút đầu tư, các địa phương trong vùng cần khắc phục hiệu quả những
hạn chế, bất cập, như trình độ dân trí, giáo dục, vấn đề di dân tự do... Về việc
giải quyết tình trạng dân di cư tự do đến Tây Nguyên, đồng chí Nguyễn Văn Lạng,
nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc
cho rằng: Cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ cả ở nơi người dân đi
(giúp họ yên tâm ở lại quê để làm ăn, xóa đói giảm nghèo) và nơi đến, tức là chủ
động quản lý, kiểm soát và giải quyết các điều kiện về ăn ở, đất canh tác, giúp
bà con ổn định cuộc sống, sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết: Bộ đã chủ trì, phối
hợp trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, miền
núi nói chung, trong đó có vùng Tây Nguyên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống,
như: Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính
sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm
nông nghiệp; chính sách ổn định dân cư; Chương trình mục tiêu phát triển lâm
nghiệp bền vững… Các chính sách đó tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS
phát triển KT-XH, nâng cao đời sống, tuy nhiên cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực
tiễn. Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể
phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết
số 12/NQ-CP của Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng các chính
sách nhằm hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, miền núi, trong đó có vùng Tây Nguyên đầu
tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới...
Lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên đề nghị Trung ương sớm
đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi toàn vùng, đồng thời
hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về sử dụng đất; đánh giá thực trạng đất đai,
trong đó có đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, để có giải pháp căn cơ, lâu dài,
bởi nếu từng tỉnh tiến hành đơn lẻ, sẽ khó thực hiện và hiệu quả không cao.
Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững, cần chú trọng lồng ghép, tích hợp
với các chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng
đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030… Cần đầu tư nguồn lực có trọng
tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, khắc phục tình trạng
dàn trải, cào bằng, phân tán nguồn lực...
Tây Nguyên là địa bàn có DTTS chiếm gần 40% tổng dân số; nguồn
nhân lực là người DTTS chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng đây vẫn là một trong các
"vùng trũng" về phát triển nguồn nhân lực. Theo đồng chí Nay HNan,
Phó bí thư Huyện ủy CưM’Gar, tỉnh Đắc Lắc: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS ở Tây Nguyên được đề cập cụ thể
trong Kết luận 12. Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài. Thực tế địa phương,
để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cần duy trì tỷ
lệ phù hợp, bảo đảm cơ cấu cán bộ người DTTS trong bộ máy đảng, chính quyền từ
tỉnh đến cơ sở; thường xuyên quan tâm quy hoạch, tạo nguồn cán bộ người DTTS đủ
phẩm chất, năng lực, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa
phương, cơ sở.
Trao đổi với chúng tôi về kết quả thực hiện Kết luận 12, đồng
chí Lê Năng Hảo, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc lại đề cập trước tiên đến
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng
viên và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bởi theo đồng chí, đây là yếu tố
quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ
trương, nghị quyết của Đảng, trong đó có việc cụ thể hóa Kết luận 12 thành
chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện. Thực tế cho thấy, cùng với sự quan
tâm, đầu tư của Trung ương, những thành tựu, kết quả thực hiện Kết luận 12 ở Đắc
Lắc cũng như các địa phương khác trong vùng Tây Nguyên phụ thuộc rất lớn vào
vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều
hành, nhất là có các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện sát đúng, có
tính đột phá, phù hợp với thực tế địa phương, tập trung vào những khâu quan trọng
có tính quyết định.
Kết luận 12 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên
thời kỳ 2011-2020 là chủ trương đúng đắn, kịp thời, mang tầm chiến lược, thể hiện
sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với Tây Nguyên - địa bàn chiến lược
trọng yếu, "nóc nhà" của Đông Dương, vùng đất anh hùng, giàu truyền
thống cách mạng, kháng chiến, nơi có hơn 50 đồng bào các dân tộc chung sống. Sự
quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư; sự đầu tư lớn của Trung ương và nỗ lực của các địa phương trong vùng, đã tạo
động lực mạnh mẽ để Tây Nguyên vươn lên, đạt nhiều thành tựu nổi bật, đáng tự
hào, là dấu mốc quan trọng sau 45 năm Tây Nguyên được giải phóng. Đó cũng là
góp phần thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và
mong muốn của Người lúc sinh thời: “Phải đưa miền núi nhanh chóng tiến kịp với
miền xuôi”.
Thay cho lời kết loạt bài viết này, chúng tôi xin nêu ý kiến,
đề xuất của một số cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương vùng Tây
Nguyên: Các bộ, ban, ngành có liên quan cần báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư
cho chủ trương tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 12, nhằm đánh giá toàn diện kết
quả lãnh đạo phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, thực hiện công tác dân tộc, tôn
giáo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và hệ thống chính trị vùng Tây Nguyên…
Trên cơ sở đó để điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, giải pháp phù hợp tình
hình thực tiễn, nhằm tiếp tục đưa Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm;
chính trị-xã hội và QP-AN của vùng ổn định vững chắc.
Bài và ảnh:
QUÂN THỦY - TIẾN DŨNG - TRỊNH DŨNG - HỒNG SÁNG
Nguồn Báo Quân đội nhân dân
Phát triển, ổn định bền vững vùng Tây Nguyên: Thành tựu và những vấn đề đặt ra
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
08:24
Rating:
Không có nhận xét nào: