Phòng An ninh đối nội xứng danh anh hùng
Tháng 3 năm nay, Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) được Bộ
Công an đề nghị Chủ tịch nước phong tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân thời kỳ đổi mới. Qua một thời gian gắn bó với cán bộ, chiến sĩ trong
đơn vị, người viết xin được kể lại những sự kiện lẫy lừng nhưng khá thầm lặng của
Phòng An ninh đối nội trong nhiều năm qua.
Ngày 2-2-2001, hàng ngàn người dân tộc thiểu số ở một số huyện
trong tỉnh bị bọn phản động FULRO trong và ngoài nước kích động, ùn ùn kéo về
trung tâm TP. Pleiku biểu tình bạo loạn, gây rối, làm mất an ninh trật tự. Sau
khi được chính quyền, đoàn thể các cấp và những người có uy tín phân tích phải
trái, chỉ trong 1 ngày, tất cả người dân bị kích động, lôi kéo đã rời TP.
Pleiku trở về nhà.
Tuy nhiên, bọn phản động FULRO vẫn không từ bỏ âm mưu chống
đối, chúng quyết lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào để kích động, chia rẽ
khối đại đoàn kết, thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị” tại Tây Nguyên.
Ở nước ngoài có các tổ chức phản động như Quỹ người Thượng (MFI) do Ksor Kơk cầm
đầu (khi Kơk chết, tổ chức này đã bổ nhiệm con trai là Kơk Dmuen tạm quyền vào
ngày 9-1-2019); Hội nhân quyền người Thượng ở Mỹ (MHRO) do Nay Rông cầm đầu; Hội
người Thượng tị nạn (MRO) do Rah Lan Ngol cầm đầu và Hội người Thượng Đê ga
(MDA) do Siu Y Hlena cầm đầu.
Trong nước thì có 52 đối tượng thuộc 6 nhóm rải rác ở nhiều
huyện và TP. Pleiku do tên Yú (còn gọi là Ama Yem, SN 1961, ở xã Ia Băng, huyện
Đak Đoa) cầm đầu, tập trung vào địa bàn phía Nam huyện Đak Đoa và phía Bắc huyện
Chư Sê. Tại các vùng này, chúng xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, hoạt động
manh động, liều lĩnh, vừa khống chế người dân vừa tổ chức chống phá chính quyền,
kể cả việc hạ sát cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Đại tá Rah Lan Lâm-Phó giám đốc Công an tỉnh chủ trì cuộc họp với cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh đối nội. Ảnh: D.A. |
“Trận đánh hoàn hảo”
Trước tình hình đó, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp
chỉ đạo Công an tỉnh phải nhanh chóng bắt cho bằng được những đối tượng cốt
cán, cầm đầu, không để cho chúng phát triển lực lượng gây khó khăn cho ta. Chuyên
án B036 theo đó đã ra đời.
Bằng chiến thuật đồng bộ cả công khai lẫn bí mật, Phòng An
ninh đối nội phối hợp với nhiều lực lượng khác truy lùng, truy quét bóc gỡ cơ sở
trong làng, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức tuần
tra thị uy... tạo ra thế trận an ninh nhân dân, làm cho bọn cốt cán, cầm đầu rối
loạn, không dám nằm im một chỗ mà phải di chuyển khắp nơi nên xuất đầu lộ diện,
rơi vào thế giăng bẫy của trinh sát. Trước tình thế như “cá nằm trên thớt”, Yú
và một số tên cốt cán khác hoảng loạn tìm đường trốn sang Campuchia. Nắm được ý
đồ trốn chạy của Yú, một kế hoạch liên hoàn được Ban chuyên án triển khai thực
hiện. Theo đó, 2 trinh sát là người dân tộc thiểu số nhập vai người từ
Campuchia thực hiện chỉ đạo của FULRO ở nước ngoài thâm nhập vào nội địa dẫn đường
cho bọn chúng vượt biên ra nước ngoài. Ở một nhánh khác, 2 trinh sát đóng giả
người của cơ sở bên trong tìm cách tiếp cận các cơ sở của chúng để chuyển “mật
thư”, thu xếp cho bọn Yú sớm lên đường. Đúng như lời hẹn trong thư, tất cả tập
trung tại ngã ba Hàm Rồng (TP. Pleiku) để xe đón chở lên biên giới. Đúng 0 giờ
ngày 4-1-2005, chiếc xe vận tải chở 9 đối tượng, có cả Yú lọt vào vòng vây của
ta. Chúng đầu hàng vô điều kiện. Khi Yú biết tài xế và người dẫn đường đều là trinh
sát của Phòng An ninh đối nội, hắn lầm bầm “không ngờ”. Tiếp đó, đến tối
8-3-2005, ta bắt tiếp 3 tên theo kiểu này mà cả bọn FULRO trong và ngoài nước đều
không hay biết.
Chuyên án khép lại, kẻ địch bất ngờ trước thất bại mà không
tìm ra manh mối. Còn “dân trong nghề” thì cho rằng đây là “trận đánh hoàn hảo”.
Chuyên án kéo dài hơn 1.000 ngày
Những năm 2006-2009, nếu có điều kiện theo chân các trinh
sát của Phòng An ninh đối nội bám rừng, vượt dốc đến các huyện trong tỉnh mới
thấy nỗi gian truân, nguy hiểm mà họ thường gặp. Nào là muỗi đốt gây sốt rét,
nào là vắt bám nhiều như kiến. Nhưng ngại nhất là lúc băng rừng bị rắn độc cắn.
Mục đích của các trinh sát là tìm bắt cho bằng được tên Kpă Bình tự xưng là tỉnh
trưởng FULRO và đồng bọn hoạt động ở địa bàn Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Ayun
Pa, Chư Prông, Đak Đoa (Gia Lai) và Ea Hleo (Đak Lak). Qua công tác trinh sát,
Ban chuyên án phát hiện toán của Kpă Bình có 26 tên, chia thành 3 nhóm hoạt động
ở các địa bàn nói trên bằng tiền của tổ chức FULRO ở nước ngoài. Mục đích của
nhóm này cũng giống các nhóm khác là tuyên truyền thành lập cái gọi là “Nhà nước
Đê ga”, tổ chức biểu tình bạo loạn. Trong các đối tượng do Kpă Bình cầm đầu có
tên Siu Byơi (huyện Chư Sê) hoạt động cực kỳ ma mãnh. Siu Byơi đã chỉ đạo cho
gia đình đào hầm ngụy trang để hắn ẩn náu, khi cần thì trốn thoát. Miệng hầm được
ngụy trang từ bếp ăn và đào ra tới giếng nước nên rất khó phát hiện. Thường các
buổi tối, đêm khuya, Siu Byơi lén lút ra rừng gặp Kpă Bình cùng đồng bọn tổ chức
hàng chục cuộc họp với hàng trăm lượt đối tượng tham gia. Đáng chú ý là trong
đó có 6 cuộc họp tuyên truyền chủ trương biểu tình bạo loạn cho số cốt cán và 2
cuộc họp tuyên truyền kích động nhân dân. Chúng đã chuẩn bị băng rôn, khẩu hiệu,
lương thực, thực phẩm, gậy, dao, ná... để khi cần thiết thì tổ chức biểu tình bạo
loạn ngay. Ngoài ra, bọn chúng còn khống chế hàng loạt cán bộ cơ sở và nhân
dân, gây hoang mang trong quần chúng đến mức có người phải tự sát như ông Siu
Bum-Trưởng thôn Su B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh.
Nhận thấy tình hình vô cùng phức tạp nên Ban chuyên án quyết
định tấn công. Bằng những biện pháp và kế hoạch cụ thể, các trinh sát cũng đã
“câu” được Kpă Bình, Kpă Chin, Siu Byơi và Kpuih Kre ra khỏi “hang” để bắt sống.
Trong năm 2009, hàng chục đối tượng khác cũng cùng chung số phận. Chuyên án này
đã bóc gỡ 464 đối tượng là cơ sở FULRO tại 62 làng thuộc 17 xã của 3 huyện (Chư
Sê, Chư Prông, Phú Thiện), phá nhiều khung cấp tỉnh, quận, xã, làng, thu giữ
hơn 50 điện thoại và nhiều tài liệu, vũ khí thô sơ khác mà bọn chúng dùng để hoạt
động liên lạc và chỉ đạo chống phá Nhà nước ta.
Thực hiện chỉ đạo của các đối tượng FULRO sống lưu vong tại
Mỹ, Prông-kẻ tự xưng là Trưởng vùng FULRO cầm đầu hoạt động các xã Nam Đak Đoa
và Bắc Chư Sê không chịu thừa nhận thất bại của đồng bọn mà luôn móc nối với
các đối tượng khác để chống phá Nhà nước ta, nhất là kêu gọi biểu tình bạo loạn
nhân dịp hội nghị APEC 14 (tháng 11-2006).
Prông là đối tượng cực kỳ tinh quái, luôn đề cao cảnh giác.
Hắn ẩn nấp trong rừng nhưng luôn luôn thay đổi nơi ở và quy luật đi lại, ngay cả
đồng bọn cũng khó tiếp cận được. Do vậy, việc truy tìm và bắt giữ Prông là điều
không dễ dàng. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Ban chuyên án đã quyết định
dựng một kế sách đánh khác làm cho Prông hoàn toàn bất ngờ và bị động. Đó là
trinh sát dùng “bẫy”, rung ở một số khu vực thỉnh thoảng có bóng dáng tên này
xuất hiện nhưng thực chất là lừa cho Prông đi theo hướng Đức Cơ. Đúng như kế hoạch,
tối 18-8-2006, các trinh sát của Bộ Công an và Công an tỉnh cùng lực lượng Cảnh
sát Cơ động đã bắt sống Prông cùng một số đối tượng đang bí mật luồn rừng vượt
biên qua Campuchia.
Khi Prông và một số đối tượng cầm đầu bị bắt, Công an tỉnh
đã phát động tuyên truyền để mọi người dân thấy những việc làm sai trái của những
tên cốt cán FULRO này. Đồng thời khẳng định, khi những tên cốt cán FULRO đã bị
bắt thì không gì có thể ngăn cản được lực lượng chức năng chặn đứng hoạt động của
những tên còn lại. Kết thúc chuyên án trên, lực lượng Công an đã bắt 16 đối tượng,
vận động 6 đối tượng ra đầu thú, đấu tranh bóc gỡ 59 cơ sở trong làng và nhất
là vận động được 43 đối tượng đã nuôi giấu toán Prông ra trình diện, nhận lỗi với
nhân dân và cam kết không tái phạm.
Dẫn giải 2 đối tượng trong tổ chức FULRO lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” trốn ra rừng hoạt động về cơ quan chức năng. Ảnh: D.A.
|
Chưa dừng lại ở đây, qua các biện pháp công tác, trinh sát
phát hiện Rmah Ngăk ở huyện Ia Grai được những tên cầm đầu FULRO ở Mỹ gồm: Ama
Oanh, Puih Hlul, Rah Lan Hre, Ama Rơ Chel giao nhiệm vụ chỉ huy phát triển lại
lực lượng FULRO tại Ia Grai và Đức Cơ. Cũng qua công tác trinh sát, ta phát hiện
tên Ngăk đã xây dựng được 3 khung ngầm FULRO cấp xã, 8 khung FULRO cấp làng và
khống chế hơn 100 người tham gia hoạt động cho chúng. Không để chúng có cơ hội
hoạt động chống phá cách mạng và gây khó khăn cho đời sống nhân dân, Ban chuyên
án đã “tương kế tựu kế” áp dụng các biện pháp phù hợp để bắt nhóm này. Công tác
đầu tiên là sau khi nắm chắc tình hình thì bố trí lực lượng tuần tra, liên tục
tung các tin giả để đánh lừa, làm cho nhóm của Ngăk hoang mang dao động, không
dám cư trú một nơi cụ thể và tư tưởng bắt đầu lung lay muốn trốn sang
Campuchia. Đúng như kế hoạch của ta, tối 24-4-2007, Ban chuyên án đã tóm gọn
Rmah Ngăk cùng một số đối tượng khác khi di chuyển lên biên giới Ia Grai tìm đường
vượt biên sang Campuchia.
Cuối năm 2009, tà đạo “Hà Mòn” như cơn gió độc len vào các
buôn làng thuộc huyện Mang Yang, Đak Pơ, Đak Đoa. Đến năm 2012, hàng ngàn người
từ bỏ tôn giáo cũ, tôn giáo thuần túy, bỏ lao động sản xuất, thường xuyên tụ tập
cầu nguyện. Điều hết sức nguy hiểm là trong thời gian này, tại một số buôn làng
của người Bahnar, nhiều thanh niên đã ngang nhiên lập chốt, dựng barie tổ chức
canh gác không cho cán bộ và người dân ra vào làng, không cho đưa những người ốm
đau đến cơ sở y tế, không cho thanh niên tham gia nhập ngũ. Mặt khác, chúng tổ
chức học võ, chuẩn bị cung nỏ, hung khí, thách thức, chống đối, bất hợp tác với
chính quyền. Với phương thức, thủ đoạn như trên thì đây thực chất là hoạt động
của FULRO lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” để kích động tư tưởng ly khai, đòi tự trị,
đòi thành lập “tôn giáo riêng”, “nhà nước riêng” của người dân tộc thiểu số. Đặc
biệt, do sự o ép, khống chế của bọn cầm đầu nên một số cán bộ cơ sở của ta hoặc
hoạt động không hiệu quả hoặc bị chúng lôi kéo tham gia tà đạo “Hà Mòn”.
Trước tình hình đó, Ban chuyên án quyết định phải khẩn
trương xóa sổ hoạt động của các nhóm đối tượng này, trước mắt là vô hiệu hóa số
đối tượng cầm đầu cốt cán, cảm hóa giáo dục người bị lôi kéo, giải tỏa sự khống
chế quần chúng và cán bộ cơ sở của các đối tượng. Trong thời gian ngắn, bằng biện
pháp nghiệp vụ sắc bén, các trinh sát đã nắm tường tận nơi ẩn náu, quá trình hoạt
động, di chuyển, mối quan hệ của các cơ sở ngầm, nguồn tiếp tế tài liệu, lương
thực, thực phẩm, dao gậy... Vì vậy, Ban chuyên án đã tổ chức một trận đánh úp,
đồng loạt ra quân bắt giữ 19 đối tượng do Y Gyin, Byuk, Jơnh, Rung, Rui, Ger,
Yinh cầm đầu ở huyện Mang Yang, Đak Pơ, Đak Đoa, Chư Pah. Sau đó, các trinh sát
đã gọi hỏi hơn 300 đối tượng, phá rã 2 hệ thống khung ngầm FULRO cấp tỉnh lợi dụng
tà đạo “Hà Mòn”, một hệ thống khung chính quyền phụ trách các hoạt động chung của
bọn chúng với hơn 20 đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, sau năm 2012 vẫn còn rải
rác một số đối tượng trốn vào rừng để hoạt động tà đạo “Hà Mòn”. Tháng 3-2020,
các trinh sát đã lội rừng, vượt núi bắt gọn 3 đối tượng. Đây được xem là 3 đối
tượng cuối cùng trong tổ chức FULRO lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” trốn vào rừng để
hoạt động chống phá Nhà nước.
Cùng với những hoạt động của các đối tượng FULRO thì tại Gia
Lai cũng xuất hiện một số đối tượng có nhiều hoạt động chống phá Nhà nước, gây
chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, làm khó khăn cho các hoạt động của chính quyền
và nhân dân địa phương. Trong số này phải kể đến Nguyễn Hồng Trung và Nguyễn
Công Chính.
Trước hết nói về Nguyễn Hồng Trung. Người đàn ông này có địa
chỉ cư trú tại xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê. Năm 2016, Nguyễn Hồng Trung đã trở
thành thành viên chính thức của “Câu lạc bộ Hoa Mai” dưới sự chỉ đạo của Trịnh
Thị Kim Anh-Giám đốc Đài phát thanh Hoa Mai, một tổ chức chống phá Nhà nước Việt
Nam. Suốt từ năm 2006 đến 2014, Trung có nhiều hoạt động chống phá Nhà nước Việt
Nam, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Nhưng do chính sách nhân đạo của Nhà nước
ta, cộng với sự khai báo thành khẩn và thừa nhận hành vi phạm pháp nên cơ quan
an ninh chỉ xử lý về mặt hành chính để tạo điều kiện cho Trung từ bỏ con đường
sai trái trở về làm người lương thiện. Trong cam kết của mình, Trung tuyên bố
không tham gia tổ chức phản động “Đảng vì dân”, không quan hệ liên lạc và viết
bài nói xấu Nhà nước Việt Nam cho tổ chức phản động này. Hiện nay, Trung không ở
tại xã Bờ Ngoong mà chuyển về TP. Pleiku cư trú. Với những gì mà cơ quan an
ninh đã biết và cũng đã tạo điều kiện để Trung làm lại cuộc đời, mong rằng ông
ta cần sớm giác ngộ, từ bỏ con đường sai trái làm người lương thiện có ích
không những cho xã hội, gia đình mà còn cho chính bản thân.
Đại tá Vũ Văn Lâu-Giám đốc Công an tỉnh (thứ 2 từ trái sang) khen thưởng các đơn vị có thành tích trong việc bắt giữ 3 đối tượng hoạt động tà đạo “Hà Mòn” cuối cùng. Ảnh: D.A. |
Với mức án 11 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”
(tính từ ngày 28-4-2011) thì thấy rõ Nguyễn Công Chính là đối tượng chống phá
Nhà nước Việt Nam nguy hiểm như thế nào. Nguyễn Công Chính còn có tên là Nguyễn
Thành Long, sinh năm 1959 tại Thừa Thiên-Huế, trú tại phường Hoa Lư, TP.
Pleiku. Từ năm 2006, Nguyễn Công Chính thành lập ra một tổ chức tôn giáo trái
phép được gọi là “Hiệp hội thông công Tin lành các dân tộc Việt Nam” do Chính
làm chủ tịch, các đối tượng: Đằng Năng Quyền ở Bình Thuận làm phó chủ tịch; Y
Djik ở Gia Lai, sau đó là Đinh Thanh Trường ở Quảng Ngãi làm tổng thư ký và Y
Bra Niê ở Đak Lak làm tổng thủ quỹ. Liên tục từ năm 2006 đến 2010, Nguyễn Công
Chính đã có những hoạt động hết sức nguy hiểm, gây hại cho dân tộc như phát tán
những tài liệu có nội dung vu khống Nhà nước Việt Nam trên trang diễn đàn tự do
dân chủ ở nước ngoài. Chính cho rằng Việt Nam đã vi phạm tự do tôn giáo, đàn áp
đồng bào dân tộc thiểu số.... Chính đã tổ chức nhiều đợt lập hồ sơ thương phế
binh của chế độ cũ với số lượng 133 người để xin nước ngoài tiền viện trợ nhưng
thực chất là để có kinh phí hoạt động kích động hận thù, gây chia rẽ giữa những
người từng tham gia chế độ cũ ở miền Nam với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam. Năm 2008, Chính liên kết với Y Hin Niê (đối tượng FULRO lưu vong ở Mỹ)
thành lập cái gọi là “Hội thánh liên hữu Tin lành đấng Christ Việt Nam” do
Chính làm phó cho Niê. Ngày 28-5-2008, cơ quan Công an phát hiện Nguyễn Công
Chính đã lưu trữ trong máy tính 22 tài liệu có nội dung tuyên truyền gây chia rẽ
chính quyền, lực lượng Công an với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Điều bịa đặt hết sức trắng trợn Nguyễn Công Chính đã làm mà
những người dân lương thiện không bao giờ nghĩ tới, đó là Thạch Thanh Nô, dân tộc
Khmer ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh do uống rượu say chạy xe máy trên đường thì
tự ngã chết. Nhưng sau đó, Nguyễn Công Chính đã chỉ đạo cho một số người ở TP.
Hồ Chí Minh soạn thảo cái gọi là “Thông báo khẩn cấp” dưới danh nghĩa “Phòng
thông tin Tin lành các dân tộc Việt Nam” bằng tiếng Việt và tiếng Anh do Nguyễn
Công Chính ký, gửi các tổ chức phản động ngoài nước cho rằng Thạch Thanh Nô
đang hoạt động tôn giáo thì bị đánh chết. Vấn đề này tại phiên tòa phúc thẩm của
Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng ngày 31-7-2012 đã xác định, đây thực chất
là hành vi chia rẽ giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và dân tộc Khmer.
Năm 2010, Nguyễn Công Chính liên kết với Trần Thanh Vân-Chủ
tịch Hội đồng liên tôn tại Mỹ lập ra cái gọi là “Giáo hội liên hữu Lutheran Việt
Nam và Hoa Kỳ”. Sau đó, Chính liên kết với nhiều đối tượng khác để chia sẻ về tổ
chức bất hợp pháp này. Chưa dừng lại ở đây, Nguyễn Công Chính còn móc nối, câu
kết với nhiều cá nhân ở nước ngoài như Nguyễn Chính Kết (khối 8406, ở nước
ngoài), Phan Minh Hiển, Nguyễn Xuân Dũng, Y Hin Niê và các đối tượng lợi dụng
tôn giáo khác như Nguyễn Văn Lý, Thích Quảng Độ, Thích Không Tánh hoặc số cơ hội
chính trị như Đỗ Nam Hải, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân để chống phá Nhà nước
Việt Nam.
Điều cực kỳ nguy hiểm ở Nguyễn Công Chính là tham gia vào
các tổ chức đã nói trên với mục đích là xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam và liên kết với các đối tượng của cái gọi là “Nhà nước
Đê ga” để đòi tự trị cho các dân tộc Tây Nguyên. Khi các đối tượng cầm đầu
trong tổ chức FULRO, “Tin lành Đê ga” bị Công an bắt giữ và đưa ra xét xử như
chúng tôi đã trình bày ở các bài trước thì Chính luôn cho rằng những người này
hoạt động tôn giáo bị chính quyền đàn áp xử tù. Nguy hiểm hơn, Nguyễn Công
Chính luôn lớn tiếng yêu cầu phải thả hết những người hoạt động FULRO, “Tin
lành Đê ga” bị các cơ quan pháp luật điều tra, truy tố, xét xử hiện đang bị
giam giữ, cải tạo... Trong các ngày 26-3-2012 và 31-7-2012, khi Tòa án nhân dân
tỉnh Gia Lai và Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đưa ra xét xử, Chính thừa
nhận: Có thực hiện việc soạn thảo và phát tán các văn bản như “Thông tin Tây
Nguyên”, “Thông báo khẩn cấp”, “ Thư ngỏ”, “Văn thư”, “Kiến nghị thư” và nhiều
hoạt động chống phá khác. Vì vậy, Hội đồng xét xử thấy có đủ cơ sở để khẳng định
Nguyễn Công Chính phạm tội “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 87 Bộ luật
Hình sự.
Để chứng minh những việc làm sai trái của Nguyễn Công Chính
và Nguyễn Hồng Trung, cơ quan Công an mà cụ thể là Phòng An ninh đối nội đã phải
cử trinh sát nhiều năm liền theo dõi, phân tích, đánh giá những việc làm của 2
người này gây nguy hại như thế nào cho đất nước và có những biện pháp xử lý phù
hợp. Đó là một chuỗi dài mà Phòng An ninh đối nội phải hết sức vất vả vượt qua
nhiều khó khăn mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Duy Anh
Nguồn Báo điện tử Gia Lai.
Phòng An ninh đối nội xứng danh anh hùng
Reviewed by Tây Nguyên mến yêu
on
15:17
Rating:
Không có nhận xét nào: