Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

DU LỊCH GIA LAI TRONG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KHU VỰC TÂY NGUYÊN

Gia Lai là một trong năm tỉnh Tây Nguyên có cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa truyền thống bản địa còn đậm nét, người dân hiền hòa hiếu khách. Những địa danh nổi tiếng của Gia Lai được du khách biết đến như Biển Hồ, núi lửa Chư Đang Ya, chùa Minh Thành, vườn quốc gia Kon Ka Kinh, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, thác 50, thác Mơ, thủy điện Ia Ly... Đặc biệt, Gia Lai là cái nôi của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-di sản phi vật thể, đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận và cũng là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện tiêu biểu như Festival cồng chiêng, Lễ hội Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Vua lửa)- huyện Phú Thiện, Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống đa và Hội cầu huê vào ngày Mồng 4 tháng Giêng âm lịch (thị xã An Khê)…thu hút đông đảo du khách trong những năm gần đây.

Hồ Tân Sơn (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, Gia Lai). Ảnh: Huy Tịnh.

Những đặc điểm về thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của Gia Lai là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái-văn hóa đang là xu hướng phát triển của du lịch trên thế giới, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, cải thiện đời sống, từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Thực trạng phát triển du lịch của Gia Lai trong thời gian qua

Âm vang hoàng hôn. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh.
Giai đoạn 2016-2020 có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức đối với vai trò, vị trí của du lịch trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các cấp ủy đảng, chính quyền; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự đi vào cuộc sống. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, từng bước thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các điểm du lịch tạo định hướng chiến lược phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn này Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt đề án bổ sung khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Từng bước đổi mới phương thức và nội dung trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Gia Lai đến khách du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng. Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa thu hút đông đảo lượng khách du lịch,  tham quan đến tỉnh như Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, Lễ hội hoa Dã quỳ- núi lửa Chư Đang Ya...

Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh.

Nhờ đó, hoạt động du lịch năm 2019 tăng trưởng cao. Tổng lượt khách du lịch, tham quan đạt 845.000 lượt, tăng 25,5% so với năm 2018, đạt 100,6% so với kế hoạch, trong đó chủ yếu khách nội địa đạt 830.000 lượt, tăng 25,9% so với năm 2018, khách quốc tế đạt 15.000 lượt, tăng 7,6% so với năm 2018. Tổng thu du lịch đạt 510 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018. 

Đến nay, toàn tỉnh có 92 cơ sở lưu trú, với 2.324 phòng, có 63 khách sạn từ hạng 1-4 sao, chiếm 68,5%; 13 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 7 doanh nghiệp lữ hành nội địa.  

Công tác xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch được chú trọng, Sở đã tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 108/2019/NQ-HĐNĐ về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; các kế hoạch phát triển du lịch năm 2019, kế hoạch phát triển du lịch cụm huyện, thị xã: An Khê, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro giai đoạn 2019-2023...

Ruộng bậc thang xã H Bông (huyện Chư Sê).
Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh - Nguyễn Quang Thành.
Tuy nhiên, Du lịch Gia Lai chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế vì còn nhiều hạn chế như: Sản phẩm du lịch chưa tạo sức hấp dẫn thu hút khách, các điểm tham quan, du lịch của tỉnh thiếu dịch vụ, chưa khai thác được các lễ hội truyền thống gắn với hoạt động du lịch, chưa đa dạng về sản phẩm hàng lưu niệm từ các nghề truyền thống để cung cấp cho du khách. Cảng hàng không Pleiku chưa được mở rộng nhiều tuyến bay đến các tỉnh thành trong nước để tăng cường kết nối hàng không với các thị trường có nguồn khách du lịch. Năng lực của doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh còn hạn chế về nguồn vốn, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa đủ tầm để khai thác các thị trường lớn và đầu tư cho hoạt động du lịch. 

Du lịch Gia Lai trong liên kết phát triển khu vực Tây Nguyên

Thời gian qua, các địa phương trong khu vực Tây Nguyên đã có nhiều cố gắng trong việc liên kết phát triển du lịch, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, chủ yếu vẫn là các hoạt động ký kết chương trình hợp tác, xây dựng gian hàng chung tại một số sự kiện du lịch nhưng chưa chú trọng về quảng bá, hỗ trợ nhau cùng  phát triển.

Để phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch của khu vực Tây Nguyên cần tập trung một số nhiệm vụ sau:

- Về liên kết phát triển sản phẩm: Các sản phẩm chính cho khu vực Tây Nguyên là du lịch tìm hiểu văn hóa người dân tộc tại chỗ (Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum), du lịch nghỉ dưỡng (Lâm Đồng), du lịch sinh thái (Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai), du lịch nông nghiệp (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum); du lịch lưu trú tại nhà dân. Phải tạo được mối liên kết phát triển giữa các địa phương trong  xây dựng sản phẩm để vừa đa dạng hóa sản phẩm vừa tránh sự trùng lặp giữa các địa phương trong khu vực, tạo sức hút đối với du khách, tránh sự riêng lẻ cục bộ như hiện nay. Tranh thủ  nguồn khách từ các vùng lân cận và các đầu mối gửi khách lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng để khai thác các tuyến du lịch liên vùng. Các tỉnh trong khu vực cần tổ chức các chương trình khảo sát nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch tới các công ty lữ hành, tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong ngành về sản phẩm du lịch nhằm quảng bá sản phẩm du lịch của khu vực đến các công ty lữ hành. Đầu tư các tuyến du lịch trọng điểm như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Con đường huyền thoại - đường mòn Hồ Chí Minh”, “Du lịch hành lang Đông – Tây”... Đây là những tuyến du lịch giúp phát huy tài nguyên du lịch của các tỉnh Tây Nguyên.

Vòng xoang ngày hội. Ảnh: Trần Quang Hồng.

- Về hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch: Cơ quan xúc tiến du lịch của mỗi địa phương cần cung cấp thông tin một cách tin cậy, hợp tác về xúc tiến điểm đến, tuyên truyền quảng bá du lịch, cung cấp thông tin quản lý và tình hình thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch. Thường xuyên gặp gỡ trao đổi về cách thức quản lý, xúc tiến du lịch, ký kết về hỗ trợ phát triển du lịch, tranh thủ sự giúp đỡ trong công tác quảng bá tại các sự kiện du lịch.

Các địa phương duy trì việc đăng cai, tổ chức các lễ hội, sự kiện về văn hóa, thể thao, du lịch, ẩm thực, âm nhạc định kỳ như Festival hoa, Festival cồng chiêng…một cách liên hoàn, tránh trùng lắp về nội dung, hình thức và thời gian. Điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chào bán chương trình du lịch và giúp khách du lịch có thể thưởng thức nhiều sự kiện trong một chuyến đi. Ngoài việc thu hút lượng du khách đến tham gia sự kiện, với sự hỗ trợ của truyền thông các địa phương có thể quảng bá thêm về khả năng cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ các sự kiện lớn và giới thiệu được hình ảnh du lịch địa phương.

Các địa phương liên kết tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch để mang lại hiệu quả tốt hơn như: Tổ chức các chương trình khảo sát du lịch liên vùng (khảo sát nhiều địa phương trong một chương trình) để dễ dàng xâu chuỗi các tuyến điểm du lịch; tổ chức Ngày hội Du lịch khu vực hoặc liên vùng; duy trì việc tham gia gian hàng chung các sự kiện du lịch uy tín; liên kết website du lịch để thuận tiện trong việc tra cứu thông tin.

- Về đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch: Chú trọng nâng cấp các khu du lịch, điểm du lịch hiện đang khai thác, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch mới tạo sự khác biệt trong sản phẩm ở mỗi khu, điểm du lịch góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực Tây Nguyên.

- Phối hợp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông, thông tin liên lạc… ở các cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Bờ Y, cửa khẩu quốc gia Bu Prăng để vừa phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ vừa là cửa ngõ để đón khách du lịch vào Việt Nam. Nâng cấp sân bay Pleiku hoặc sân bay Buôn Ma Thuột thành sân bay quốc tế để thuận lợi khai thác du lịch đường hàng không. Trang bị và đầu tư các phương tiện vận chuyển đường bộ đạt chất lượng phục vụ du lịch tạo sự đồng bộ trong dịch vụ.

- Hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch về chuyên môn, ngoại ngữ để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Trao đổi kinh nghiệm về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh khách sạn và dịch vụ vui chơi giải trí...

- Đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ với các nước láng giềng: Lào, Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch khi tham gia các chương trình du lịch bằng xe tự lái (caravan).

- Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững đối với các cấp các ngành, doanh nghiệp, cộng đồng nhằm bảo vệ được môi trường sinh thái, văn hóa. Vận động người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch để bảo tồn, phát huy văn hóa hiệu quả.

- Có phương án phối hợp trong công tác an ninh chính trị, an toàn xã hội của khu vực đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững về mặt xã hội, tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách.

Một góc Biển Hồ. Ảnh: Ngô Thành Công.

Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, việc tăng cường sự liên kết giữa các địa phương là rất cần thiết để nâng cao tính hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch và nâng cao hiệu quả của các hoạt động xúc tiến quảng bá trên thị trường trong và ngoài nước./.

Trần Ngọc Nhung
TUV, Giám đốc Sở VH, TT và DL

Bài đăng trên Chuyên san "Du lịch Gia Lai - Tiềm năng và Triển vọng"

DU LỊCH GIA LAI TRONG LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KHU VỰC TÂY NGUYÊN Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 07:36 Rating: 5

1 nhận xét:

  1. Play Online Casino No Deposit Bonus Codes
    Top free casino bonus no deposit bonus codes for fm 카지노 USA players. slots no deposit casino bonus codes for USA players. All of these new no deposit casino

    Trả lờiXóa

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.