Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

Để du lịch Gia Lai trở thành ngành kinh tế mũi nhọn


Khung cảnh nguyên sơ đẹp nao lòng trên đỉnh thác K50. Ảnh: Nguyễn Xuân Tuyến.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 26/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng, nhất là trong 02 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đồng chí Dương Văn Trang - UVBCHTW Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát
phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên
Kon Chư Răng, huyện Kbang. Ảnh: Huy Bảo.
Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, ngày 26/6/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 43-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều nhóm giải pháp như: đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đảm bảo nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có chính sách đột phá; cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; tập trung phát triển sản phẩm du lịch cụ thể của từng địa phương; kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch; nâng cao vai trò tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến cấp huyện...

Biển Hồ (thành phố Pleiku). Ảnh: Phan Xuân Nguyên.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của nhiều địa phương, đơn vị, ngành du lịch của tỉnh đã có những khởi sắc: Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã có sự đầu tư đáng kể; hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch ngày càng phát triển(1). Một loạt dự án du lịch, kế hoạch tổ chức các sự kiện du lịch đã được triển khai, như: tổ chức hội thảo khu di chỉ Rộc Tưng, Tây Sơn thượng đạo tại An Khê; Phú Thiện phục dựng lễ hội cầu mưa; Kbang tổ chức ngày hội du lịch; Chư Pah tổ chức lễ hội dã quỳ và Chư Đăng Ya... Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, như: Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; phát triển du lịch Tây Nguyên và Nam Trung bộ; du lịch vùng Tây Nguyên... Đồng thời, vận động các doanh nghiệp tham gia các chương trình Famtrip của các tỉnh lân cận (Bình Định, Phú Yên, Đak Lak, Kon Tum…) nhằm kết nối sản phẩm và hỗ trợ nhau cùng phát triển… Nhờ đó, Gia Lai đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách(2).

Sự phát triển của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống nhân dân... Tuy nhiên, kết quả đạt được so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh còn hạn chế. Tốc độ phát triển du lịch còn chậm, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa cao; đóng góp của ngành du lịch vào GDP của lĩnh vực dịch vụ trong những năm qua chiếm tỷ trọng thấp; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách, nhất là du khách quốc tế. Đầu tư du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, việc thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các nguồn vốn để phát triển du lịch chưa nhiều. Cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch chưa thật sự hấp dẫn, thông thoáng, đặc biệt là vấn đề giao đất, giải phóng mặt bằng của dự án, chưa tạo được hành lang thuận lợi thu hút đầu tư du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông đến các điểm du lịch ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách. Công tác quản lý nhà nước và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành để tập trung quản lý, phát triển du lịch chưa chặt chẽ. Các chính sách ưu tiên phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đáp ứng yêu cầu... 

Toàn cảnh núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Pah) - (Ảnh lớn bên trái) - Ảnh Nguyễn Ngọc Hòa. Hòn đá biểu tượng của núi lửa Chư Đang Ya - (Ảnh nhỏ trên bên phải) - Ảnh Quốc Nguyên. Con đường dẫn vào Chư Đang Ya ngập tràn hoa Dã quỳ - (Ảnh nhỏ  dưới bên phải) - Ảnh: Doãn Vinh.

Để hoạt động du lịch của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong thời gian tới đề nghị các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đảm bảo nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có chính sách đột phá. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 35-CTr/TU, ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với Kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017  - 2020. Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội; có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, sự quản lý thống nhất của nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò, động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, cũng như trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân đối với phát triển ngành du lịch. Nâng cao dân trí và văn hóa cho nhân dân tại các điểm, khu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch với các hình thức linh hoạt, phong phú, từng bước tạo dựng và nâng cao hình ảnh du lịch Gia Lai để giới thiệu rộng rãi trong nước và ngoài nước.

Ba là, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển du lịch để có cơ sở pháp lý huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đã được xác định tại Quyết định 525/QĐ/UBND, ngày 04/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của du khách bao gồm hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng… Có chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển các dự án du lịch, dịch vụ quy mô lớn tại địa bàn; đồng thời lựa chọn một số loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng để có cơ chế thu hút đầu tư hiệu quả. Xây dựng, phát triển du lịch cụm huyện, thị xã: An Khê, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro; phát huy lợi thế về giá trị Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo gắn với tài nguyên sinh thái, văn hóa để phát triển du lịch.

Bốn là, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch; đổi mới cách thức, nội dung, đảm bảo thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, nghiên cứu thị trường du lịch, xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá du lịch trung hạn và dài hạn, từng bước hình thành thương hiệu cho sản phẩm du lịch Gia Lai. Tăng cường và triển khai thực hiện có hiệu quả phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh vùng Tây Nguyên và vùng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tham gia giới thiệu sản phẩm du lịch tại các hội chợ du lịch như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội (ITM), Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE); tổ chức xúc tiến giới thiệu điểm đến du lịch Gia Lai tại các thị trường tiềm năng: Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế. Bên cạnh đó, phối hợp với công ty lữ hành các tỉnh như: Bình Định, Phú Yên, Đak Lak giới thiệu, tạo các tour du lịch; tham gia liên kết các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch tại các chương trình, sự kiện xúc tiến du lịch; lập website du lịch; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch trên các ấn phẩm báo, tạp chí.

Bức tranh mùa hoa muồng vàng rực rỡ tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Ảnh: Phan Nguyên.

Năm là, có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác đào tạo trong lĩnh vực du lịch, đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực du lịch. Xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng ứng xử, trình độ ngoại ngữ, thái độ lịch sự, văn minh cho cán bộ quản lý và lao động trực tiếp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch và giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia vào hoạt động du lịch.  

Sáu là, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp về du lịch. Theo đó, tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch tỉnh Gia Lai thật sự văn minh, an toàn, thân thiện, hấp dẫn khách du lịch. Tăng cường phối hợp, liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực, các địa phương để phát triển du lịch; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát chặt chẽ, duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ...

Dương Văn Trang
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

Bài đăng trên Chuyên san "Du lịch Gia Lai - Tiềm năng và Triển vọng"

-----
(1) Toàn tỉnh hiện có 81 khách sạn với tổng số 2.095 buồng (khách sạn hạng 1-4 sao có 63 khách sạn, chiếm 64,2%); có 13 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 7 doanh nghiệp lữ hành nội địa...
(2) Năm 2017, tổng lượt khách đến Gia Lai đạt 504.373 lượt, tăng 22%, trong đó khách quốc tế đạt 11.115 lượt, tăng 22,5%, khách nội địa đạt 493.258 lượt, tăng 22%, tổng doanh thu ước đạt 245 tỷ đồng, tăng 21%, nộp ngân sách ước đạt 23 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Năm 2018, tổng lượt khách du lịch đến Gia Lai đạt 670 ngàn lượt, tăng 34% so với năm 2017, tổng doanh thu đạt 305 tỷ đồng, vượt 24% so với năm 2017. Năm 2019, ước có 845.000 lượt khách đến tỉnh, tăng 25,5% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế 15.000 lượt), tổng doanh thu ước đạt 510 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Để du lịch Gia Lai trở thành ngành kinh tế mũi nhọn Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 07:56 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.