Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

VẬN DỤNG LỢI THẾ TRONG KHU VỰC TAM GIÁC PHÁT TRIỂN CAMPUCHIA - LÀO - VIỆT NAM ĐỂ ĐẨY MẠNH, PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH



Vùng tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch mà không phải ở đâu cũng có nhưng vẫn chưa được đánh thức. Tiềm năng có thể nhìn nhận trên nhiều góc độ khác nhau như sản phẩm du lịch, liên kết phát triển và chính sách thúc đẩy.

Lợi thế kết nối đa sắc

Cùng với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên, Gia Lai là một trong những tỉnh chứa đựng nhiều trầm tích lịch sử, văn hóa bản địa và tiềm năng du lịch sinh thái nhờ thiên nhiên ban tặng. Hệ thống rừng đặc dụng có điểm nhấn vườn quốc gia Kon Ka Kinh và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Hệ thống sông hồ thì có địa hình đặc trưng tạo dấu ấn nên thác Phú Cường, thác Ya Ma-Yang Yung, thác Ia Nhí, thác 50... Bên cạnh đó, hồ nhân tạo, các khe suối, tụ thủy nằm bên những cánh rừng thông ba lá xanh ngút ngàn xen lẫn những vạt dã quỳ vàng rực rỡ đã kiến tạo nên hồ Tơ Nưng (Biển Hồ), cánh đồng Ia Sol, Plei Ốp, Ayun Hạ, Hồ Ia Ly có diện tích từ 200-1.000 ha... Cùng với đó, không gian lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đang là lợi thế cho những ai đang tìm về bản sắc văn hóa dân tộc. Du khách cũng có thể cảm nhận một nét văn hóa độc đáo khi đến với các thôn làng truyền thống đầy bản sắc đã tồn tại hàng trăm năm trên địa bàn tỉnh Gia Lai với những nhạc cụ thô sơ được làm từ chất liệu của núi rừng, hay tìm hiểu về những điệu múa, lời ca của cộng đồng các dân tộc Jrai, Bahnar...; hoặc ghé thăm, mua sắm các sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc; chiêm nghiệm các kiến trúc nhà rông, nhà mồ; sử thi Đăm noi, Dyông Dư, Bia Brâu, H’Điêu... Không những thế, nhờ bàn tay sáng tạo tài hoa của nhiều thế hệ lao động cộng cư và sự định hướng của lãnh đạo địa phương qua nhiều thời kỳ đã tạo nên một kiến trúc Pleiku, một Gia Lai từng bước hiện đại với các nhà cao-thấp xen kẽ cây xanh từ Quảng trường Đại đoàn kết, Trụ sở UBND tỉnh, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, hồ Diên Hồng đến một số điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng như chùa Minh Thành, Thiền viện Trúc Lâm... Ngoài du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thiên nhiên, Gia Lai còn là điểm đến của du lịch lịch sử với Tây Sơn Thương đạo, Chiến thắng Plei Me, chiến thắng Đak Pơ, làng kháng chiến Stơr...

Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Phan Nguyên.

Vận dụng trên nền tảng chính sách và đánh thức tiềm năng

Cũng giống như Gia Lai, nhiều địa phương của đất nước Lào và Campuchia cũng có thế mạnh về tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Chẳng hạn, tỉnh Attapeu (Lào) có cao nguyên Bolaven trải rộng khắp Attapeu; có khu bảo tồn sinh thái quốc gia Dong Ampham (NBCA); hệ thống thác ghềnh như ghềnh Phạ Phoong, thác Noong Phạc, Xe Pha, Xe Poong Lay, hồ Kay Ôộc; có chiến khu cách mạng Lào và văn hóa của các bộ tộc Lào. Tỉnh Ratanakiri (Campuchia) có vườn quốc gia Virachay, có thác Ou’Sean Lair, thác Kachang, khu bảo tồn hoang dã Lumphat, rừng Norng Kabat; văn hóa có Bảo tàng Thủ công mỹ nghệ gần Hồ Yeak Loam...

Các hiệp định, thỏa thuận ký kết giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam về hợp tác phát triển vùng tam giác CLV đều đề cập đến nội dung hợp tác phát triển du lịch, gần đây nhất là trong Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Khu vực tam giác phát triển CLV lần thứ 10 ngày 31/3/2018 tại Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ của ba nước đã nhấn mạnh tiềm năng phát triển du lịch bền vững của khu vực tam giác phát triển CLV và khuyến khích việc tạo thuận lợi đi lại cũng như tăng cường xúc tiến du lịch Ba quốc gia một điểm đến.  Cụ thể với các nội dung sau: (1) Đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn liền với sự phát triển của ngành lâm nghiệp, các ngành khai thác tài nguyên; gắn liền với bảo tồn cảnh quan và bảo vệ môi trường tự nhiên. (2) Đầu tư phát triển các điểm du lịch văn hóa gắn liền với khôi phục và phát triển các truyền thống văn hóa của các dân tộc sống trên địa bàn. (3) Chuẩn bị các điều kiện và tiến tới hình thành các tuyến du lịch từ nội vùng ra ngoại vùng và liên quốc gia, kết hợp du lịch biển, du lịch văn hoá của Việt Nam với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa của Campuchia và Lào... (4) Đầu tư các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, các cơ sở phục vụ lưu trú của khách du lịch tạo điều kiện tăng thu nhập từ du lịch đảm bảo hiệu quả của kinh doanh du lịch... (5) Tập trung, phối hợp phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch. (6) Chú trọng các hoạt động ưu tiên khác phục vụ cho cả lĩnh vực thương mại và du lịch. 

Tuy nhiên, việc tận dụng và khai thác tiềm năng riêng chuyên biệt của mỗi địa phương cũng như sự liên kết hiện vẫn chưa xứng tầm. Nguyên nhân một phần là do quy mô và cách thức tổ chức còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết trong phát triển của các địa phương trong khu vực CLV cũng như thiếu sự kết nối giữa cộng đồng, giữa doanh nghiệp và các tổ chức làm du lịch với nhau; chưa khai thác thế mạnh sản phẩm địa phương; việc đầu tư hạ tầng du lịch còn manh mún... Nhiều địa phương có nhiều tiềm năng từ sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử nhưng rất thiếu các sản phẩm du lịch sinh thái đích thực, đặc sắc, hấp dẫn mà chủ yếu vẫn là gắn kết những thứ sẵn có của tự nhiên; chưa gắn kết có hiệu quả du lịch văn hóa lịch sử với những sản phẩm đặc thù, đồng thời có tính sáng tạo của con người để nâng cao giá trị gia tăng nhằm bảo vệ môi trường. Ví dụ các tour tham quan thác, hồ nước, làng đồng bào, di tích lịch sử... cần được thiết kế thành tổ hợp, liên kết thành chuỗi một cách khoa học và các sản phẩm bổ sung để kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu nhiều hơn. Ngoài ra, việc khai thác các tiềm năng du lịch, nhất là du lịch team building còn mang tính tự phát nên chưa chủ động khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường tự nhiên. Những yếu kém này không phát huy được tiềm năng du lịch đặc sắc về môi trường “xanh” đối với vùng tam giác CLV.

Để khai thác tiềm năng lợi thế du lịch, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng tam giác, theo chúng tôi cần có những giải pháp: Thứ nhất, thành lập tổ công tác cấp quốc gia của ba nước Camphuchia, Lào và Việt Nam để phối hợp hành động, điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch trong khu vực tam giác. Thứ hai, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hợp tác phát triển du lịch khu vực, trong đó cần tích cực tham gia các chương trình hợp tác du lịch, đặc biệt là các chương trình marketing chung nhằm bán các sản phẩm trọn gói chung giữa ba nước, các chương trình phối hợp hành động chung giữa các cơ quan du lịch quốc gia của ba nước. Thứ ba, tổ chức các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, xây dựng các chương trình du lịch mềm dẻo có thể thay đổi các thành tố theo yêu cầu của khách hàng. Thứ tư, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Thứ năm, hợp tác về bảo vệ cảnh quan, môi trường. Đưa việc quản lý và bảo vệ môi trường là một thành phần không thể tách rời của quá trình phát triển du lịch, đóng góp cho việc bảo vệ, duy trì các khu vực tự nhiên và hệ sinh thái đảm bảo đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Cuối cùng là hợp tác về an ninh, an sinh xã hội. Bởi vì khi du lịch phát triển, việc giao lưu thông thoáng, thuận lợi trong khu vực dễ xuất hiện các vấn đề về an ninh, an sinh xã hội như: buôn lậu, trộm cắp, mãi dâm, ma tuý, dịch bệnh...

Hy vọng rằng trong tương lai gần, du lịch Gia Lai sẽ tháo gỡ được những khó khăn và vận dụng lợi thế để đẩy mạnh phát triển. Đặc biệt là chúng ta không bỏ lỡ cơ hội thông qua nền tảng công nghệ hỗ trợ việc kết nối giữa người có nhu cầu và người cung cấp dịch vụ để tạo ra dịch vụ cụ thể, phù hợp nhất cho du khách trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0./.

Nguyễn Tùng Khánh
Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Gia Lai. 

Bài đăng trên Chuyên san "Du lịch Gia Lai - Tiềm năng và Triển vọng"

VẬN DỤNG LỢI THẾ TRONG KHU VỰC TAM GIÁC PHÁT TRIỂN CAMPUCHIA - LÀO - VIỆT NAM ĐỂ ĐẨY MẠNH, PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 14:50 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.