Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

17/3/1975 - DẤU MỐC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Cách đây vừa tròn 45 năm, trong những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975, cùng với các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và toàn miền Nam, quân và dân tỉnh Gia Lai đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà.

Mít tinh chào mừng miền Nam và tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng, ngày 15/5/1975. Ảnh: Tư liệu.

Chiến thắng của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1974 đầu năm 1975 đã tạo sự khủng hoảng, suy sụp toàn diện của chế độ Mỹ - ngụy, làm thay đổi căn bản về so sánh lực lượng giữa ta và địch từ sau Hiệp định Pari và cho thấy khả năng giải phóng miền Nam của nhân dân ta có thể tiến hành với nhịp độ nhanh hơn.

Tuy nhiên với bản chất ngoan cố, Mỹ - ngụy ngang nhiên vi phạm Hiệp định đình chiến, liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng ta làm chủ, gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Trước tình hình trên, tháng 10/1973, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21 (Khóa III) ra Nghị quyết “thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới”. Trung ương Đảng đã đánh giá toàn bộ tình hình miền Nam nước ta và khẳng định “con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình huống nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên” . Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa quyết định trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Quán triệt chủ trương của Đảng, từ cuối năm 1973 và cả năm 1974, quân và dân tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh các hoạt động tiến công quân sự, chính trị, binh vận và liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn, từng bước làm thất bại âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch, đẩy mạnh phá ấp, giành dân, giữ vững vùng giải phóng, vùng ta làm chủ, góp phần đưa cuộc cách mạng của toàn dân tộc nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng.

Đầu năm 1975, cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ và đi vào giai đoạn cuối. Quân dân ta liên tiếp giành những thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường, phá vỡ từng mảng lớn kế hoạch “bình định” của địch. Ngày 06/01/1975, tỉnh Phước Long được giải phóng, quân ngụy không còn khả năng đánh chiếm trở lại. Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định điều kiện, thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước đã đến, từ đó, quyết định tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 trên toàn miền Nam với ba đòn tiến công chiến lược, đó là Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Do ý nghĩa quan trọng của chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch mở đầu của cuộc tiến công chiến lược, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư thứ nhất Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào Tây Nguyên thành lập cơ quan đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch.

Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên được thành lập do Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh trưởng; Đại tá Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy; Thiếu tướng Vũ Lăng và các đồng chí Đại tá Phan Hàm, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang - Phó tư lệnh; Đại tá Phí Triệu Hàm - Phó Chính ủy.

Để tăng cường lực lượng cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu, Bộ Quốc phòng lần lượt đưa vào Tây Nguyên Sư đoàn 968, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95b - Sư đoàn 325, Trung đoàn cao xạ 232, Trung đoàn công binh 575, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn cầu phà, 1 tiểu đoàn và 1 đại đội thông tin, 1 tiểu đoàn vận tải, 1 đại đội trinh sát, 1 trung đội khí tượng, 3 trạm sửa chữa xe, 1 đội điều trị và 8 ngàn quân bổ sung.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã tổ chức Hội nghị truyền đạt nội dung của Hội nghị Bộ Chính trị, bàn kế hoạch thực hiện và phân công các đồng chí đi truyền đạt, bàn kế hoạch với các tỉnh. Thường vụ Khu ủy Khu 5, cử đồng chí Bùi San - Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy, cùng một số cán bộ các ngành ở bên cạnh Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch để chỉ đạo các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum huy động mọi khả năng của địa phương phục vụ chiến đấu.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên giao cho tỉnh Gia Lai nhiệm vụ hoạt động nhử kéo địch về giữ bắc Tây Nguyên; huy động toàn bộ lực lượng của tỉnh phối hợp với quân chủ lực cắt đường giao thông số 19, thực hiện chia cắt chiến lược Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, cắt đường số 14, thực hiện đòn chia cắt chiến dịch giữa cụm phòng ngự Pleiku và Kon Tum; tranh thủ thời cơ phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng toàn bộ nông thôn.

Ngày 13/2 và ngày 18/2/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai họp Hội nghị mở rộng, quán triệt nhiệm vụ mới và xác định chủ trương kế hoạch tiến công và nổi dậy năm 1975 và đề ra phương châm chỉ đạo: Táo bạo, vững chắc, chủ động, linh hoạt, kiên quyết và kịp thời , nỗ lực phi thường về tư tưởng và tổ chức để đón thời cơ mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định khả năng có thể giải phóng một số khu, nên chọn An Khê làm điểm để giải phóng trước. Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo trọng điểm An Khê do đồng chí Ngô Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận, đồng chí Văn Đình Dư, Tham mưu trưởng Tỉnh đội làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Hồ Ngọc Năm, Bí thư An Khê, đồng chí Mai Xuân Cảnh, Tỉnh ủy viên là Phó chỉ huy. Lực lượng gồm có Tiểu đoàn đặc công 450, một trung đội trinh sát của tỉnh, 2 trung đội bộ đội địa phương khu 2 và 7 và một số cán bộ các ngành ở tỉnh. Ban chỉ huy mặt trận An Khê tổ chức phối hợp chiến đấu với một bộ phận của Sư đoàn 3 Quân khu làm nhiệm vụ đánh cắt đường 19 đoạn đèo An Khê và đánh địch để giải phóng vùng nông thôn phía Đông của tỉnh.

Ngày 4/3, các lực lượng của tỉnh phối hợp với quân chủ lực thực hiện đòn tiến công chiến lược trên đường 19, chia cắt Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung. Trung đoàn 95A cùng các đơn vị của tỉnh phối hợp tấn công 2 cứ điểm trên núi Kon Dương và hệ thống đồn bốt địch từ Plei Bông đến ấp chiến lược Hà Ra - Phù Yên, tiến đến giải phóng Lệ Cần và áp sát thị xã. Sư đoàn 3 Quân khu V đánh cắt đường 19 đoạn từ Thượng An đến cầu số 13, chiếm giữ 9 lô cốt địch trên trục đường, cô lập quận An Túc (An Khê).

Phía Nam Pleiku, một đơn vị của Sư đoàn 320 tiêu diệt quận lỵ Thuần Mẫn (8/3), cắt đường số 14 diệt cứ điểm Cẩm Ga, Chư Drê. Bộ đội các huyện 5, 6, 4 cùng đội công tác đột nhập khu dồn, ấp chiến lược ở đông nam thị xã phát động quần chúng nổi dậy.

Lực lượng địch ở Tây Nguyên và Quân đoàn II ngụy rơi vào thế cô lập, bị chia cắt thành 2 cụm bắc - nam, không chi viện ứng cứu được bằng được bộ. Ta đã hình thành thế trận vững chắc, đánh cắt địch, cài thế bao vây, nghi binh khôn khéo, hiệp đồng nổi dậy phát động quần chúng phá ấp chiến lược và bộ máy tề ngụy, kìm giữ quân chủ lực ngụy, thu hút địch dồn về phòng thủ Pleiku và Kon Tum, tạo thuận lợi cho hướng trọng điểm của chiến dịch. Đây là kết quả bước đầu về lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chiến dịch của Đảng bộ và sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang Gia Lai.

Ngày 10/3/1975, các mũi lực lượng tiến công đồng loạt thị xã Buôn Ma Thuột. 11 giờ ngày 11/3/1975 giải phóng hoàn toàn thị xã. Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào tình trạng tan rã nhanh chóng, mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn.

Lực lượng vũ trang tỉnh cùng du kích các huyện phối hợp đồng loạt tiến công các khu dồn, ấp chiến lược, diệt chốt bảo an, phá tề, giải phóng dân.

Ngày 13/3/1975, ta đánh chiếm quận Lệ Trung. Phía đông nam thị xã, bộ đội du kích phối hợp với chủ lực tiến công các ấp đông đường 14 và 7 giải phóng dân. Ở thị xã, ta đánh địch ở xã Gào, giải phóng Sở chè Bàu Cạn. Phía An Khê, ta bám đánh địch trên đường 19, giải tán dân vệ, đưa dân về làng cũ. Phía quận lỵ Thuần Mẫn, bộ đội H2 phối hợp với đội công tác H3 đột nhập các buôn Tây Cheo Reo diệt dân vệ, giải phóng dân...

Trong khí thế chiến thắng, các lực lượng chủ lực, địa phương, du kích các huyện dọc đường 7 phối hợp truy kích địch. Trưa 17/3/1975, các đồng chí lãnh đạo Ban cán sự thị xã, Trung đoàn 95A, Tiểu đoàn 29 của Sư đoàn 968 chia làm nhiều cánh, nhiều mũi vào tiếp quản thị xã Pleiku.

Ngày 18/3/1975, thị xã Cheo Reo giải phóng. Ngày 23/3/1975, các lực lượng vũ trang và cán bộ khi vào tiếp quản An Khê, giải tán 45 trung đội dân vệ, thu toàn bộ vũ khí. Ủy ban quân quản huyện An Khê được thành lập. Chính quyền cách mạng được thành lập ở cơ sở xã, thôn. Hơn 4,5 vạn dân phía đông tỉnh được hoàn toàn giải phóng.

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân trong tỉnh phối hợp cùng quân chủ lực Tây Nguyên giải phóng toàn tỉnh đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi to lớn, góp phần thúc đẩy sự sụp đổ nhanh chóng của ngụy quân, ngụy quyền, tạo thuận lợi để quân dân ta nổi dậy, tấn công tiêu diệt địch, giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung, Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975…

Trải qua 21 năm chiến đấu đầy hy sinh thử thách, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh Gia Lai đã cùng với quân và dân toàn miền Nam và cả nước, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới, quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất của đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất trong hệ thống các nước đế quốc.

Diễu hành kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng tỉnh Gia Lai 17/3/2015. Ảnh: Thanh Lâm.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, đã kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, bảo vệ những thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) trong cả nước cũng như ở Gia Lai, Tây Nguyên, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với cả nước bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Giành được thắng lợi vĩ đại đó, trước hết là do Đảng bộ luôn quán triệt đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập tự chủ và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh; do có sự lãnh đạo chặt chẽ của Khu ủy, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên; do nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống đoàn kết chiến đấu kiên cường, một lòng theo Đảng; do sự chi viện to lớn của hậu phương lớn miền Bắc. Đó là những nhân tố chủ yếu làm nên thắng lợi. Nhân tố cơ bản và trực tiếp là sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ và tinh thần đoàn kết, bất khuất của quân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày tỉnh nhà được giải phóng (17/3/1975), nhưng diễn biến của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những ngày tháng Ba lịch sử ấy như vừa mới diễn ra ngày hôm qua. Cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, biết ơn sự hy sinh và công lao đóng góp to lớn của đồng bào và chiến sĩ, những người đã hy sinh xương máu để làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc trên mảnh đất Gia Lai giàu truyền thống cách mạng này./.

Lê Phan Lương
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Bài đăng trên Thông tin Sinh hoạt Nhân dân số tháng 3/2020
của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai

-----
(*) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945 - 2005), Nxb.CTQG, HN.2009. trang 537.
(**) Thông báo ngày 6/3/1975 của Bộ Tư lệnh gửi các chiến trường.


17/3/1975 - DẤU MỐC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 10:09 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.