Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH & GIẢI PHÁP THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Trong thời đại toàn cầu hóa, du lịch đang trở thành phương tiện hữu hiệu để kết nối các dân tộc, quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong những thập niên gần đây, du lịch thế giới có tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các ngành kinh tế khác và được xem là động lực quan trọng giúp các quốc gia đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho người dân. Tại nước ta, du lịch đã được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và đã có những bước phát triển nhanh, ổn định. 

Thác Mơ (làng Ếch, xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Bùi Hương Thảo.

Gia Lai là một địa phương có vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển của khu vực Tây Nguyên và đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp hùng vĩ, nhiều di tích văn hóa-lịch sử tiêu biểu, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo trong đời sống đương đại. Cụ thể, về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa ở Gia Lai có các địa danh chủ yếu như: Nhà lao Pleiku, khu di tích Tây Sơn thượng đạo (di tích căn cứ địa của Anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ), làng kháng chiến Stơr (quê hương của Anh hùng Núp), cùng với các địa danh Pleime, Cheo Reo, Biển Hồ hay còn gọi là Hồ Tơnưng (Ia Nueng), hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Chín Tầng, thác Ia Nhí, thác Ya Ma - Yang Yung, thác Lệ Kim, đồi thông Hà Tam, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, núi Hàm Rồng,… Ngoài ra, Gia Lai còn có nhiều ngôi chùa nổi tiếng và mang nét kiến trúc độc đáo như: chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh... Bên cạnh đó, các lễ hội dân gian đặc sắc của những dân tộc cư trú lâu đời tại Gia Lai (Lễ bỏ mã, lễ mừng chiến thắng, lễ mừng được mùa…) và không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”; các tài nguyên du lịch nhân văn như: kiến trúc nhà Rông, nghệ thuật điêu khắc gỗ, âm nhạc, vũ điệu dân gian… là những tài nguyên du lịch quý giá thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.

Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển du lịch với mục tiêu đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ năm 2016 đến nay tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, được thể hiện bằng Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Kế hoạch số 1767/KH-UBND ngày 10/6/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai về triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được ban hành đã cụ thể hóa nhiệm vụ theo từng giai đoạn cụ thể, chú trọng phát triển du lịch dựa vào thế mạnh tiềm năng về sinh thái, văn hóa, lịch sử; Quyết định số 525/QĐ-UBND ngày 04/8/2016 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình số 43-CTr/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị Quyết số 08-NQ/TU của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 116/QĐ-UBND ngay 24/02/2017 của UBND tỉnh về phát triển du lịch Gia Lai giai đoạn 2017-2020;...

Thác Hang Én (K50) khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện K’bang). Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa.

Với những chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư này, tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông trên một số lĩnh vực, nâng cao chất lượng lập và thẩm định các dự án, không ngừng cải tiến thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào địa bàn tỉnh. Lượng khách đến tỉnh tăng bình quân 23%/năm, tổng doanh thu du lịch tăng bình quân 22%/năm.

Tuy nhiên, trong những năm qua ngành du lịch Gia Lai vẫn chưa được đầu tư khai thác đúng mức nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, còn bộc lộ nhiều yếu kém cần phải khắc phục, như:

Đồi thông Hà Tam (huyện Đak Pơ). Ảnh: ST.
Đầu tư du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách, nhất là du khách quốc tế; thiếu các loại hình dịch vụ chất lượng cao như khu vui chơi hiện đại, khu giải trí cao cấp, hệ thống mua sắm... để thu hút khách đến vui chơi giải trí và mua sắm; chất lượng cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn hạn chế;

Công tác quản lý tài nguyên du lịch bị buông lỏng trong giai đoạn khá dài làm cho nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh bị suy kiệt, nhất là tài nguyên rừng, thắng cảnh, di tích lịch sử...;
Thị trường du lịch chưa được mở rộng, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế. Hoạt động lữ hành còn yếu. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; các hoạt động quảng bá chưa thường xuyên, chưa phong phú về hình thức; công tác thông tin du lịch chưa được chú trọng...;

Cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch chưa thật sự hấp dẫn, thông thoáng, đặc biệt là vấn đề giao đất, giải phóng mặt bằng của dự án, chưa tạo được hành lang thuận lợi thu hút đầu tư du lịch. Cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông đến các điểm du lịch ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách;

Công tác quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh còn hạn chế và chậm được đổi mới. Tại các địa phương cấp huyện bộ máy quản lý nhà nước về du lịch chưa được kiện toàn, cán bộ còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ của lực lượng lao động trong ngành du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên.
Để khắc phục được những hạn chế trên, trong thời gian tới cần chủ động: Ban hành các chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng tại các công trình trọng điểm để tạo hành lang thuận lợi cho hoạt động du lịch và thu hút các nhà đầu tư. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch là thế mạnh của tỉnh về sinh thái và văn hóa. Đơn giản hóa thủ tục hành chính và hoàn chỉnh cơ chế quản lý, thu hút đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch. Tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tư nhân với Nhà nước. Áp dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư (giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu...) theo Luật Đầu tư, Luật Du lịch, các luật thuế và các văn bản liên quan khác đã quy định một số nguyên tắc đầu tư phát triển du lịch. Bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính và cơ chế “một cửa” trong việc xét duyệt các dự án đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư phát triển du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Mở rộng phạm vi cho phép tham quan trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vị trí, khu vực tổ chức các hoạt động du lịch về nguồn, du lịch văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động du lịch.

Triển khai công tác quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, hỗ trợ chính sách phát triển du lịch. Ưu tiên quỹ đất để phát triển du lịch trên cơ sở định hướng các dự án quy hoạch theo từng giai đoạn. Tăng cường hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động nghiên cứu thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương: tham gia hội chợ, hội thảo, hội nghị liên kết phát triển, chương trình khảo sát du lịch... Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch có trách nhiệm ở vùng người thiểu số, đặc biệt là các làng còn bảo lưu các giá trị truyền thống; hỗ trợ ngân sách trong công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân; khuyến khích đóng góp từ thu nhập du lịch của các doanh nghiệp cho hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị về văn hóa, sinh thái, đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững. Khuyến khích liên kết vùng, xúc tiến quảng bá; xây dựng và phát huy cơ chế phối hợp liên ngành để cụ thể hóa các nguyên tắc, quy chế phối hợp để thuận tiện cho công tác hướng dẫn, quản lý của địa phương, đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch.

Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình hạ tầng du lịch để phối hợp phát triển du lịch. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách, các nguồn vốn ODA cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông dẫn đến các khu, điểm du lịch. Khơi thông mọi nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, đa dạng hóa các hình thức tạo lập vốn, thực hiện chính sách xã hội hóa đối với hoạt động đầu tư vào du lịch nhằm huy động tối đa các kênh vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế; mở rộng phương thức đầu tư BOT, BT đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở vật chất du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, biểu diễn nghệ thuật dân tộc... trùng tu tôn tạo di tích văn hóa-lịch sử, nâng cấp các công trình kiến trúc... phục vụ phát triển du lịch.

Tăng cường xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch: Tăng cường thời lượng và chất lượng quảng bá, tuyên truyền về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; Khai thác hiệu quả các phương tiện internet: mạng xã hội, báo điện tử... phục vụ cho công tác quảng bá du lịch; Tham gia quảng bá du lịch tại các sự kiện du lịch trong nước; Tham gia trình diễn văn hóa cồng chiêng tại phố đi bộ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Đổi mới chất lượng và hình thức các ấn phẩm quảng bá du lịch phục vụ tại các hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch; Nâng cấp trang thông tin điện tử về du lịch dulichpleiku.gialai.gov.vn tạo sự phong phú và tiện ích truy cập, hỗ trợ thông tin cho khách du lịch…

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch: Xây dựng “Chương trình nâng cao nhận thức về du lịch”, phổ biến vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch đến với các cấp, ngành, địa phương và người dân, nhằm đảm bảo sự đồng bộ về phát triển du lịch, phát huy hiệu quả tính liên ngành, liên vùng của du lịch; Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch;…

Cầu treo Biển Hồ trong sương sớm. Ảnh: Phan Nguyên.

Củng cố sản phẩm hiện có, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tạo sự phong phú của điểm đến bằng các nguồn vốn từ ngân sách, xã hội hóa: Hoàn thiện một số hạng mục, tổ chức các hoạt động và dịch vụ du lịch để khai thác hiệu quả tại các điểm: Biển Hồ, Công viên Diên Hồng, thác Phú Cường, thác Mơ (huyện Ia Grai), Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Chư Đang Ya, 3 điểm du lịch địa phương (Thủy điện Ia Ly, Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân, công viên Đồng Xanh), Làng kháng chiến Stơr (Huyện Kbang), Làng Ốp (thành phố Pleiku), Làng Kép (huyện Chư Păh), Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Khu phố ẩm thực tại thành phố Pleiku... Tổ chức, đăng cai các sự kiện thể thao cấp quốc gia; Tập trung tổ chức hiệu quả sự kiện “Festival cồng chiêng tại Gia Lai”, duy trì và hoàn thiện quy mô các sự kiện văn hóa, du lịch của các địa phương đã tổ chức. Hình thành du lịch tâm linh trên cơ sở khai thác thế mạnh về hệ thống chùa chiền của tỉnh như: Chùa Minh Thành, chùa cổ Bửu Minh, Tượng quan Âm (Biển Hồ)… Phát huy các thương hiệu đã được công nhận như Phở khô, Mật ong… Xây dựng một số thương hiệu có tiềm năng./.

PHẠM CÔNG THÀNH
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Bài đăng trên Chuyên san "Du lịch Gia Lai - Tiềm năng và Triển vọng"

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH & GIẢI PHÁP THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 09:54 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.