Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

KHÔI PHỤC CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI



Nhà rông Làng văn hóa du lịch Plei Ốp (TP. Pleiku). Ảnh: ST.

Hiện nay, nước ta có nhiều nghề truyền thống đang phát triển như: Nghề gốm sứ ở Hải Dương; nghề chằm nón ở Quảng Bình; nghề chạm khắc gỗ, nghề đúc đồng ở cố đô Huế; nghề đục đá, nghề tơ tằm ở Quảng Nam và rất nhiều nghề truyền thống về dệt thổ cẩm, về đồ thủ công mỹ nghệ ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Trải qua bao đời phát triển, các làng nghề truyền thống này từ lâu đã trở thành những tài sản văn hóa và vật chất vô giá, góp phần nuôi sống hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, trong vòng xoáy kinh tế thị trường, nhiều nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, muốn phát triển được phải gắn với phát triển du lịch, gắn với thị trường tiêu thụ...

Nghệ nhân dệt thổ cẩm trong khuôn viên
Lễ hội Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
tại Gia Lai năm 2018. Ảnh: Võ Thanh Thảo.
Tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, các nghề truyền thống chủ yếu của đồng bào dân tộc tại chỗ là nghề dệt thổ cẩm, nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ, nghề mây tre đan và nghề sản xuất các nhạc cụ dân tộc truyền thống. Hiện nay, việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống này còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra chủ yếu là tự cung tự cấp, chưa có thị trường tiêu thụ… Muốn phát triển và xây dựng các nghề truyền thống thành một làng nghề, phố nghề gắn với du lịch hiện nay là một việc hết sức khó khăn. Theo tiêu chí công nhận làng nghề tại điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính Phủ về phát triển ngành nghề nông thôn thì tỉnh Gia Lai chưa đáp ứng được các tiêu chí để công nhận làng nghề. Mặc dù từ năm 2007 đến năm 2013, tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng 10 hạ tầng làng nghề từ nguồn vốn Trung ương và địa phương nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được sự phát triển như mong muốn, chưa đưa được các hạ tầng làng nghề vào hoạt động.

Nghệ nhân đan lát trong khuôn viên
Lễ hội Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
tại Gia Lai năm 2018. Ảnh: Võ Thanh Thảo.
Trong bối cảnh hiện nay, việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo việc làm cho người lao động nông thôn, nâng cao giá trị đời sống tinh thần và giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Vì vậy, để khôi phục các làng nghề và nghề truyền thống phải  kết hợp với khai thác du lịch có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích thành lập các hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống; gắn hoạt động kinh tế của các nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống. Tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề và truyền nghề cho các lao động tham gia sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân lao động.

Tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai tại Công viên Đồng Xanh. Ảnh: Đức Thụy.

Nghệ nhân Ksor Hnao (làng Kép,
phường Đống Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Mỹ Lệ.
Đối với các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh: Hỗ trợ kinh phí phục hồi và duy trì phát triển bền vững các nghề truyền thống; khảo sát, điều tra đánh giá lại các đối tượng là nghệ nhân có tay nghề giỏi, có tâm huyết đối với nghề, khôi phục lại nghề truyền thống đồng thời tăng cường tuyên truyền quảng bá để tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; tập huấn đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các đối tượng là các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn để có nhận thức trong sản xuất và ý thức trong cạnh tranh thị trường.

Đối với các hạ tầng làng nghề: Cần khôi phục đầu tư lại các cơ sở hạ tầng làng nghề, xem xét các hạ tầng làng nghề có khả năng phát triển về du lịch tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng thêm hệ thống đường giao thông, nhà hàng, khách sạn và tuyên truyền quảng bá về du lịch gắn với các cơ sở hạ tầng làng nghề tại một số huyện như: Hạ tầng làng nghề xã Chư Á thành phố Pleiku, phát triển nghề nhạc cụ truyền thống dân tộc Tây Nguyên gắn với những điệu múa xoang Tây Nguyên phục vụ khách du lịch. Làng nghề xã Glar huyện Đak Đoa, phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tây Nguyên gắn với những lễ hội của người đồng bào dân tộc. Làng nghề xã Tơ Tung huyện Kbang, phát triển nghề sản xuất gỗ truyền thống gắn với phát triển du lịch giới thiệu quê hương anh Hùng Núp...

Bên cạnh các giải pháp phát triển nghề truyền thống, cần khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư vào tỉnh phát triển du lịch, xây dựng và phát triển các hạ tầng làng nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính Phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Tổ chức các phiên chợ theo mô hình nông sản sạch gắn với các sản phẩm nghề truyền thống hoặc tổ chức các phiên chợ quê nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, quảng bá và giới thiệu sản phẩm nghề đến với người dân địa phương. Khuyến khích phát triển một số nghề truyền thống khác như nghề thêu tranh, nghề rèn thủ công, nghề sản xuất bánh phở khô và một số nghề sản xuất ẩm thực khác…

Ảnh bênh phải - Nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa). Ảnh: Phương Linh.
Ảnh bên trái - Dệt thổ cẩm tại xã Ia Ka (huyện Chư Păh). Ảnh: Đức Thụy.

Như vậy, sự lớn mạnh và phát triển của các sản phẩm nghề sẽ kéo theo sự phát triển thành các phố nghề và làng nghề, làm các loại dịch vụ liên quan khác cùng phát triển theo hướng cạnh tranh trên thị trường, bên cạnh đó kết hợp xây dựng hạ tầng theo hướng phục vụ du lịch, phục vụ về ẩm thực mang bản sắc Tây Nguyên đáp ứng các giải pháp nhằm kêu gọi đầu tư, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Gia Lai./.

ĐÀO THỊ THU NGUYỆT
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai.


Bài đăng trên Chuyên san “Du lịch Gia Lai - Tiềm năng và Triển vọng”.

KHÔI PHỤC CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 14:06 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.