Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

QUẢNG BÁ DU LỊCH GIA LAI TRÊN CÁC KÊNH TRUYỀN HÌNH UY TÍN - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM


Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa.

Năm 2017 thành phố Hà Nội chi 1 triệu USD để quảng bá du lịch trên truyền hình CNN (Mỹ), phát tại các khu vực: Châu Á-Thái Bình Dương; Châu Âu và Trung Đông; Bắc Mỹ và Nam Á. Sự kiện quảng bá này gây nên một cú sốc tích cực với ngành du lịch cả nước. Có đến 93% người được khảo sát cho rằng quảng cáo đã cho thấy có “một Hà Nội với nhiều di sản và điểm đến thú vị”. Trong bối cảnh đầu tư cho xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực Đông Nam Á, với khoảng 2 triệu USD/năm, so với Malaysia 69 triệu USD, Singapo 80 triệu USD, Thái Lan 105 triệu USD/năm. Và Việt Nam còn được cho là chi quảng bá du lịch thấp hơn cả Lào và Campuchia, việc Hà Nội chi một lúc cả triệu USD cho quảng bá du lịch khiến cho nhiều tỉnh thành phố khác trong cả nước thực sự thèm muốn có thể làm được một phần như vậy.

Nắng sớm hàng thông ở huyện Chư Păh.
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa.
Gia Lai chi cho quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình uy tín nói chung, Đài Truyền hình quốc gia nói riêng như thế nào để góp phần biến du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn? Từ trước đến nay, vấn đề quảng bá du lịch trên sóng truyền hình quốc gia chưa được tỉnh quan tâm đúng mức. Vì sao vậy, trước hết là vì chúng ta còn nghèo, không có tiền để xúc tiến quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình lớn. Song, đáng suy nghĩ hơn là những người làm công tác quản lý nhà nước về du lịch và cả những người làm du lịch chưa thực sự có hứng thú, không có tâm huyết để làm việc này. Vậy nên bao nhiêu sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; bao nhiêu danh lam thắng cảnh vào hàng tuyệt tác thiên nhiên như Biển Hồ Tơnueng, Vườn Quốc gia Kon Ka King; hệ thống thác ghềnh đặc sắc gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chơ Răng v.v... bao năm qua vẫn chưa được mấy người biết đến. Và vì thế khách du lịch đến với Gia Lai chưa nhiều, nhất là lượng khách quốc tế.  Đành rằng quảng bá du lịch chưa phải là điều kiện quyết định việc thu hút khách đến chơi nhiều hay ít, nhưng nếu không quảng bá thì sẽ chẳng ai biết mà đến với chúng ta.

Mùa lá rụng tại các rừng cao su tạo nên
"sắc thu" mơ màng, tuyệt đẹp. Ảnh: Cao Cát.
Thỉnh thoảng người ta cũng thấy hình ảnh Gia Lai đất nước con người trên sóng truyền hình quốc gia (VTV), nhưng cũng chỉ ở tầm “ăn theo” sự kiện, còn quảng bá ra tấm ra miếng thì chưa từng có lần nào, nói chung là được chăng, hay chớ. Giống như Hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai năm 2016, một sự kiện được tổ chức quy mô nhất từ trước đến nay, truyền hình địa phương phát quảng bá với tần suất dày đặc về tiềm năng đầu tư trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực du lịch, nhưng trên sóng truyền hình quốc gia chỉ có được đôi phút vào giờ chót. Hay như Lễ hội hoa dã quỳ Chư Pah, kỳ vọng được đặt ra lớn hơn so với khả năng tổ chức thực hiện, Đài PT-TH tỉnh trong một nỗ lực đơn phương cũng tự làm một phóng sự gửi phát trên VTV1 vào thời điểm gần diễn ra sự kiện. Hoành tráng hơn là gần đây trên kênh VTV2 Đài truyền hình Việt Nam phát sê ri phim khoa giáo nói về di chỉ khảo cổ Rộc Tưng-An Khê của đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm. Trước ngày phát sóng tác giả đã nhiệt tình nhắn tin thông báo với anh em bạn bè, nhất là vài đồng nghiệp ở Gia Lai đón xem, nhưng có lẽ ngoài một số ít người trong cuộc liên quan xem phim này, thì còn thêm được bao nhiêu người? bởi phim khoa học vốn khó xem, lại không nằm trong giờ vàng…

Thác Phú Cường (huyện Chư Sê). Ảnh: Hùng Hoa Lư.

Vậy cần làm những gì để quảng bá du lịch Gia Lai trên các kênh truyền hình uy tín, đặc biệt là trên sóng truyền hình quốc gia... Không có gì khác là Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch tỉnh phải cùng ngồi lại với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh bàn bạc một cách nghiêm túc để xây dựng một chiến lược quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình lớn, uy tín và trên sóng truyền hình tỉnh nhằm tham mưu quyết liệt cho UBND tỉnh xem xét, quyết định thực hiện. Và đương nhiên các ngành liên quan phải tham mưu cho được với lãnh đạo tỉnh lấy nguồn tiền từ đâu, bao nhiêu cho vừa đủ để làm quảng bá. Mặt khác, khi tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, kinh tế, xã hội v.v... các ngành chức năng cũng phải nhớ dự toán cho hạng mục kinh phí quảng bá trên báo đài địa phương, Trung ương, nếu không cũng chỉ là mình làm rồi mình tự xem, tự biết... Quảng bá theo kiểu tận dụng mối quan hệ là điều tốt, cần phát huy, nhưng không chắc chắn, thiếu chiều sâu. Nếu không có chiến lược, không có đủ tiền để làm quảng bá một cách bài bản thì mãi mãi chúng ta chỉ ngồi trên đống tiềm năng, nhìn người khác làm du lịch để mà... mơ ước. Nhưng, trong giai đoạn này, điều đầu tiên cần có là Gia Lai đang rất cần sự xuất hiện của một người có tâm huyết, có tư duy, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, dám nghĩ, dám làm để đứng đầu ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, giúp cho tỉnh đánh thức tiềm năng du lịch và phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói của địa phương.

Núi Hàm Rồng (TP. Pleiku). Ảnh: Ngô Thành Công.

Ngày nay quảng bá du lịch trên báo điện tử và mạng xã hội được không ít địa phương chọn lựa như sự kết hợp, tận dụng sự tiện ích là chính. Nhưng quảng bá trên sóng truyền hình quốc gia, hay những kênh truyền hình lớn vẫn là sự lựa chọn chính thức và hiệu quả bởi tính xác tín khó thay thế trước khán giả./.

Đặng Huy Cường
Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Gia Lai

Bài đăng trên Chuyên san "Du lịch Gia Lai - Tiềm năng và Triển vọng".

QUẢNG BÁ DU LỊCH GIA LAI TRÊN CÁC KÊNH TRUYỀN HÌNH UY TÍN - ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 10:22 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.