Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

TIỀM NĂNG DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, nơi hiện được biết đến với dấu mốc đầu tiên của lịch sử loài người trên dải đất Việt, cùng nhiều di tích tiền sử, lịch sử - văn hóa của các dân tộc tại chỗ, các di tích chiến tranh cách mạng… phân bố ở những không gian đa dạng, di sản lịch sử - văn hóa phong phú của địa phương đã thật sự tạo nên sức hấp dẫn, mời gọi du khách đến với Gia Lai, góp phần làm cho lượng du khách đến tỉnh nhà trong những năm gần đây luôn tăng. 

Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh ST.

Những phát hiện khảo cổ học năm 2014, cùng những cuộc hợp tác nghiên cứu giữa tỉnh Gia Lai, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) trong thời hạn 5 năm (2015-2019), qua 4 mùa khai quật, điều tra đã bước đầu xác nhận ở vùng đồi gò thung lũng An Khê tồn tại trên 20 địa điểm sơ kỳ Đá cũ, là bằng chứng về sự hiện diện của cộng đồng người giai đoạn tối cổ của nhân loại trên đất nước Việt Nam.

Người cổ An Khê chế tác, sử dụng những công cụ cuội đá quartz và quartzite rất cứng, có kích thước lớn; kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp (dùng hòn ghè bằng đá), có thể ghè trên tay hoặc trên đe. Họ đã tạo ra tổ hợp công cụ tiêu biểu gồm những mũi nhọn hình khối tam diện, công cụ ghè một mặt (uniface), ghè hai mặt (biface), công cụ chặt thô dạng chopper, chopping; những công cụ nạo/cắt làm từ mảnh tước, cuội bổ và công cụ dạng hạch cuội bất định hình. Tổ hợp công cụ nói trên mang đặc trưng của một phức hợp - loại hình kỹ thuật: Chopper- Choping tool / Pick hình khối tam diện / Biface – Handaxe. Trong đó, chopper-choping tool thường nổi bật cho khu vực châu Á, biface - handaxe nổi trội ở phương Tây, còn mũi nhọn hình khối tam diện (3 mặt) mang đặc trưng nổi bật ở An Khê. Đây là phức hợp kỹ thuật công cụ mang tính pha trộn giữa kỹ nghệ Chopper - chopping tool với rìu tay - biface cùng với những đặc thù riêng của An Khê. Bằng phân tích so sánh, các nhà khảo cổ học Việt – Nga bước đầu ghi nhận: tổ hợp công cụ sơ kỳ Đá cũ vùng An Khê khác và cổ hơn các sưu tập sơ kỳ Đá cũ đã biết ở Việt Nam như Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai); có nét qui chuẩn hơn rìu tay ở các di tích Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc).

Đây là nguồn sử liệu xác nhận mốc khởi đầu của lịch sử Việt Nam, với niên đại đồng vị phóng xạ Kali Argon ở 2 mẫu tectit trên dưới 80 vạn năm cách ngày nay. Các chế phẩm đồ đá tìm thấy trong các di tích An Khê tương đương với giai đoạn tồn tại của Người đứng thẳng (Homo erectus) trên thế giới. Với phát hiện này, thung lũng An Khê (Việt Nam) đã được bổ sung vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới(1)

Nhà lao Pleiku. Ảnh: ST.
Từ những phát hiện và nghiên cứu trên, những năm qua du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà khoa học liên quan đã biết đến An Khê nhiều hơn. Với ý tưởng xây dựng một Công viên thời đại đá cũ An Khê mà các nhà lãnh đạo địa phương đang ấp ủ, chúng ta có quyền hy vọng, An Khê sẽ là một điểm đến rất đặc biệt, không có đối thủ cạnh tranh bởi nét riêng có của nó trong tương lai gần.

Di sản khảo cổ học tiền sử Gia Lai còn được biết đến với hàng chục di tích có niên đại muộn hơn, phân bố trên khắp cao nguyên Pleiku, được các nhà khảo cổ học Việt Nam định danh là Văn hóa khảo cổ học Biển Hồ. Những di tích được xếp vào Văn hóa khảo cổ học Biển Hồ - tên của địa điểm khảo cổ học đầu tiên được khai quật ở Gia Lai, Tây Nguyên - thuộc hậu kỳ đá cũ, sơ kỳ kim khí, cách ngày nay từ 4.000-3.500 năm, cũng là những nét nhấn nhá, tạo thêm sức hấp dẫn cho du lịch Gia Lai. 

Đền Tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: Cổng thông tin huyện Đak Pơ.

Nét đặc sắc trong du lịch Gia Lai chính là đã và đang khai thác tốt các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các cộng đồng dân cư đang chung tay xây dựng mảnh đất này. 

Đến đây, cùng với việc được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo của đồng bào Bahnar, Jrai như nhà rông, nhà mồ, với những nét trang trí mang bản sắc riêng của từng cộng đồng dân cư, từng nhóm địa phương, từng dân tộc; nghe tiếng cồng chiêng trong ánh lửa bập bùng, bước chân mê hoặc theo nhịp soang trong đêm cao nguyên mênh mang, hút can rượu cần ấm nồng, xé đùi gà nướng vàng ươm, thơm phức cùng cơm lam, lá mì… ở những địa chỉ đã ngày càng quen tên quanh Pleiku như: khu du lịch làng Ốp (phường Hoa Lư); khu du lịch Đồng Xanh (An Phú); Quán nghệ nhân Ksor Hnao (làng Kép, phường Đống Đa); quán Đăm Doa và Bazan (phường Thắng Lợi), các quán cơm lam -  gà nướng ở Tiên Sơn… để đủ sức đi tiếp đến những địa chỉ xa hơn, gọi mời hơn. 

Nếu quan tâm đến kiến trúc Tây Nguyên, du khách không thể bỏ qua ngôi nhà rông của người Bahnar ở làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Păh). Với tâm huyết của già làng Sôn và toàn thể dân làng, sau hơn 2 năm chuẩn bị, 4 tháng thi công, một nhà rông đồ sộ chưa từng thấy trong lịch sử nhà rông Tây Nguyên, với bộ mái tranh cao hơn 20m (tính từ mặt đất), diện tích sàn 24 x 14 mét đã hoàn thành vào tháng 8-2017. Nhà rông Kon Sơ Lăl mọc lên đã phá kỷ lục của nhà rông Kon Klor (Kon Tum), được cho là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên trước đây (với diện tích mặt sàn 17 x 6 mét). Làng Bahnar có ngôi nhà rông truyền thống độc đáo, vẫn giữ được nhiều nét văn hóa cổ xưa, ở ven khu bảo tồn thiên nhiên Kông Kăh King (Kon Ka Kinh) này, gợi cho những người yêu sử thi Tây Nguyên mường tượng như đó chính là ngôi làng còn sót từ các Hơmon của dân tộc Bahnar như Diông Dư, Bia Brâu… vậy. Ngoài nhà rông làng Kon Sơ Lăl, Gia Lai cũng còn nhiều kiểu nhà rông đẹp cho du khách thăm quan như các nhà rông trong khu vực Hà Đông, Hà Tây với kiểu mái vút cao điển hình của nhà rông nhóm Bahnar Jơlơng; các nhà rông được trang trí bằng tấm đan hoa văn sặc sỡ ở hai đầu hồi và các vách thưng của người Bahnar Tơlô khu vực Kông Chro; những nhà rông giành phần trang trí rất cầu kỳ cho giàn cột rượu chạy dọc sàn nhà rông và các giá đựng đồ trên tường của nhóm Bahnar Roh, Bahnar Kon Kơđeh ở Kbang… Đây cũng chính là không gian cho các sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng như: hát kể sử thi; thực hiện các lễ nghi, lễ hội với những nét đẹp nhất trong không gian văn hóa cồng chiêng của mỗi cộng đồng được phô bày, cùng những nét độc đáo trong trang phục, trang sức, ẩm thực truyền thống… 

Di tích Bến đò A Sanh (làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai).
Ảnh: Phương Linh.
Chỉ với 20 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, nhưng mỗi di tích lịch sử - văn hóa Gia Lai đều tự có sức hút mạnh mẽ riêng như: danh lam thắng cảnh Biển Hồ; di tích Plơi Ơi - dấu vết cuối cùng của nét tín ngưỡng - văn hóa Yang Pơtao Apui (Thần Vua Lửa) được biết đến từ thế kỷ XV; quần thể di tích Tây Sơn Thượng – căn cứ địa buổi đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1771-1773); Nhà lao Peiku và nhiều di tích ghi dấu những chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc… Mặt khác, nhắc đến di sản lịch sử - văn hóa Gia Lai, không thể không nói đến một địa điểm ngày càng có sức hấp dẫn đối với du khách là Bảo tàng tỉnh. Tại nơi đây, nhiều nghìn hiện vật được trưng bày trong một không gian thơ mộng, được du khách bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn của Gia Lai năm 2017. 

Là một tỉnh cao nguyên, miền núi, đa dạng về thành phần tộc người, giàu bản sắc văn hóa của cư dân tại chỗ; có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời… cùng với những nét văn hóa độc đáo của bộ phận dân cư mới nhập cư, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, di sản lịch sử - văn hóa Gia Lai đã và đang góp phần làm nên thế mạnh riêng có của du lịch tỉnh nhà./.

-----
1 Tổng hợp từ báo cáo sơ bộ các đợt khai quật ở An Khê từ năm 2014-2018 của Đoàn Khai quật Việt - Nga.


TS. NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Bài đăng trên Chuyên san "Du lịch Gia Lai - Tiềm năng và Triển vọng"

TIỀM NĂNG DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 10:41 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.