Top Ad unit 728 × 90

Tin mới

recent

XÂY DỰNG THÀNH PHỐ PLEIKU TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH TRỌNG ĐIỂM

Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Gia Lai, nằm trên trục đường Quốc lộ 14, Quốc lộ 19, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tỉnh lộ... có điều kiện thuận lợi trong việc giao thương và đi lại của người dân, kết nối các khu du lịch, các điểm du lịch trong tỉnh, trong vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Đô thị Pleiku có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, chữa bệnh; là cái nôi của nhiều nền văn hoá lâu đời của đồng bào dân tộc Jrai và Bahnar, thể hiện đậm nét qua văn hoá nhà rông, nhà mồ, tượng nhà mồ và các lễ hội truyền thống được bảo tồn cho đến ngày nay. Đặc biệt, với Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận, Pleiku càng khẳng định hơn giá trị độc đáo của bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.

Quang cảnh Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018. Ảnh: Đức Thụy.

Trong những năm qua, bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của thành phố được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, vệ sinh môi trường... gắn với chỉnh trang đô thị, tu bổ các điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí như: Làng văn hóa du lịch Plei Ốp, Công viên Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng, Di tích văn hóa danh thắng Biển Hồ, Di tích lịch sử Nhà lao Pleiku… đáp ứng được nhu cầu tham quan, giải trí của người dân địa phương và thu hút khách trong nước và quốc tế(1). Đặc biệt, từ khi công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết và Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được khánh thành, đưa vào sử dụng đã thu hút nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến Pleiku tham quan du lịch.

Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên.
Cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng phát triển và nâng cao về chất lượng, nhiều khách sạn, nhà hàng đã được đầu tư xây dựng hiện đại và quy mô như: Khách sạn Tre Xanh, khách sạn Pleiku, khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, khách sạn Khánh Linh… Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 69 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách quy mô vừa và nhỏ, chất lượng phục vụ được đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định với tổng số trên 1.800 phòng và hơn 3.000 giường; có 13 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã xây dựng các tour, tuyến du lịch đáp ứng nhu cầu cho du khách khi tham quan, du lịch thành phố và góp phần đưa hoạt động du lịch trở nên chuyên nghiệp và có tổ chức hơn. Các sự kiện về văn hóa, thể thao quy mô quốc tế, quốc gia, khu vực thường xuyên tổ chức tại địa bàn, thu hút lượng lớn khách du lịch đến thành phố, góp phần mở rộng giao lưu, tăng cường hợp tác hữu nghị, ngoại giao quốc tế.



Núi Hàm Rồng. Ảnh: Phan Nguyên.

Trong năm 2017, thành phố Pleiku đón tiếp 480.000 lượt khách, tăng 19% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế 9.650 lượt, khách nội địa hơn 471.350 lượt; doanh thu du lịch đạt 239 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượt khách du lịch đến Pleiku đạt 280.000 lượt, tăng 118,75% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khách quốc tế 3.800 lượt, doanh thu ước đạt 110 tỷ đồng. Đặc biệt, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Khu Du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu Du lịch Quốc gia, đây là điều kiện quan trọng để xây dựng định hướng phát triển, giải pháp quản lý, bảo vệ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị tài nguyên du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả.

Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và tài nguyên du lịch, xây dựng thành phố Pleiku trở thành điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh Gia Lai; có thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng; phát triển du lịch theo hướng xanh - sạch - đẹp, an ninh - an toàn và thân thiện, gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nghỉ dưỡng, mua sắm; kết nối các vùng du lịch trọng điểm quốc gia và du lịch quốc tế; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thành phố Pleiku xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Vẻ đẹp của hàng thông trăm tuổi tại thôn 1,
xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ảnh: Tấn Kần.

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu du lịch Pleiku trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; tuyên truyền trên website thành phố, phát hành các ấn phẩm, các tài liệu tuyên truyền, quảng bá du lịch, xây dựng sổ tay du lịch... nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và nhân dân về phát triển du lịch, đồng thời cung cấp thông tin, dữ liệu cần thiết để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư các dự án tại các khu, điểm du lịch tiềm năng của thành phố.

Thứ hai, tập trung xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, vừa khai thác được tài nguyên của thành phố, vừa phù hợp với xu hướng phát triển du lịch chung và nhu cầu của du khách như: Du lịch khám phá về di tích danh thắng Biển Hồ, khám phá núi lửa Chư Đăng Ya, núi lửa Hàm Rồng; Du lịch cộng đồng nhằm khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc, các phong tục tập quán lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số tại Làng Ốp, làng Brel, làng Kép, làng Choét II…; Du lịch kết hợp với văn hóa tâm linh, tham quan và học tập nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước của dân tộc tại Di tích lịch sử Nhà lao Pleiku, Đền tưởng niệm Mộ liệt sĩ Hội Phú; Du lịch sinh thái kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại xã An Phú…

TP. Pleiku về đêm. Ảnh: Hòa Carol.
Riêng trong năm 2018, thành phố Pleiku tập trung đầu tư và khai thác có hiệu quả điểm du lịch làng Plei Ốp: Xây dựng Khu vườn tượng; hình thành đường hoa (Đỗ mai, Cúc quỳ, Pơ Lang...); đầu tư sơn sửa lại cổng chào, hệ thống điện, nước, sửa chữa giọt nước, sửa chữa nhà dài và bổ sung thêm một số sản phẩm, hiện vật trưng bày tại Nhà rông; xây dựng loại hình du lịch cộng đồng (homestay). Đầu tư và khai thác có hiệu quả điểm du lịch tại Khu di tích lịch sử văn hóa Biển Hồ: Phục dựng Tượng Quan thế âm bồ tát tại khu vực Đồi vọng cảnh; đầu tư hoàn thành hệ thống đường vào Khu di tích; đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; lắp đặt bảng chữ “BIỂN HỒ PLEIKU”. Xây dựng 02 làng văn hóa nông thôn mới kết hợp tham quan du lịch. Tiếp tục đầu tư, chỉnh trang, sửa chữa các di tích lịch sử Nhà lao Pleiku, Đền tưởng niệm Mộ liệt sỹ Hội Phú, Căn cứ địa cách mạng Khu 9 - xã Gào; xây dựng tuyến phố ẩm thực, mua sắm tại trung tâm thành phố.

Thứ ba, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao với quy mô lớn nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch về chuyên môn, ngoại ngữ để đáp ứng được nhu cầu của thị trường du lịch.

Thứ tư, huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng các dự án kinh doanh hoạt động du lịch, các công trình phục vụ du lịch, các thiết chế văn hóa ở cơ sở, các sản phẩm du lịch và các hoạt động du lịch khác tại địa phương; đảm bảo an toàn, văn minh, bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Lễ mừng nhà rông mới. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh.


Thứ năm, quan tâm công tác bảo tồn, giữ gìn các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số như: Không gian văn hóa cồng chiêng, các lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xử lý các tệ nạn xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch; tạo môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện để tạo niềm tin và sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Pleiku…

Tây Nguyên đại ngàn. Ảnh: Hòa Carol.

Với những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trên, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hy vọng sẽ đưa ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Pleiku trong thời gian đến. Phấn đấu xây dựng thành phố Pleiku là điểm đến xanh - sạch - đẹp, an toàn và thân thiện của tỉnh Gia Lai./.

Trịnh Duy Thuân
UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku

Bài đăng trên Chuyên san “Du lịch Gia Lai - Tiềm năng và Triển vọng”.


-----
1 Riêng trong năm 2018, thành phố Pleiku tập trung đầu tư và khai thác có hiệu quả điểm du lịch làng Plei Ốp: Xây dựng Khu vườn tượng; hình thành đường hoa (Đỗ mai, Cúc quỳ, Pơ Lang...); đầu tư sơn sửa lại cổng chào, hệ thống điện, nước, sửa chữa giọt nước, sửa chữa nhà dài và bổ sung thêm một số sản phẩm, hiện vật trưng bày tại Nhà rông; xây dựng loại hình du lịch cộng đồng (homestay). Đầu tư và khai thác có hiệu quả điểm du lịch tại Khu di tích lịch sử văn hóa Biển Hồ: Phục dựng Tượng Quan thế âm bồ tát tại khu vực Đồi vọng cảnh; đầu tư hoàn thành hệ thống đường vào Khu di tích; đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; lắp đặt bảng chữ “BIỂN HỒ PLEIKU”. Xây dựng 02 làng văn hóa nông thôn mới kết hợp tham quan du lịch. Tiếp tục đầu tư, chỉnh trang, sửa chữa các di tích lịch sử Nhà lao Pleiku, Đền tưởng niệm Mộ liệt sỹ Hội Phú, Căn cứ địa cách mạng Khu 9 - xã Gào.

XÂY DỰNG THÀNH PHỐ PLEIKU TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH TRỌNG ĐIỂM Reviewed by Tây Nguyên mến yêu on 10:40 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Copyright © by .

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.